Được gặp gỡ và trò chuyện với anh lần thứ hai sau nhiều năm, trong cái tiết Thu se lạnh của Hà Nội, điều đó thật tuyệt cho cả anh và cho người viết bài này. Yêu Hà Nội, luôn nhớ Hà Nội, đặc biệt là Thu Hà Nội…, nhưng Hồng Hà ít có dịp về thành phố quê hương vào mùa Thu. Ấy vậy mà lần này, cơ duyên chợt đến khi anh nhận lời mời tham dự Festival âm nhạc Á - Âu vào trung tuần tháng 10.
Nghệ sỹ tay ngang
Sẽ có chút ngạc nhiên nếu biết xuất phát điểm của Phạm Hồng Hà là một cán bộ khoa học. Năm 1989, anh sang Nga làm nghiên cứu sinh tại Viện Hạt nhân Dubna. Nhưng để thỏa mãn đam mê âm nhạc của mình, Hồng Hà đã theo học guitar và đàn balalaika của Nga tại trường âm nhạc Xkriabina.
Anh chia sẻ: “Tôi yêu cả tiếng đàn guitar và balalaika bởi âm thanh của chúng khá gần gũi nhau. Với đàn balalaika và guitar, tôi có thể chơi được nhiều thể loại âm nhạc, từ dân ca cho đến trữ tình và chơi được cả những bản nhạc giao hưởng lớn của thế giới”.
Nghệ sĩ Hồng Hà. |
Còn nhớ, khi theo học đàn tại trường âm nhạc Xkriabina, Hồng Hà có gửi giáo sư A.A.Smirnov, nhạc trưởng của Trường, bản nhạc “Hà Nội mùa Thu và em”. Thầy của anh thấy hay và đã cho phối thành bản nhạc tam tấu gồm: trống, guitar và accordion cho các sinh viên trả bài thi. Dù chưa một lần đặt chân đến Hà Nội, vị Giáo sư âm nhạc nhận xét rằng: “Bản nhạc của em cho tôi một cảm nhận Hà Nội là một thành phố cổ kính và nhỏ nhắn, với mùa Thu và những hạt mưa rơi trên nền đất mềm, dưới những bàn chân không hề vội vã...”. Nhận xét đó của ông khiến Hồng Hà vô cùng hạnh phúc và tự hào.
Anh bảo, điều hạnh phúc nhất đối với người nghệ sỹ ở Nga là khi chơi trong dàn nhạc của trường Xkriabina, anh thường xuyên được biểu diễn ở những nhà hát lớn hoặc những trung tâm văn hóa cho người già và người tàn tật… Ở đâu, dù là tầng lớp nào, khán giả Nga cũng lắng nghe rất nghiêm túc. Thậm chí, có những người từng biết về Việt Nam còn tới nắm chặt tay để cảm ơn sau khi được thưởng thức bản đàn về Hà Nội.
“Sứ giả âm nhạc” ở Nga
Với mong muốn quảng bá âm nhạc Việt Nam trên đất bạn, anh mở nhiều lớp dạy guitar cho cộng đồng người Việt và những người Nga yêu âm nhạc. Đến câu lạc bộ guitar của anh có thể thấy học viên đủ các lứa tuổi, giới tính, màu da. Phạm Hồng Hà đã mang đến cho họ hồn dân tộc Việt với những giai điệu truyền thống của Việt Nam và cả những bản nhạc thế giới hiện đại.
Đến bây giơ, cộng đồng người Việt và bạn bè Nga tại Moscow vẫn còn ấn tượng với những giai điệu thánh thót, mượt mà của bản “Người Hà Nội” được Phạm Hồng Hà độc tấu bằng guitar cho nghệ sĩ Thanh Hằng và nhóm múa biểu diễn trong chương trình “40 năm chiến thắng Điện Biên phủ trên không” tại đây. Sau chương trình này, lại có thêm nhiều người Việt và cả người Nga nữa tới ghi danh tại các lớp học guitar của anh.
Là hội viên duy nhất của Hội Nghệ sỹ Việt Nam còn lại ở Nga và là Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga, anh dành nhiều thời gian để kết nối những nhịp cầu âm nhạc khi đứng ra tổ chức những đêm diễn cho các đoàn từ trong nước sang phục vụ bà con cộng đồng, đặc biệt mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Anh rất vui và tự hào khi được Hội nghệ sỹ Việt Nam mời về tham dự Festival âm nhạc Á – Âu lần này. “Tôi thấy tự hào vì Việt Nam ngày càng được giới âm nhạc quốc tế tin tưởng khi giao cho tổ chức một sự kiện lớn như Festival âm nhạc Á - Âu. Tôi vinh dự khi được biểu diễn trên một sân khấu lớn, được giao lưu với nền văn hóa âm nhạc lớn của các nước thuộc hai nền âm nhạc lớn là châu Á và châu Âu”, anh chia sẻ.
