TIN LIÊN QUAN | |
Hạn chế xuất khẩu với Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ gây phương hại cho chính mình và kinh tế toàn cầu | |
Tổng thống Hàn Quốc: Nhật Bản hạn chế xuất khẩu với một mục đích chính trị |
Cuộc gặp giữa hai Thủ tướng chưa đủ phá vỡ bế tắc trong nhiều năm giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. (Nguồn: Nikkei) |
Ngày 24/10, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Lee Nak Yon đang thăm Tokyo, tham dự Lễ đăng quang của Nhà vua Naruhito.
Cuộc gặp gỡ kéo dài 20 phút là cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên giữa hai nước trong hơn 1 năm qua, khi căng thẳng giữa hai bên bùng phát liên quan vấn đề lao động cưỡng bức trong thời kỳ chiến tranh và dẫn tới xung đột thương mại thời gian gần đây.
Theo một quan chức Chính phủ Hàn Quốc, Thủ tướng Lee Nak Yon đã trao cho người đồng cấp Shinzo Abe một bức thư của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, nói rằng Nhật Bản là một “đối tác chủ chốt trong việc hợp tác vì hòa bình ở Đông Bắc Á”.
Thủ tướng Abe cũng thừa nhận quan hệ láng giềng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc rất quan trọng đối với nhau. Bộ Ngoại giao Nhật Bản trích dẫn câu nói của ông rằng: "Hiện tại, quan hệ song phương đang ở trong tình trạng rất căng thẳng, nhưng tôi tin rằng chúng ta không nên bỏ mặc quan hệ như hiện nay”.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản bày tỏ ý định tiếp tục nỗ lực ngoại giao để phá vỡ sự bế tắc, trong khi Thủ tướng Lee nói rằng ông chia sẻ nhận thức về tầm quan trọng của đối thoại giữa hai nước.
Quan hệ giữa Tokyo và Seoul xuống mức thấp vào cuối năm ngoái, khi tòa án Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến cuối Thế chiến II năm 1945.
Tokyo từ lâu duy trì quan điểm là vấn đề đã được giải quyết bằng thỏa thuận năm 1965, theo đó nước này đã cấp cho Seoul 500 triệu USD để "hợp tác kinh tế".
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Thủ tướng Abe nói với ông Lee rằng Hàn Quốc nên "giữ lời hứa" theo thỏa thuận, tạo điều kiện cho hai nước láng giềng trở lại "quan hệ lành mạnh". Trong khi đó, theo vị quan chức Hàn Quốc, Thủ tướng Lee nói rằng Hàn Quốc tôn trọng thỏa thuận và sẽ tiếp tục tuân thủ thỏa thuận.
Phán quyết của tòa án đã khiến Tokyo phẫn nộ, dẫn đến việc loại bỏ Seoul khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy và áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn đối với một số nguyên liệu chính cần thiết của ngành công nghệ Hàn Quốc.
Biểu ngữ kêu gọi tẩy chay sản phẩm Nhật Bản ở Seoul. (Nguồn: AP) |
Phản đối hành động trên, Hàn Quốc đã trả đũa bằng cách rút Nhật Bản khỏi "danh sách trắng" gồm các đối tác thương mại ưu tiên. Như vậy, Nhật Bản sẽ không còn được hưởng ưu tiên giảm bớt thủ tục hải quan cũng như giảm thời gian kiểm duyệt thông quan hàng hoá. Việc “hạ cấp” này khiến các quy định bị thắt chặt hơn, ảnh hưởng đến 1.735 sản phẩm chiến lược của Nhật Bản xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Chuyến thăm Nhật Bản của ông Lee Nak Yon, người từng sống ở Nhật Bản trong nhiều năm với tư cách là phóng viên tin tức và nói thành thạo tiếng Nhật, được xem là cơ hội để hai bên xoa dịu quan hệ căng thẳng hiện nay.
Trọng tâm của quan hệ Nhật – Hàn hiện nay là liệu có thể tiến hành cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Moon Jae-in được hay không. Hai nhà lãnh đạo này đã họp hẹp vào tháng 9 năm ngoái bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York.
Khả năng sắp tới là Hội nghị Thượng đỉnh với các nước ASEAN tại Bangkok, Thái Lan và Thượng đỉnh APEC tại Santiago, Chile vào tháng 11 tới cũng như Hội nghị Thượng đỉnh ba bên với Trung Quốc vào tháng 12.
Tuy nhiên, các quan chức Nhật Bản cho biết chưa thể sắp xếp cuộc gặp Abe - Moon nếu Hàn Quốc không thay đổi lập trường.
Thống kê cho thấy, số lượng người Hàn Quốc du lịch Nhật Bản đã giảm khoảng 58% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, Nếu căng thẳng không được giải quyết, xu hướng sụt giảm này có thể làm suy yếu động lực du lịch của Nhật Bản trước thềm Thế vận hội Tokyo vào năm tới. “Tình hình ảm đạm hiện tại không mang lại lợi ích cho cả hai nước”, theo ông Shin Kak-soo, Đại sứ Hàn Quốc tại Nhật Bản từ 2011 đến 2013. |