Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Cục Cơ yếu, Bộ Ngoại giao. |
Đến dự và chung vui trong ngày lễ của Cục Cơ yếu có ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Trưởng ban, Ban Cơ yếu Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Bộ Ngoại giao; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao, Ban Cơ yếu Chính phủ, Hệ cơ yếu Công an, Quân đội, Đảng - Chính quyền; các cán bộ cơ yếu đã nghỉ hưu và toàn thể cán bộ, nhân viên Cục Cơ yếu, Bộ Ngoại giao.
Tại buổi lễ, chúc mừng những thành tích mà Cục Cơ yếu đã đạt được trong thời gian qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, là đơn vị cơ mật trọng yếu, nắm giữ và bảo vệ những thông tin quan trọng của Bộ Ngoại giao, trong suốt chặng đường 45 năm xây dựng và phát triển, Cục Cơ yếu luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đảm bảo chuyển đạt thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và các hoạt động của Bộ Ngoại giao trên mặt trận đối ngoại được an toàn, chính xác, kịp thời. Lời khẳng định đó của Phó Thủ tướng cũng chính là sự khái quát chung nhất cho những thành tích to lớn trong lịch sử hình thành và phát triển của ngành cơ yếu đối ngoại.
Lịch sử hào hùng
Cũng tại Lễ kỷ niệm này, ông Ngô Tiến Long, Cục trưởng Cục Cơ yếu đã điểm lại lịch sử hào hùng mà Cơ yếu Ngoại giao trải qua. Từ khi ra đời năm 1969 với tên gọi Phòng Điện báo trực thuộc Bộ (Phòng 7) đến năm 1996 là Phòng Cơ yếu Bộ Ngoại giao, gắn liền với thắng lợi chung của đất nước và ngành Ngoại giao đều có những đóng góp thầm lặng của những người làm cơ yếu. Các cán bộ Cơ yếu Ngoại giao đã phục vụ trực tiếp Hội nghị Paris năm 1973; cùng với cơ yếu cả nước chuyển tải những thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 và hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc Tổ quốc. Đội ngũ Cơ yếu Ngoại giao còn tham gia làm tốt các nghĩa vụ quốc tế.
Khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định thành lập Cục Cơ yếu đã đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quá trình hoạt động của cơ yếu đối ngoại. Trong 10 năm (2004 - 2014), Cục Cơ yếu đã đóng góp vào thành công chung của Ngành như: sự kiện Việt Nam đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, đảm nhiệm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; Chủ tịch Hiệp hội ASEAN; các diễn đàn quốc tế APEC, ASEM… và đón nhiều nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các tổ chức quốc tế. “Người chiến sỹ” Cơ yếu Ngoại giao cũng góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, công tác ngoại giao phục vụ kinh tế, ngoại giao văn hóa, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài…
Trong suốt quá trình hình thành, xây dựng và phát triển ấy, ông Ngô Tiến Long khẳng định, Cơ yếu Ngoại giao đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, bảo đảm thông tin liên lạc mật giữa Bộ Ngoại giao với gần 100 Cơ quan đại diện ở nước ngoài và Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh trong mọi tình huống, mọi thời điểm. Hiện Cục đang quản lý, chỉ đạo công tác toàn Hệ thống tổ chức Cơ yếu Ngoại giao, một trong bốn Hệ của ngành Cơ yếu Việt Nam. Cục cũng đã thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ: công tác tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Ban Cơ yếu Chính phủ; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học; kịp thời đề xuất với các cấp Bộ, ngành để đảm bảo những điều kiện công tác, chế độ, chính sách đặc thù cho cán bộ, nhân viên trong Hệ.
Chiến công của “người chiến sĩ” thầm lặng
Nhiệm vụ của “người chiến sĩ” Cơ yếu Ngoại giao là "bảo đảm duy trì mạng liên lạc mật giữa trong nước với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài". Nghe thì giản đơn, nhưng nếu có bỏ qua những yếu tố khó khăn về địa lý, về cơ sở vật chất thì vẫn còn đó những khó khăn về sự thông suốt, liên tục và bảo mật. Đặc thù của Cơ yếu Ngoại giao là địa bàn hoạt động rộng, trải khắp các châu lục, môi trường phức tạp, thường xuyên phải đối phó với các lực lượng luôn tìm cách chống phá, chưa kể đối phương sử dụng kỹ thuật hiện đại để thu tin "mã thám", tìm cách khám phá bí mật mật mã và đánh cắp thông tin mật của Việt Nam.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khái quát bằng hình ảnh: "Ít người biết rằng, có một nơi tại Trụ sở Bộ Ngoại giao luôn sáng đèn 24 giờ/ngày; 7 ngày/tuần, 30 ngày/tháng; suốt 365 ngày/năm". Phó Thủ tướng nhấn mạnh, "những cố gắng ấy thật xứng đáng với những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng cho đơn vị. Tấm Huân chương Độc lập hạng Nhất mà Cục đón nhận hôm nay tiếp tục tô đậm truyền thống vẻ vang mà Cơ yếu Ngoại giao đã đạt được trong suốt thời gian qua". Đó là Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1995; Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2004; Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2009; cùng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của Ban Cơ yếu Chính phủ và Bộ Ngoại giao.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh mong muốn các cán bộ của Cục tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, không ngừng trau dồi trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, ngoại ngữ, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, đất nước để xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên; Tiếp tục xây dựng Cục đi lên chính quy, hiện đại, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học tạo ra những sản phẩm có hàm lượng khoa học cao, mang đặc trưng Cơ yếu Ngoại giao; Tiếp tục chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng làm tốt công tác tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Ban Cơ yếu Chính phủ để kịp thời đề xuất những biện pháp đảm bảo an toàn, thông suốt cho toàn bộ Hệ thống mạng liên lạc Cơ yếu Ngoại giao.
Có thể nói, “người chiến sĩ” Cơ yếu Ngoại giao đã xứng đáng với truyền thống "Trung thành, tận tụy, đoàn kết, kỷ luật, sáng tạo", không ngừng trưởng thành, và tiếp tục những thành tích to lớn hơn nữa, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Tuấn Anh