Nhỏ Bình thường Lớn

'Ngoại giao vaccine' của Đại sứ quán Việt Nam tại Anh: Hai 'mũi chủ công', góp phần tự chủ vaccine Covid-19 sớm nhất

Trả lời phỏng vấn TG&VN, Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long cho biết, trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực triển khai Chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất trong lịch sử, 'ngoại giao vaccine' tiếp tục sẽ là một trọng tâm ưu tiên của Đại sứ quán trong thời gian tới và sẽ được triển khai quyết liệt.
'Ngoại giao vaccine' của Đại sứ quán Anh: hai 'mũi chủ công'
Đối thoại hợp tác y tế Việt Nam-Vương quốc Anh ngày 22/7 nhấn mạnh những hợp tác chống Covid-19 giữa hai nước. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Anh)

Thưa Đại sứ, ngày 3/8 vừa qua, Anh đã trao tặng 415.000 liều vaccine AstraZeneca cho Việt Nam. Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của hoạt động này đối với quan hệ hai nước trong hợp tác chống đại dịch Covid-19?

Chính phủ Anh trao tặng 415.000 liều vaccine AstraZeneca trong bối cảnh Việt Nam đang trải qua làn sóng Covid-19 lớn nhất từ trước tới nay là sự chia sẻ, giúp đỡ rất ý nghĩa và kịp thời đối với Việt Nam.

Việt Nam được ưu tiên trao tặng vaccine ngay trong đợt thứ nhất chính phủ Anh triển khai gói viện trợ song phương 5 triệu liều vaccine Covid-19 tới 16 quốc gia và vùng lãnh thổ bên cạnh các cam kết đa phương trong khuôn khổ COVAX.

Vaccine AstraZeneca là loại vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên được cấp phép sử dụng ở Việt Nam. Cho tới nay, trong tổng số khoảng 19 triệu liều vaccine Covid-19 mà Việt Nam đã nhận được từ nhiều nguồn, 8,6 triệu liều vaccine (chiếm 60%) là vaccine Oxford-AstraZeneca được phân bổ qua thỏa thuận đặt mua của VNVC, chương trình COVAX và nguồn hiến tặng song phương giữa các chính phủ.

Hơn 4 triệu liều vaccine Oxford-AstraZeneca đã được tiêm cho các nhân viên y tế và các cán bộ thuộc tuyến đầu chống dịch.

Sự hỗ trợ của chính phủ Anh là minh chứng cho mối quan hệ Đối tác chiến lược đang phát triển tốt đẹp, mang ý nghĩa bao trùm giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong hơn 10 năm qua, đồng thời thể hiện quyết tâm của Chính phủ hai nước cùng đẩy lùi đại dịch Covid-19 trên toàn cầu với tinh thần “không một ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn”.

'Ngoại giao vaccine' của Đại sứ quán Anh: hai 'mũi chủ công'
Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh hỗ trợ theo cơ chế song phương, Anh cũng có những đóng góp rất lớn cho cơ chế COVAX nhằm tạo điều kiện tiếp cận vaccine công bằng giữa các nước, Đại sứ đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Anh trong bản đồ phân bổ vaccine Covid-19?

Anh là quốc gia đã đứng ở tuyến đầu với những đóng góp to lớn cho việc sản xuất và phân phối vaccine Covid-19 cho thế giới. Ngay từ đầu đại dịch, tháng 5/2020, chính phủ Anh đã tài trợ 65,5 triệu Bảng Anh cho chương trình nghiên cứu và thử nghiệm vaccine Covid-19 của Đại học Oxford phối hợp với Công ty dược phẩm AstraZeneca với cam kết vaccine sản xuất phi lợi nhuận.

Đây cũng là lý do giá thành của vaccine Oxford-Astra Zeneca rất thấp so với các vaccine khác.

Cũng trong năm 2020, Anh là một trong nước tích cực nhất trong việc đóng góp thành lập COVAX, là thành viên tài trợ lớn thứ 4 thế giới với cam kết 548 triệu Bảng Anh. Tính đến ngày 28/7, COVAX đã phân bổ 81 triệu liều vaccine Covid-19 cho 129 quốc gia trên thế giới, trong số đó 96% là vaccine Oxford-AstraZeneca, loại vaccine do Vương quốc Anh tài trợ sản xuất.

