Những điểm nổi bật của Hội nghị cấp cao lần này và trọng tâm tham gia của đoàn Việt Nam là gì, thưa Thứ trưởng?
Hội nghị cấp cao khóa 34 HĐNQ diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, tác động mạnh mẽ đến việc bảo đảm quyền con người trên phạm vi toàn cầu. Nhưng đây cũng là một trong những lý do khiến hội nghị thu hút được số người tham dự kỷ lục, với hơn 100 đoàn lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế. Tổng thư ký LHQ, Chủ tịch Đại hội đồng cũng đến tham dự Hội nghị.
Hội nghị cấp cao năm nay tập trung đẩy mạnh việc thực hiện các cam kết toàn cầu như Chương trình nghị sự 2030 về các mục tiêu phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, cũng như kêu gọi nỗ lực chung để giải quyết những thách thức nhân loại đang phải đương đầu, bảo đảm việc bảo vệ và thúc đẩy các khía cạnh của quyền con người.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu tại Hội nghị cấp cao sáng 28/2, Khóa họp 34 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, tại Geneva. |
Tại Hội nghị, các nước chia sẻ quan tâm về nhiều vấn đề thời sự liên quan đến việc bảo đảm quyền con người như: bảo đảm quyền kinh tế - xã hội trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, tác động của biến đổi khí hậu đối với việc thụ hưởng quyền con người, lồng ghép việc bảo đảm quyền con người trong quá trình kiến tạo và duy trì hòa bình, chống chủ nghĩa khủng bố, cực đoan… Một nội dung khác cũng được các nước quan tâm là đánh giá hiệu quả của HĐNQ sau 11 năm thành lập, đồng thời đưa ra các đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐNQ, LHQ và các thể chế đa phương, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc, bảo hộ, xu hướng chống toàn cầu hóa đang nổi lên ở một số nơi.
Đây là Khóa họp thường kỳ sau khi Việt Nam kết thúc nhiệm kỳ thành viên HĐNQ 2014 – 2016. Tại Khóa họp, chúng ta khẳng định chính sách nhất quán và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, cũng như quyết tâm tiếp tục đổi mới vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của mọi người dân Việt Nam. Chúng ta còn thể hiện sự nghiêm túc, tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong việc đóng góp vào hoạt động của LHQ nói chung và HĐNQ nói riêng, kể cả khi không còn là thành viên Hội đồng nhân quyền, qua đó tăng cường vị thế, uy tín cũng như làm sâu sắc thêm quan hệ giữa Việt Nam và các nước.
Tham gia vào nhiều nội dung thảo luận, Việt Nam đề cao tinh thần đối thoại, hợp tác trong lĩnh vực quyền con người, đặc biệt, ưu tiên thúc đẩy các nội dung thuộc về quan tâm hàng đầu của Việt Nam hiện nay, những sáng kiến đã đưa ra tại HĐNQ như: tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền con người, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật.
Việt Nam là diễn giả chính của phiên thảo luận cấp cao của HĐNQ về biến đổi khí hậu và quyền trẻ em. Đây là phiên thảo luận được tiến hành theo Nghị quyết mà Việt Nam, Bangladesh và Philippines chủ trì giới thiệu vào tháng 6 năm ngoái. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tổ chức một phiên Tọa đàm quốc tế bên lề về “Giáo dục trẻ em về biến đổi khí hậu” để chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn triển khai công tác giáo dục trẻ em ứng phó với biến đổi khí hậu. Các buổi thảo luận và tọa đàm này đều thu hút sự quan tâm của các nước và các tổ chức quốc tế. Chúng ta cũng học hỏi được nhiều điều bổ ích từ bạn bè quốc tế.
