📞

Gánh nặng kép về dinh dưỡng

08:00 | 22/04/2016
Theo Báo cáo mới đây do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) công bố, hầu hết các nước ASEAN hiện đang phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng và béo phì ở trẻ em.

Cố vấn của UNICEF về dinh dưỡng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Christiane Rudert cho biết, cùng với sự phát triển kinh tế ấn tượng trong thập kỷ qua giúp hàng triệu trẻ em thoát khỏi đói nghèo, các quốc gia Đông Nam Á đang phải chứng kiến bệnh béo phì gia tăng.

Đặc biệt, tình trạng này biểu hiện rõ ràng nhất ở các nước có mức thu nhập trung bình như Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Ở Thái Lan, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng tăng từ 5% lên 7%, và tỷ lệ trẻ em thừa cân cũng tăng từ 8% lên 11% trong giai đoạn năm 2006 - 2012. Trong khi đó ở Indonesia, trẻ em béo phì và trẻ em thiếu dinh dưỡng có tỉ lệ tương đương nhau là 12%.

Tỷ lệ trẻ em béo phì gia tăng ở Đông Nam Á.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nguyên nhân dẫn đến thừa cân và suy dinh dưỡng có liên quan đến nhau. Cụ thể là, một đứa trẻ còi cọc trong độ tuổi đang lớn có nhiều nguy cơ trở nên béo phì sau này. Ngoài ra, nguy cơ thừa cân tăng cao còn xuất phát từ tình trạng thực phẩm kém chất lượng, trẻ em thiếu hoạt động thể chất và lối sống ít vận động. Điều đáng buồn là, những xu hướng này đang ngày càng gia tăng ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, góp phần dẫn tới sự phổ biến của các bệnh mãn tính như tiểu đường và bệnh tim mạch.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy tỷ lệ trẻ em thấp còi khá phổ biến ở Campuchia, Lào, Myanmar, cũng như tại một số vùng thuộc Indonesia và Philippines. Trong đó, tỷ lệ trẻ em thấp còi ở Lào đứng đầu ASEAN ở mức 44%.

Nghiên cứu cho thấy suy dinh dưỡng ở trẻ em ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế của các quốc gia này, tạo gánh nặng cho hệ thống y tế. Ngoài ra, suy dinh dưỡng còn có thể dẫn đến các bệnh mãn tính không lây nhiễm, khuyết tật và thậm chí tử vong, làm giảm lực lượng lao động tiềm năng. Ước tính suy dinh dưỡng có thể làm giảm đến 3% tỷ lệ tăng trưởng GDP của một quốc gia mỗi năm.

UNICEF và EU mới đây đã hoàn thành một chương trình hợp tác 5 năm nhằm đối phó với các vấn đề dinh dưỡng ở một số nước châu Á, trong đó có Indonesia, Lào và Philippines. Mục tiêu của chương trình này là giúp các chính phủ xây dựng một cách tiếp cận toàn diện với dinh dưỡng, ngoài lĩnh vực y tế.

Bên cạnh đó, để giảm thiểu gánh nặng kép về dinh dưỡng, Chính phủ các nước ASEAN cần phải tăng cường các chính sách phúc lợi nhằm cải thiện dinh dưỡng tốt cho trẻ sơ sinh, nâng cao nhận thức người dân về nuôi dưỡng trẻ, thúc đẩy vệ sinh nông nghiệp và thực phẩm, bảo đảm chế độ thai sản hợp lý.