Toàn cảnh vùng nuôi trồng hải sản của cựu nhà báo, Thiếu tá quân đội Lê Mai và người con trai. (Ảnh: Mạnh Cường) |
Hôm ấy, bầu trời thành phố biển Hải Phòng đẹp lạ, anh bạn chở tôi chạy bon bon trên cầu Đình Vũ (còn gọi là cầu vượt biển Tân Vũ – Lạch Huyện) để tới Cát Hải. Nắng chớm Thu và làn gió biển mát rượi khiến anh bạn cao hứng ngân nga câu hát:
“Những bến Bính, xi măng, cầu Rào, cầu Đất, Lạc Viên. Những cái tên nghe chẳng thơ đâu nhưng với ta vô cùng oanh liệt”.
Cái khí chất kiêu hùng trong lời hát như truyền lửa sang tôi, dự báo một chuyến đi thật nhiều cảm hứng…
Bạn dừng xe trước một khu nuôi trồng thủy hải sản khá rộng. Từ xa, tôi đã trông thấy bóng hai người đàn ông đang chèo thuyền, ngay cạnh nơi xả tràn. Bạn tôi chào với ra: “Chào nhà báo Lê Mai, chào chủ vựa hải sản Lê Minh. Mọi người đang làm gì đấy?”. Tiếng chào sang sảng vọng vào: “Đang đặt đăng chữ V không có nước lớn, cá thoát hết ra ngoài đây”. Anh bạn tôi quay sang giải thích: “Đăng chắn cá chữ V giúp tăng thiết diện nơi nước thoát ra mà nó lại chịu lực tốt hơn”.
Tôi trách nhẹ anh bạn: “Đến thăm nhà báo lớn mà bạn không bảo trước để mình còn chuẩn bị”. Anh cười khà khà: “Bác Lê Mai là lính cụ Hồ nên sống giản dị lắm, không phải ngại”. Tôi nhìn ra nơi đầm nước mênh mông với căn nhà nhỏ cấp bốn, nơi hai cha con nhà báo Lê Mai - nguyên Giám đốc Công ty Dịch vụ Phát thanh Truyền hình thành phố Hải Phòng - đang canh tác – thấy lời anh bạn cũng có lý. Tâm lý e ngại trong tôi tan dần…
Nhanh nhẹn cập bờ, neo thuyền để vào đón khách, trông ông Lê Mai chẳng giống một cụ ông ngoại bát thập chút nào. Ông sinh năm 1939, nhưng có lẽ nhờ thói quen rèn luyện từ khi còn là lính “trinh sát cơ giới” nên ở tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe ông vẫn dẻo dai.
Tác giả và nhân vật bên những kỷ vật những huân huy chương được Đảng và Nhà nước trao tặng. (Ảnh: Hạnh Mi) |
Đầy chặt hành trang người lính
Sinh ra ở làng Kẻ Sặt (Hải Dương), là con trai duy nhất trong gia đình có truyền thống cách mạng, cậu bé Mai đã sớm thấm nhuần lòng yêu nước và tinh thần căm thù giặc. Từ năm 14, 15 tuổi, ông đã trốn theo những cán bộ cách mạng được gia đình nuôi giấu. Đến năm 18, đôi mươi thì ông tham gia làm đường trong kháng chiến chống Pháp rồi trở thành công nhân lâm trường. Đến năm 1961, ông nhập ngũ theo sắc lệnh về nghĩa vụ quân sự và nghiệp binh chính thức bắt đầu từ đó.
Ngó rom rom vào mặt tôi, ông cười hiền: “Nhà báo thời nay sướng rồi, đâu khổ bằng thời chiến trường ác liệt”. Anh bạn tôi chen ngang: “Người ta đi B một, hai lần đã mệt. Ông đi B đến ba lần. Cứ đi cho chán rồi về, về xong lại đi. Đi một mình không được, phải đi cả đoàn mới ưng”.
Ông Lê Mai chậm rãi nhấp ngụm trà rồi kể: “Năm 1962, tôi vào Binh đoàn 559. Khi Mỹ đánh rát, 559 được điều vào trong. Khi chiến đấu ở Lệ Thủy (Quảng Bình), rồi vào gần phà bến Thủy, tôi vinh dự được tham gia và chứng kiến trận thắng đầu của quân ta ngày 5/8/1964. Đấy chính là trận thắng giáng đòn mạnh vào ý chí leo thang của giặc”.
Bốn năm sau, năm 1968, ông Lê Mai đi B lần nữa. Lần này, ông là giảng viên Trường Sĩ quan Vận tải của Tổng cục Hậu cần cùng cả lớp tham gia đóng quân tại Hạ Lào Khammouane. Ông bảo, nhờ chuyến đi này mà ông có cơ hội được tham gia một chút vào Chiến dịch đường 9 - Nam Lào, nhằm đập tan cuộc hành quân Lam Sơn 719 do Mỹ và Ngụy quân triển khai năm 1971.
Đến tháng 3/1975, ông đi B lần ba. Nào ngờ, quân ta giải phóng Sài Gòn nhanh đến vậy. Đoàn ông chỉ đến nhanh Sài Gòn rồi đi cắm chốt tại Tây Ninh (nhằm hỗ trợ quân giải phóng ở phía Tây Sài Gòn và cầm chân quân Pol Pot nếu chúng từ Campuchia tràn sang) thì tin chiến thắng đã dội về.
