📞

Gắn chặt doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo du lịch

21:00 | 06/07/2017
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng chỉ có gắn chặt doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo thì mới thay đổi được phương thức đào tạo nhân lực du lịch hiện nay, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao cả về chất lượng lẫn số lượng người làm du lịch.

Trong cuộc làm việc chiều 6/7, Phó Thủ tướng đã nghe các kiến nghị từ các doanh nghiệp (DN) du lịch, các cơ sở đào tạo cũng như đại diện bộ, ngành về những vấn đề liên quan đến “bài toán” đào tạo nhân lực du lịch hiện nay.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của các DN trong nâng cao chất lượng đào tạo du lịch.

Yếu, thiếu và vướng

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết hiện nay, lao động trực tiếp trong ngành du lịch khoảng 750.000 người, dự kiến tới năm 2020 đạt khoảng 870.000 người. Tuy nhiên, nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu về số lượng, yếu về ngoại ngữ, tin học, khả năng ứng xử, kỹ năng mềm, đạo đức nghề nghiệp còn hạn chế.

Trong khi đó, quy mô đào tạo chưa đủ lớn (khoảng 156 cơ sở đào tạo du lịch), năng lực đào tạo chưa đồng đều, ngành nghề đào tạo thiếu, phân bố cơ sở đào tạo chưa thật sự hợp lý; đội ngũ cán bộ giáo viên còn thiếu về số lượng, thiếu kinh nghiệm thực tế; thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước, cơ sở đào tạo và DN du lịch.

Từ kinh nghiệm hoạt động của Trường Trung cấp du lịch và khách sạn của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist), Tổng Giám đốc Trần Hùng Việt cho rằng chỉ có gắn chặt với thực hành tại các khách sạn, cơ sở lưu trú thì khi ra trường học viên mới đáp ứng được yêu cầu của DN.

“Tại những địa phương mạnh về du lịch như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng… các DN du lịch “đầu đàn” có thể hợp tác để đào tạo ngay tại chỗ để đáp ứng nhu cầu về nhân lực, đồng thời tận dụng được những cơ sở đào tạo hoạt động chưa hiệu quả”, ông Việt kiến nghị.

Đại diện một số DN cũng bày tỏ mong muốn được các địa phương hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc trong việc thành lập cơ sở đào tạo du lịch do không nằm trong quy hoạch.

Về phía các cơ sở đào tạo, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn, bà Ngô Thị Quỳnh Xuân nêu thực tế đối với hệ trung cấp và cao đẳng, đặc biệt là những trường dạy nghề thì cách đào tạo là thực hành rất nhiều. Giảng viên là những người đang làm việc trong các DN du lịch lớn, trực tiếp “cầm tay chỉ việc” cho học viên. Ngay tại Trường Cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn hiện có 65% giảng viên dạy thực hành đều từ DN ra, nhưng theo Luật Giáo dục nghề nghiệp thì những giảng viên này phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, trong khi ở TPHCM chưa có trung tâm thẩm định kỹ năng nghề du lịch.

Một số lãnh đạo các trường nghề cũng đề nghị cần có cơ chế thoáng hơn trong đào tạo liên thông, quy định mở ngành đào tạo mới… để thu hút người học.

Trực tiếp giải đáp một số vấn đề về tiêu chuẩn giảng viên, giáo viên, đào tạo liên thông trong ngành du lịch, mở ngành mới về du lịch…, đại diện Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB&XH) cũng cam kết phối hợp chặt chẽ với các DN, Hiệp hội Du lịch Việt Nam để tháo gỡ những khó khăn cụ thể liên quan đến đào tạo du lịch trên tinh thần “vướng đâu gỡ đó”.

'Đào tạo du lịch không thể theo cách cũ nữa'

Từ các ý kiến tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nếu cứ theo cách làm cũ thì đào tạo du lịch không thể đáp ứng được yêu cầu.

“Đào tạo du lịch cũng giống như đào tạo y khoa, tức là thực hành rất nhiều. Do vậy cơ sở đào tạo phải có mối liên kết chặt chẽ với DN du lịch giống như giữa các trường đại học y và bệnh viện. Vì vậy, ngành du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẩn trương nghiên cứu, đề xuất quy trình nhằm tạo thuận lợi cho những người có kinh nghiệm, chuyên môn cao trong các DN du lịch trực tiếp tham gia giảng dạy”, Phó Thủ tướng nói.

Từ nghịch lý hàng chục nghìn cử nhân, kỹ sư đang thất nghiệp trong khi những ngành như du lịch, công nghệ thông tin còn thiếu rất nhiều lao động, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTT&DL đánh giá lại các trường đào tạo du lịch từ trung cấp đến đại học đang gặp khó khăn trong tuyển sinh, tìm hướng chuyển đổi mô hình đào tạo theo hướng kết hợp với những DN du lịch lớn, xây dựng chương trình chuẩn, sát với chuẩn đầu vào của DN; có phương pháp đào tạo đặc biệt để thu hút dành cho người đã học đại học ở các ngành khác nhưng chưa có việc làm.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH, Bộ VHTT&DL khẩn trương xây dựng chuẩn đầu ra cho các cấp độ ngành nghề du lịch từ sơ cấp đến sau đại học; nghiên cứu, chọn lựa một số địa phương có thế mạnh về du lịch làm nòng cốt, hình thành các trung tâm đào tạo, có sự phối hợp với các khách sạn lớn đào tạo nhân lực; xây dựng các chương trình, giáo trình tập huấn cho lao động du lịch, kể cả người dân đang tham gia làm du lịch cộng đồng.

“Các DN cần tham gia sâu hơn vào công tác đào tạo du lịch. Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện để các DN du lịch, nhất là những tập đoàn, có thể thành lập các cơ sở đào tạo riêng, hoạt động không vì lợi nhuận. Đây là chủ trương cần đẩy mạnh trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.