TIN LIÊN QUAN | |
Ngành giáo dục “đón đầu” cuộc Cách mạng 4.0 ra sao? | |
Mind Education – học để hạnh phúc |
Là một trong hai người Việt duy nhất vào được Đại học Columbia năm nay – một trong những trường đứng hàng đầu thế giới, top 5 nước Mỹ. Để đạt được thành quả đó, chắc hẳn em cũng gặp không ít khó khăn?
Khó khăn lớn nhất của em là thời gian. Em đã bắt tay làm hồ sơ khá muộn, khi còn 8 tuần là tới hạn nộp hồ sơ, em mới vỡ ra là còn bao nhiêu thứ chưa làm, luận chưa viết một lời… Gấp gáp về thời gian, nhiều hôm em cũng chỉ ngủ 4 tiếng, nhưng vì có sự động viên từ gia đình và bạn bè, em đã ngày này qua ngày khác ngồi ôn thi chuẩn hóa, viết luận, làm hồ sơ.
Hà Quốc Huy tham gia science debate của trường Unis (năm 2016) về khoa học nguyên tử. (Ảnh: NVCC) |
Có thể nói, việc lựa chọn một trường nằm trong khối Ivy League để nộp hồ sơ là quyết định khá liều lĩnh, vậy điều gì khiến một chàng trai trẻ như em vẫn dám chinh phục? Huy có điều gì gửi gắm đến các bạn trẻ cũng đang có ý định theo học tại khối trường này?
Em muốn chia sẻ một thông tin đó là những trường nổi tiếng ở Mỹ thường đánh giá cao những ứng viên thực sự khác biệt, có sở thích riêng, sống có đam mê, có mục đích rõ ràng chứ không nhất thiết phải có điểm số cao.
Huy có thể chia sẻ đôi chút về nội dung trong hồ sơ em gửi tới Đại học Columbia?
Bài luận chính gửi tới Đại học Columbia em viết về quá trình thuyết phục người bố muốn con trai nối nghiệp kinh doanh để theo đuổi đam mê khoa học.
Trong một bài luận khác, em chia sẻ những mong muốn đem nghiên cứu về năng lượng mặt trời đến những vùng khó khăn của châu Phi để xây hệ thống nước giúp cuộc sống người dân đỡ vất vả hơn.
Có vẻ như các trường đại học tại Mỹ luôn mong muốn sinh viên sẽ có tầm ảnh hưởng và đóng góp cho thế giới thông qua các hoạt động có ý nghĩa với cộng đồng?
Em nghĩ điều quan trọng là họ muốn sinh viên là con người có đam mê, có nhiệt huyết, đi kèm với việc muốn đóng góp cho cộng đồng, đưa lại cho xã hội một cái gì đó mà người khác chưa làm được.
Việc có một điểm SAT tuyệt đối chưa chắc giúp bạn vào được khối Ivy nhưng những hoạt động ngoại khóa ấn tượng có thể giúp bạn ghi điểm. Em nghĩ rằng một kỹ sư cần phải biết về những thứ xung quanh thế giới, phải chủ động khám phá thay vì chỉ tập trung vào chuyên môn.
Nhiều người cho rằng phải giỏi những môn như toán học thì mới có thể vào được các trường top. Nhưng qua những gì em vừa trao đổi thì sự khác biệt của mỗi cá nhân mới là điều quan trọng?
Em nghĩ các trường top luôn muốn tìm những con người thực sự đam mê về một ngành nào đó, muốn đào tạo nên những người sẽ trở thành các nhà lãnh đạo trong tương lai. Em để ý các bạn cùng khóa với em tại Đại học Columbia, người yêu thích triết học, người thích âm nhạc, tâm lý học, thậm chí cả văn học Ả Rập. Tuy nhiên, dù ở ngành nào, họ đều có chung một điểm giống nhau đó là thể hiện được rõ niềm đam mê của mình ở ngành đó.
Em dự định học Khoa học Máy tính (Computer Science), bạn Việt Nam còn lại dự định học Triết học. Hồ sơ của em hoàn toàn khác với hồ sơ của bạn còn lại.
Các trường top luôn chọn những người nổi bật nhất. Bạn có thể giỏi toán đến mấy, nhưng nếu từ Việt Nam cũng có 9 bạn khác cũng có các giải thưởng giống bạn, cũng có điểm số ngang tầm bạn, các trường top cũng chỉ nhận một trong 10 người mà thôi.
Hà Quốc Huy (giữa) cùng đội nghiên cứu giành giải nhất ở Symposium on Frontiers in Material Science 2016. (Ảnh: NVCC) |
Có nghiên cứu nào khiến em tâm đắc?
Đợt hè tháng 4/2016, em cùng 2 bạn đã bắt đầu nghiên cứu về pin năng lượng mặt trời dưới sự dẫn dắt của một giáo sư Vật lý ở Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đề tài nghiên cứu của em nhằm tìm ra một loại pin năng lượng mặt trời mới có tiềm năng thay thế được pin năng lượng mặt trời hiện tại. Bài nghiên cứu của chúng em đã giành giải Nhất cuộc thi chuyên đề về khoa học vật liệu (Symposium on Frontiers in Material Science 2016). Cuộc thi dành cho các sinh viên đến từ châu Á và có sự tham gia của các giáo sư đến từ các nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Myanmar…
Bên cạnh đó, đội em cũng vừa giành giải Nhất cuộc thi "Hành động vì Trái Đất" (Actions for Earth) của Global Youth Summit, một cuộc thi nhằm đưa ra giải pháp cho các vấn đề về ô nhiễm môi trường và giảm rác thải dành cho các học sinh cấp 3 ở châu Á.
Từ kinh nghiệm thực tế của mình, Huy nhận thấy việc sớm tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng những trải nghiệm thu được sau những hoạt động như vậy có tầm quan trọng như thế nào?
Em nghĩ việc tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường sẽ giúp mang tới những cách nhìn khác về thế giới hơn là những con số chỉ trên sách vở. Qua những trải nghiệm đó, mỗi người mới “tìm được” bản thân và nhận ra mình thực sự đam mê cái gì và muốn đóng góp gì cho cộng đồng.
Cảm ơn em!
Ngành giáo dục “đón đầu” cuộc Cách mạng 4.0 ra sao? Ngành giáo dục nước ta nói chung, giới trẻ nói riêng cần phải “lột xác” như thế nào trước cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0? |
Mind Education – học để hạnh phúc Theo ông Park Ock Soo - cha đẻ của mô hình giáo dục này, có được một tấm lòng khỏe mạnh thì cuộc sống sẽ ... |
Đổi mới giáo dục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Chiều 31/3, tại thành phố Huế, Hội nghị ASEM về “Giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững” ... |