Ông bảo: “Tôi chỉ là anh lính hậu cần, có phải quân chủ lực đâu nên chuyện đời lính chỉ có vậy”. Thế nhưng nghĩ thế nào, ông lại quyết định đi vào căn phòng nhỏ, thay một chiếc áo bộ đội tươm tất (sau này tôi biết, đó chính là chiếc áo ông đã mặc trong lần duyệt binh năm 1973) và cầm ra một chiếc áo đã rách với nhưng mũi chỉ vá lại thật khéo, cùng hai chiếc hộp đựng những kỷ vật của ông mang về từ chiến trường.
Ông Lê Mai cho xem chiếc áo, cháy do bom napan đã được vợ vá lại mà nay ông vẫn nâng niu như một kỷ niệm một thời chuyến đầu cùng các bạn Lào. (Ảnh: Hạnh Mi) |
Những câu chuyện chiến trường
Hồi mới nhập ngũ, sau sáu tháng rèn luyện ở thao trường, anh lính Lê Mai được chuyển qua học lái xe. Đến khi lái được hết các loại ô tô rồi cả xe tăng… thì ông được điều động vào Binh đoàn 559. Hồi đó chưa có đường đi nên đoàn xe đi đến đâu thì mở đường đến đó nên phải học cả kỹ năng trinh sát cơ giới.
Ông nhớ lại lần đi B thứ nhất, ông được giao làm Trạm trưởng trạm giao liên chuyển thương ở Quảng Bình, phụ trách 21 xe ô tô chở bộ đội từ ngoài vào Quảng Trị và đón thương binh ra Nghệ An. Trạm chỉ có một bác sỹ và hai y tá nên lái xe cũng lao vào khiêng, cõng, vác… thương binh.
Nhiệm vụ chuyển thương cũng khiến ông Lê Mai được gặp gỡ cô thanh niên xung phong anh hùng Ngô Thị Tuyển hay được nhiều lần chở nhà thơ Phạm Tiến Duật trên ghế phụ của mình. Ông kể về đạn nổ, bom rơi, về kính lái vỡ, về một anh bạn lái xe không kính tính tình vui tươi ra sao… Sau này, ông Phạm Tiến Duật đã sáng tác nên bài thơ Tiểu đội xe không kính và được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc thành bài hát cùng tên.
“Mỗi lần tình cờ nghe lại bài hát, tôi lại nhớ anh Phạm Tiến Duật và nhớ cậu bạn lái xe khi ấy. Cậu ấy hy sinh chỉ sau khi tôi kể chuyện với anh Duật khoảng một tuần”, ông Lê Mai chia sẻ.
Chiếc áo duyệt binh
Chỉ vào chiếc áo nhà binh đang mặc trên người, ông Lê Mai nói, điều đáng tự hào nhất của ông là trong lần đi B thứ hai trở về, ông được lựa chọn vào hàng ngũ đi duyệt binh năm 1973, tại quảng trường Ba Đình. Đây là lễ duyệt binh trọng thể nhân ngày Quốc tế lao động 1/5, do Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp dẫn đầu đoàn quân đi qua lễ đài. Tháng Một năm đó, Hiệp định Paris được ký kết, hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhưng nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn còn ở phía trước.
Được đứng trong lực lượng hậu cần của lễ duyệt binh, ông Lê Mai tự hào lắm. Đây cũng là lần đầu tiên ông tận mắt nhìn thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên chiếc xe UAZ đi qua quảng trường Ba Đình.
Ông bảo: “Đó là một lễ duyệt binh với súng đạn thật hẳn hoi chứ không phải diễu binh như bây giờ. Đoàn của ông đã tập luyện suốt ba tháng, với tinh thần lúc nào cũng sẵn sàng vào miền Nam, quyết chiến quyết thắng, thống nhất đất nước. Sau lễ duyệt binh, cùng với những kỷ vật khác, chiếc áo ông mặc trong buổi lễ trọng đại ngày hôm ấy được ông giữ gìn cẩn thận cho đến bây giờ.
Cuộc chiến trường kỳ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước kết thúc, ông xin xuất ngũ với lon Thiếu tá và trở về xây dựng quê hương. Hồi tại ngũ, ông thường xuyên tham gia viết báo tường, báo liếp nên được phân công công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam, rồi sau đó được cử đi xây dựng các đài phát thanh địa phương. Đó là lý do mà ông đảm nhiệm cương vị Giám đốc Công ty Dịch vụ Phát thanh Truyền hình thành phố Hải Phòng sau này.
Làn gió biển thổi vào mát rượi như cắt ngang dòng hồi tưởng của nhà báo Lê Mai. Ông vỗ vai tôi: “Chị nhà báo muốn tham quan khu nuôi trồng hải sản của gia đình tôi không? Dù thời chiến hay thời bình, làm lính, làm báo hay bây giờ là mà lão ngư thì lúc nào tôi cũng hết mình. Lao động luôn đem lại hạnh phúc, nhà báo ạ!”.
Tôi vui vẻ đứng dậy theo bước chân thoăn thoắt, rắn rỏi của người lính quê Kẻ Sặt. Bầu trời Cát Hải hôm nay tuyệt đẹp. Trong tôi lại vang lên câu hát trên cầu Đình Vũ:
“Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu. Trăm trận đánh quê ta kiên cường. Hải Phòng ơi, năm xưa bé nhỏ nay ta đã thấy rộng dài rực sáng sánh vai cùng Sài Gòn, Đà Nẵng ... quê hương”.