Back to E-magazine
e magazine
07:00 | 07/02/2024
Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và vấn đề quyền con người

07:00 | 07/02/2024

Cộng đồng ASEAN nói chung và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội nói riêng vừa là mục tiêu vừa là điều kiện thuận lợi giúp các nước ASEAN thúc đẩy tăng cường khả năng bảo vệ con người, nâng cao trình độ nhân quyền cho các công dân ASEAN, tạo ra bản sắc riêng của ASEAN: một Cộng đồng, một vận mệnh, thống nhất trong đa dạng.
Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và vấn đề quyền con người

Quyền con người tại các quốc gia châu Á luôn là một vấn đề nóng bỏng và gây nhiều tranh cãi, do đây là một châu lục khổng lồ về dân số và lại có quá nhiều khác biệt về tôn giáo, văn hóa, lịch sử, chính trị và cả kinh tế khiến cho vấn đề nhân quyền ở đây trở nên cực kỳ nhạy cảm.

Quan điểm, luật định của các nước trong khu vực cũng rất khác nhau về vấn đề quyền con người. Đó là lý do tại sao các nước châu Á nói chung và ASEAN nói riêng không có được một định nghĩa chung về nhân quyền. Do đó, nhân quyền theo quan điểm của các nước ASEAN có thể khái quát trên hai đặc điểm.

Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và vấn đề quyền con người
Thứ nhất, có tính lịch sử và đặc thù văn hóa. Do điều kiện lịch sử, cơ cấu xã hội và trình độ phát triển, nên truyền thống văn hóa ở các nước ASEAN là luôn đặt cộng đồng lên trên cá nhân, ưu tiên trật tự xã hội hơn tự do cá nhân. Thứ hai, nhân quyền ở các nước ASEAN thuộc về chủ quyền quốc gia. Trong Tuyên bố Bangkok, các quốc gia ASEAN đã khẳng định: “Nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và không sử dụng nhân quyền như một công cụ để gây sức ép chính trị”.
Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và vấn đề quyền con người

Mặc dù chưa có được cách nhìn nhận chung và còn tỏ ra khá dè dặt trong việc công nhận một số quyền con người, các nước ASEAN đã quan tâm đến vấn đề này từ rất lâu, sớm đưa vấn đề nhân quyền vào các văn kiện của tổ chức: Tuyên bố về các nguyên tắc tăng cường sự hợp tác về thanh niên ASEAN (1983), Tuyên bố về sự tiến bộ của phụ nữ (1988), Kế hoạch hành động ASEAN về trẻ em (1993)…

Sang thập niên đầu thế kỷ XXI, cùng với những nỗ lực tiến tới Cộng đồng, ASEAN đã đưa ra rất nhiều văn kiện, thể hiện ASEAN ngày càng tiến tới những giá trị chung về quyền con người: Tuyên bố ASEAN về những cam kết đối với trẻ em (2001), Tuyên bố chống lại việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (2004), Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động di trú (2007), Công ước ASEAN về chống khủng bố (2007), Hiến chương ASEAN (2007)… Bên cạnh đó, tất cả các quốc gia ASEAN đều tham gia và tuân thủ các quy định về nhân quyền trong các văn kiện quốc tế như Hiến chương Liên hợp quốc, Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền, Công ước chống mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước về quyền trẻ em…

Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và vấn đề quyền con người

Hợp tác liên quan đến quyền con người trong ASEAN được thể hiện trong nhiều chương trình nghị sự, chương trình/kế hoạch hành động như Chương trình hành động Hà Nội (1998-2004), Chương trình hành động Vientiane (2004-2010), đặc biệt là trong nội dung xây dựng Cộng đồng ASEAN nói chung và Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN nói riêng.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định về bảo vệ nhân quyền ở cấp độ cấp độ quốc gia và khu vực, các quốc gia ASEAN hiểu rõ sự thiếu vắng một cơ quan nhân quyền có thể làm ảnh hưởng đến hình ảnh chung của các nước ASEAN trên trường quốc tế trong lĩnh vực này. Nghiên cứu về việc bảo vệ quyền con người trên thế giới, đặc biệt là các cơ chế nhân quyền quốc tế cho thấy để thúc đẩy và bảo vệ một cách hiệu quả quyền con người thì bên cạnh việc xây dựng các văn kiện pháp lý quốc tế ghi nhận các quyền con người cụ thể thì cần thiết phải lập ra các cơ quan chuyên trách quốc tế, với nhiệm vụ khuyến khích hợp tác giữa các quốc gia và giám sát việc thực thi một cách hữu hiệu các nghĩa vụ bảo vệ quyền con người đã cam kết.