Đau đáu với âm nhạc quê nhà
Dù sinh sống và lập nghiệp ở xa, Phạm Hồng Hà vẫn luôn đau đáu với đời sống âm nhạc quê nhà. Anh bảo, nếu chia ước lệ đời sống âm nhạc Việt Nam thành 2 mảng đó chính là mảng âm nhạc thị trường và mảng học thuật. Với mảng âm nhạc thị trường, các ca khúc đang ngày càng nở rộ. Nhiều tác phẩm mới ra đời và có chất lượng tốt, thể hiện trình độ ngày càng cao của những nhạc sĩ, ca sĩ trẻ. Có thể thấy, các bạn trẻ đã đưa ra được những sắc màu mới, những tác phẩm phi truyền thống đến với người yêu nhạc.
Nghệ sĩ Hồng Hà cùng các nghệ sĩ Việt Nam. |
Tuy nhiên, người nghệ sỹ được đào tạo tại một trong những cái nôi của âm nhạc thế giới chợt trầm tư khi chia sẻ rằng: Trong bức tranh âm nhạc Việt Nam đang còn tồn tại nhiều mảng tối. Đó chính là nạn cóp nhặt. Có những bài hát được sao chép hầu như hoàn toàn. “Tôi và nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân từng nói, vấn nạn này đã cho ra những tác phẩm như là “nồi lẩu tạp nham”. Một tác phẩm dành cho người Việt, bởi nghệ sỹ Việt nhưng lại mang hơi thở của Hàn Quốc, Trung Quốc…, tôi nghĩ đó là điều đáng buồn”, anh Hà nói.
Anh bảo, tất nhiên là chúng ta nên học hỏi, chắt lọc tư liệu vật chất của âm nhạc thế giới, nhưng giai điệu và sản phẩm tạo ra phải là của mình. Thế nhưng, đáng buồn là tỷ lệ sáng tạo đang tỷ lệ nghịch với tỷ lệ sao chép.
“Về mảng học thuật, đây có thể coi là bài toán khó của Học viện âm nhạc và Hội nghệ sỹ Việt Nam. Các nhạc sỹ Việt Nam viết giao hưởng hầu như không có, còn viết cho khí nhạc thì rất ít. Tôi nghĩ, Việt Nam nên tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các nghệ sỹ trong lĩnh vực âm nhạc bác học này để lĩnh vực này phát triển và khuyến khích các nhạc sỹ hoạt động tốt hơn” – anh nói.
Khẽ nheo đôi mắt đã mang dấu ấn thời gian ngắm những chùm hoa sữa nhỏ xinh đang lay động trước cơn gió Thu, Phạm Hồng Hà tư lự: “Thật sự, tôi muốn làm nhiều hơn nữa cho cộng đồng mình, góp phần nhỏ bé nào đó cho âm nhạc Việt Nam, nhưng khả năng có hạn. Chỉ biết cố gắng hết sức có thể để âm nhạc Việt Nam đến được với nhiều khán giả quốc tế hơn nữa, với nhiều người Việt xa quê hương hơn nữa. Với một người nghệ sỹ, có lẽ, đó đã là một thành công”.
Nhạc sỹ Phạm Hồng Hà sinh năm 1961, tại Hà Nội. Anh học guitar từ nhỏ. Năm 1989, anh đi du học và định cư tại Nga. Tại đây, Phạm Hồng Hà tiếp tục trau dồi kiến thức về guitar và có trình độ biểu diễn guitar cổ điển được đánh giá cao. Anh thường xuyên biểu diễn độc tấu guitar cổ điển tại nhiều sân khấu ở Nga, tham gia biểu diễn cùng dàn nhạc của nhà trường và đã biểu diễn solo với Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam (VNSO). Phạm Hồng Hà là tác giả hai tập bài hát “Em đến” và “Ru lòng”, với 56 bài hát, do Nhà Xuất bản Âm nhạc phát hành, được nhiều người yêu thích. Năm 2015, Dàn nhạc giao huởng Việt Nam đã mời anh tham gia biểu diễn solo guitar với dàn nhạc tại Hà Nội. Cùng với các nghệ sỹ Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Liên bang Nga, với tài năng và tâm huyết của mình, Phạm Hồng Hà đã mang đến cho cộng đồng khán giả nơi đây những giá trị văn hóa Việt, để bạn bè Nga và thế hệ trẻ người Việt ở Nga hiểu hơn về văn hóa Việt Nam. |