Bên lề Hội nghị, tôi cũng tham dự buổi làm việc với Bộ trưởng Hợp tác Phát triển và Thái Bình Dương của Australia về chủ đề bình đẳng giới, có các cuộc tiếp xúc song phương với Ngoại trưởng Gruzia, Quốc Vụ khanh về châu Á - Thái Bình Dương của Anh, Thứ trưởng Ngoại giao Uruguay, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan. Nội dung trao đổi liên quan đến hợp tác song phương mà trọng tâm là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, cũng như một số vấn đề toàn cầu, khu vực cùng quan tâm; chia sẻ thông tin về tình hình Biển Đông, nhấn mạnh nguyên tắc không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý. Các nước đối tác đều bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác cùng có lợi với Việt Nam; đồng thời, chia sẻ quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp ở khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Xuyên suốt toàn Khóa họp, Việt Nam một mặt thúc đẩy các chủ đề ta có lợi ích trên tinh thần đối thoại và hợp tác, mặt khác cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với các quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Điều đó giúp Việt Nam khẳng định vị thế mới trên các diễn đàn đa phương, đồng thời cũng thể hiện thông điệp nhất quán về chính sách hội nhập quốc tế sâu rộng của mình.
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp. |
Xin Thứ trưởng cho biết dự kiến tham gia của Việt Nam ở các cơ chế đa phương liên quan đến quyền con người trong thời gian tới? Việt Nam có ý định sớm tái cử Hội đồng Nhân quyền hay không?
Trên tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII về nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia đóng góp tích cực, thực chất và có trách nhiệm tại các cơ chế nhân quyền LHQ nói chung và HĐNQ nói riêng. Qua đó, chúng ta không chỉ thể hiện nỗ lực không ngừng trong việc bảo đảm quyền cho mọi người dân mà còn là hình ảnh một nước Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Chúng ta sẽ tiếp tục đề cao tinh thần đối thoại và hợp tác trong vấn đề quyền con người, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác song phương với các nước bạn bè, các nước đối tác, kể cả những nước có quan điểm khác biệt về nhân quyền.
Sau ba năm tham gia HĐNQ, Việt Nam đã ghi đậm dấu ấn với những sáng kiến cụ thể. Nhiệm vụ hiện nay của chúng ta là phải tiếp tục theo đuổi các sáng kiến này vì đây cũng là những nội dung thuộc ưu tiên, lợi ích của Việt Nam, liên quan đến nỗ lực ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Không chỉ ở Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy các sáng kiến tương tự hoặc các chủ đề liên quan đến những nội dung này ở các diễn đàn khác, trong hoặc ngoài khuôn khổ LHQ. Việc xây dựng được tính xuyên suốt về ý tưởng sẽ giúp chúng ta đóng góp thực chất vào các diễn đàn, tạo dựng bản sắc và nâng tầm của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương.
Nhìn chung, Việt Nam có cơ sở để phát huy vai trò ở nhiều diễn đàn đa phương về quyền con người, nhất là tại các cơ chế chúng ta đang là thành viên như Hội đồng Kinh tế - Xã hội LHQ (ECOSOC), Hội đồng Chấp hành UNESCO. Ở cấp độ khu vực, Việt Nam cũng có thể lồng ghép các nội dung quan tâm trong hoạt động tại các cơ chế của ASEAN, Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR)…
Sự năng động và tinh thần trách nhiệm của Việt Nam đã và đang xây dựng và củng cố uy tín của Việt Nam các diễn đàn đa phương. Rất nhiều bạn bè kỳ vọng chúng ta tiếp tục tham gia sâu hơn vào các diễn đàn về quyền con người, trong đó có việc tái cử vào HĐNQ. Đối với Việt Nam, việc tham gia làm thành viên HĐNQ có ý nghĩa to lớn, không chỉ thể hiện cam kết bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, mà còn khẳng định tinh thần trách nhiệm, đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong vấn đề này. Đây cũng là cơ hội để tăng cường hợp tác, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế trong lĩnh vực này.
Hiện tại, Việt Nam tập trung hoàn thành vai trò thành viên của Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018 và Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang nỗ lực vận động ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Vào thời điểm thích hợp, Việt Nam sẽ xem xét tái cử thành viên Hội đồng Nhân quyền.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!