Từ năm 2004, các nước ASEAN đã đưa vấn đề thành lập Ủy ban ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người thành một vấn đề lớn trong Chương trình hành động Vientiane. Năm 2007, ASEAN đã thông qua Hiến chương ASEAN và Điều 14 của Hiến chương ASEAN đã nêu rõ nhiệm vụ thành lập một cơ quan nhân quyền ASEAN "phù hợp với mục đích và nguyên tắc của Hiến chương ASEAN nhằm mục đích thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản". Năm 2009, Ủy ban liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) chính thức được thành lập và đi vào hoạt động từ đây.

AICHR là tổ chức nhân quyền cao nhất trong ASEAN, chịu trách nhiệm tổng thể trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền ở ASEAN nhưng không có quyền chế tài. Các nước ASEAN, mặc dù hiểu quyền con người có tính chất quốc tế, vẫn đặt quyền con người thuộc chủ quyền quốc gia, và không chấp nhận bất cứ một thể chế quốc tế hay tổ chức quốc tế nào áp đặt chế tài.

Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và vấn đề quyền con người
Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và vấn đề quyền con người
Cùng với sự ra đời của Cộng đồng ASEAN (2015), những mục đích chủ chốt về bảo vệ quyền con người trong các nước thành viên ASEAN, đã được làm rõ: (i) Thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản của nhân dân các nước ASEAN; (ii) Phát huy quyền của người dân ASEAN được sống trong hòa bình, phẩm giá và sự thịnh vượng; (iii) Đảm bảo đời sống hạnh phúc, phúc lợi xã hội và khuyến khích sự tham gia của người dân ASEAN trong quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN; (iv) Thúc đẩy quyền con người trên cơ sở hiểu rõ những đặc thù quốc gia và khu vực, tôn trọng những khác biệt về lịch sử, văn hóa và tôn giáo, và có tính đến sự cân bằng giữa quyền và trách nhiệm; (v) Tăng cường hợp tác khu vực nhằm góp phần trong việc khuyến khích và bảo vệ quyền con người ở trong nước và trên thế giới; và (vi) Duy trì các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế theo quy định của Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới, Công ước và Chương trình hành động Vienna cũng như các tổ chức quốc tế về quyền con người mà các nước thành viên ASEAN có tham gia.
Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và vấn đề quyền con người

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN-9 (tháng 10/2003), các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố hòa hợp ASEAN II (Tuyên bố Bali II), quyết định lập Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột: Chính trị, kinh tế, và văn hoá - xã hội. Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN (ASCC) đã chi tiết hoá những nội dung cơ bản về quyền con người trong ASEAN, đó là: Xây dựng một cộng động các xã hội đùm bọc lẫn nhau; Hợp tác trong lĩnh vực phát triển xã hội nhằm nâng cao đời sống của các nhóm người có hoàn cảnh bất lợi, người dân ở nông thôn; Đảm bảo để những người lao động trong khu vực được chuẩn bị sẵn sàng và được hưởng lợi từ tiến trình liên kết kinh tế khu vực, thông qua việc đầu tư thêm nguồn lực cho giáo dục tiểu học và cao đẳng, đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ, tạo công ăn việc làm và được đảm bảo về mặt xã hội; Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y tế, bao gồm cả việc phòng, chống các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS và SARS và ủng hộ các nỗ lực khu vực để người dân có thể tiếp cận nhiều hơn đối với các loại thuốc thông thường; Bồi dưỡng nhân tài, thúc đẩy giao lưu giữa các học giả, văn nghệ sĩ, những người làm trong ngành truyền thông để bảo tồn và nâng cao giá trị của các di sản văn hoá đa dạng, đồng thời xây dựng bản sắc khu vực, nhận thức của người dân về ASEAN; Tăng cường hợp tác để giải quyết những vấn đề liên quan tới tăng trưởng dân số, thất nghiệp, môi trường xuống cấp và ô nhiễm xuyên biên giới, quản lý thiên tai.

Tuy các văn kiện của ASEAN đã làm rõ nội dung bảo vệ quyền con người, nhưng trên thực tế, ASEAN vẫn theo “phương cách ASEAN”, thừa nhận rằng trách nhiệm chính trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản là thuộc về mỗi nước thành viên. Do vậy, những vấn đề về quyền con người ở các nước ASEAN, ví dụ ở Myanmar, như xung đột sắc tộc ở bang Rakhine, như cuộc bạo loạn ngày càng lan rộng ở các bang của Myanmar, sau cuộc chính biến tháng 2/2021, vẫn là vấn đề nội bộ của Myanmar. Tuyên bố chung 5 điểm của ASEAN về vấn đề Myanmar về cơ bản vẫn đề cập đến chính trị an ninh chung của Myanmar, có liên quan đến hoà bình, ổn định của Myamar và của cả khu vực, chỉ có một điểm duy nhất, có liên quan đến con người, đó là viện trợ nhân đạo. Chính vì vấn đề an ninh con người vẫn gắn với an ninh quốc gia, chứ chưa được nhìn nhận như là vấn đề an ninh riêng biệt mang tầm cỡ khu vực, cho nên khi xung đột vũ trang tại Myanmar leo thang, ASEAN khó có một quyết sách chung liên quan đến các công dân các nước ASEAN mắc kẹt ở Myanmar, mà tất cả các quốc gia ASEAN đều tìm cách đưa công dân của mình về nước theo từng cách thức riêng, phụ thuộc vào từng nước.

Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và vấn đề quyền con người
Không thể phủ nhận những nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, trong đó Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN là trụ cột chính, góp phần xây dựng một Cộng đồng lấy con người làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội, nhằm xây dựng tình đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và dân tộc ASEAN. Theo đó, hàng loạt biện pháp tập trung chủ yếu vào việc nâng cao quyền con người, chất lượng cuộc sống của người dân ASEAN, đã được triển khai trên ba nền tảng: phát triển phúc lợi và bảo trợ xã hội; phát triển nguồn nhân lực; và đảm quyền lạo động và công bằng xã hội. Tầm nhìn của Cộng đồng ASEAN nói chung và Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN nói riêng, đến 2025 và sau 2025, càng rộng lớn hơn nhiều: tiến tới một bản sắc chung ASEAN, trong đó hình thành một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hoà thuận và rộng mở, với mức sống và phúc lợi của người dân được nâng cao. Nói cách khác, gắn kết người dân, người dân tích cực, chủ động và có trách nhiệm tham gia xây dựng một xã hội phục vụ tốt nhất cho chính người dân là một trong những mục tiêu quan trọng mà các nước ASEAN đang hướng tới. Như vậy, việc lấy người dân làm trung tâm cần được hiểu trên 3 góc độ: Cộng đồng vì người dân, do người dân và của người dân.
Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và vấn đề quyền con người
Việc tạo dựng bản sắc chung ASEAN là nhiệm vụ trọng điểm của Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN. Bản sắc chung ASEAN đóng vai trò rất quan trọng, là “chất keo” kết dính các quốc gia trong khu vực và kết dính những người dân ASEAN với nhau. Sự kết dính này mang lại sự thay đổi sâu sắc trên tất cả các phương diện của đời sống xã hội các nước ASEAN, giải quyết được những mặt trái của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra ở các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, mang đến sự phát triển hài hòa mà ở đó con người được quan tâm và là trung tâm của xã hội.
Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và vấn đề quyền con người

Song, ASEAN còn gặp nhiều khó khăn thách thức khác trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người, cũng như tạo dựng chất keo kết dính những “công dân ASEAN” với nhau. Thứ nhất, có thể thấy trong khu vực ASEAN cho tới nay chưa có một văn kiện pháp lý nào được khu vực thông qua, đề cập một cách chi tiết các quyền con người, mặc dù các nước thành viên ASEAN tham gia khá đầy đủ vào các công ước nhân quyền quốc tế. Một văn kiện pháp lý riêng của khu vực về quyền con người sẽ có vai trò rất quan trọng về mặt pháp lý và thực tiễn để thúc đẩy hiệu quả hơn vấn đề bảo vệ quyền con người.

Ngày 18/11/2012, lãnh đạo 10 quốc gia ASEAN trong đó có Việt Nam đã thông qua Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN (AHRD). Đây là văn kiện về nhân quyền đầu tiên thể hiện cam kết chính trị của toàn khối trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người cũng như tự do cơ bản cho 600 triệu công dân ASEAN. Tuyên ngôn nhân quyền do AICHR – cơ quan đầu mối phụ trách vấn đề quyền con người của ASEAN soạn thảo. Tuy nhiên đây không phải là văn kiện mang tính ràng buộc pháp lý. Nó chỉ là nền tảng để ASEAN có thể soạn thảo các công ước có tính ràng buộc sau này.

Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và vấn đề quyền con người

Thứ hai, sự đa dạng về văn hóa, phong tục tập quán, trình độ phát triển và sự khác nhau về thể chế chính trị, dẫn đến cách tiếp cận về vấn đề nhân quyền cũng như việc giải thích về các quyền sẽ có sự khác nhau. Tất cả những thành tố này sẽ đặt ra vấn đề là phải xây dựng một cơ quan nhân quyền như thế nào vừa đảm bảo tính hiệu quả trong việc thực thi nhân quyền ở khu vực, vừa tôn trọng các lợi ích quốc gia theo đúng nguyên tắc đã được ghi nhận trong Hiến chương ASEAN: “Tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo của người dân ASEAN, đồng thời nhấn mạnh những giá trị chung trên tinh thần thống nhất trong đa dạng” (Điều 2).

Thứ ba, nguyên tắc nền tảng của ASEAN như không can thiệp công việc nội bộ của các quốc gia thành viên cũng sẽ là một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới việc xác định thẩm quyền của cơ quan nhân quyền khu vực. Làm sao cơ chế này có thể dàn xếp được các xung đột và va chạm trong khu vực mà không vi phạm nguyên tắc không xâm phạm? Thẩm quyền của cơ quan này sẽ lớn tới đâu? Mức độ cưỡng chế tới đâu? Đây chính là những vấn đề còn cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Thứ tư, hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy nhà nước ở các quốc gia thành viên, khác nhau, chưa thực sự hoàn thiện, và thiếu sự cân bằng và kết dính với nhau.

Việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong ASEAN tuy gặp nhiều khó khăn, thách thức như vậy, nhưng cũng có những thuận lợi cơ bản.

Một là, Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN đã đề cập đầy đủ các quyền con người trên lĩnh vực dân sự, chính trị (gồm 14 quyền), kinh tế, xã hội và văn hóa (gồm 8 quyền). Đồng thời, Tuyên ngôn cũng khẳng định quyền phát triển và quyền được sống trong hòa bình của mọi thành viên trong cộng đồng ASEAN.

Hai là, sự đồng thuận của các quốc gia đối với Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN, với sự ra đời của AICHR, là một thắng lợi chính trị, thể hiện quyết tâm của mỗi quốc gia thành viên cũng như của cả tổ chức ASEAN trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

Ba là, những nguyên tắc đề ra trong Tuyên ngôn, trong hoạt động của AICHR là những bước đi tích cực không chỉ đối với việc tôn trọng và bảo đảm quyền con người mà còn ngăn chặn âm mưu lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia.

Cộng đồng ASEAN có mục tiêu bao trùm là hướng tới người dân, vì người dân và cho người dân. Cộng đồng Văn hóa - Xã hội có mục tiêu cụ thể là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các cơ hội phát triển, hướng đến bình đẳng và công bằng xã hội, giảm thiểu những tác động liên quan đến môi trường, tác động của toàn cầu hóa và cách mạng khoa học công nghệ. Các nội hàm này của Cộng đồng ASEAN nói chung và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội nói riêng vừa là mục tiêu vừa là điều kiện thuận lợi giúp các nước ASEAN thúc đẩy hợp tác với nhau và với các nước bên ngoài khối, tăng cường khả năng bảo vệ con người, nâng cao trình độ nhân quyền cho các công dân ASEAN và phát triển hài hoà các xã hội với nhau, tạo ra bản sắc riêng của ASEAN: một Cộng đồng, một vận mệnh, thống nhất trong đa dạng.

-------------------------

Thực hiện: Đại sứ, TS. Luận Thùy Dương, Thiết kế: Hồng Nga, Nguồn ảnh: TTXVN, VGP…

Đọc thêm

Luật Đất đai năm 2024: Tăng cường quyền làm chủ của nhân dân

Luật Đất đai năm 2024: Tăng cường quyền làm chủ của nhân dân

Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sau một quá trình lập pháp công phu, kỹ lưỡng, thể chế đầy đủ quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, tiếp thu có chọn lọc những đóng góp xác đáng của các chuyên gia, kế thừa những điểm tiến bộ và hoàn thiện những bất cập, hạn chế của Luật Đất đai năm 2013.
Bài cuối: Bác bỏ luận điệu ‘đảng viên quá độ’

Bài cuối: Bác bỏ luận điệu ‘đảng viên quá độ’

Luận điệu “đảng viên quá độ”, mới nghe dường như “thuận tai”, hợp lý; song thực chất, đó là quan điểm sai trái về lý luận và phản động về thực tiễn, tác động hướng lái, tạo sự chuyển hoá về tư tưởng của cán bộ, đảng viên.
Bài 1: Tính nguy hại của luận điệu ‘đảng viên quá độ’

Bài 1: Tính nguy hại của luận điệu ‘đảng viên quá độ’

Trước tình trạng không ít đảng viên, tổ chức đảng đã “nhúng chàm” đến mức phải xử lý, các học giả tư sản, các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị ngụy biện rằng “Việt Nam trong thời quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) thì tiêu chuẩn người đảng viên cũng cần có tính quá độ”. Đây là luận điệu sai trái về góc độ lý luận và phản động về góc độ thực tiễn, cần được nhìn nhận đúng dưới góc nhìn khoa học biện chứng.
Ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em: Làm sao để những trái tim tổn thương 'cất lời'?

Ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em: Làm sao để những trái tim tổn thương 'cất lời'?

Bạo lực vẫn còn ẩn khuất vì hầu hết phụ nữ và trẻ em gái (hơn 90%) chưa từng tìm kiếm sự trợ giúp từ các nhà cung cấp dịch vụ địa phương hoặc chính quyền.
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam: Phụ nữ tham chính để nhiều vấn đề quan trọng không bị lãng quên…

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam: Phụ nữ tham chính để nhiều vấn đề quan trọng không bị lãng quên…

Chia sẻ với báo chí về bình đẳng giới và quyền của phụ nữ, Đại sứ Hilde Solbakken đã kể về câu chuyện của Na Uy và những trải nghiệm cá nhân khi là một nữ cán bộ ngoại giao.
Tinh vi các thủ đoạn lừa đảo việc làm trực tuyến, nhiều người có trình độ cao cũng là nạn nhân

Tinh vi các thủ đoạn lừa đảo việc làm trực tuyến, nhiều người có trình độ cao cũng là nạn nhân

Nạn mua bán người đang diễn biến ngày một phức tạp. Trong đó, hình thức lừa đảo việc làm trực tuyến được các chuyên gia đặc biệt cảnh báo.