Từ nay đến hết năm 2022, chính phủ Anh đưa ra cam kết hiến tặng ít nhất 100 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó 5 triệu liều sẽ được tặng trong vòng tháng 9/2021. Thực hiện cam kết của mình, ngày 28/7, Anh đã công bố tặng 9 triệu liều vaccine Oxford-AstraZeneca cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Ngoài Việt Nam, hơn 700 triệu liều vaccine Oxford-AstraZeneca đã được phân bổ đến hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nghiên cứu từ Cơ quan Y tế công cộng của Vương quốc Anh cho biết, vaccine Oxford-AstraZeneca có tác dụng 92% trong việc ngăn ngừa tỷ lệ người nhiễm bệnh phải nhập viện với biến chủng Delta và 86% với biến chủng Alpha.

Đại sứ Nguyễn Hoàng Long: Đại sứ quán sẽ chú trọng thúc đẩy để Astra Zeneca sớm giao vaccine đã cam kết, để cùng với các nguồn vaccine khác, góp phần thực hiện mục tiêu đến hết quý I/2022 tiêm chủng cho khoảng 70% dân số, đạt miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Đánh giá của Đại sứ đối với quyết định mở cửa hoàn toàn của chính phủ Anh, dù số ca nhiễm Covid-19 vẫn rất cao?

Nhiều chuyên gia y tế nhận xét Anh là mô hình thí nghiệm cho các nước đã đạt miễn dịch cộng đồng về việc mở cửa nền kinh tế. Trên thực tế, Anh là nước đầu tiên quyết định dỡ bỏ hết các biện pháp hạn chế Covid-19 dù ca nhiễm tăng lên, lên đến 50.000 ca nhiễm/ngày tại thời điểm bắt đầu mở cửa.

Việc quyết định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được chính phủ Anh đưa ra sau khi xem xét tình hình dịch bệnh Covid ở Anh đã đạt được 4 tiêu chí.

Thứ nhất, chương trình triển khai vaccine Covid-19 đạt thành công với 87,8% dân số trưởng thành của Vương quốc Anh đã tiêm một liều vaccine và 69,2% đã tiêm đủ hai liều.

Thứ hai, chính phủ Anh đưa ra các bằng chứng cho thấy, vaccine có đủ hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong ở những người được tiêm chủng. các số liệu gần đây cho thấy, chương trình tiêm chủng đã làm yếu mối liên kết giữa các ca nhiễm và bệnh nhân nhập viện cũng như giảm số ca nhập viện và tử vong.

Những người chưa tiêm phòng sẽ có khả năng nhập viện nếu nhiễm Covid-19, cao hơn 2,4 lần và tử vong cao hơn 3 lần so với người đã được tiêm chủng. Trên thực tế, mặc dù ca nhiễm có lúc đạt đến đỉnh trong làn sóng Covid-19 trước đây nhưng số lượng người tử vong thấp hơn rất nhiều (người tử vong trung bình 7 ngày trong tháng 8 là 77 người/ngày so với 1250 người/ngày trong tháng 1).

Thứ ba, tỉ lệ nhiễm không có nguy cơ gia tăng số ca nhập viện và gây áp lực không bền vững lên hệ thống y tế nước Anh. Mặc dù số ca nhiễm tăng lên, nhưng chủ yếu ở những người trưởng thành trẻ hơn nhiều so với các lần trước với khả năng tiến triển đến nhập viện và tử vong thấp hơn nhiều; trong khi đó những người cao tuổi và có bệnh nền với nhiều khả năng phải nhập viện nhất nếu bị nhiễm Covid-19 đã được bảo vệ khi được ưu tiên tiêm vaccine từ sớm. Điều này đã giảm thiểu khả năng hệ thống y tế của Anh bị quá tải.

Thứ tư, đánh giá về các rủi ro cơ bản không bị thay đổi bởi các biến thể mới. Covid-19 có thể trở thành bệnh dịch theo mùa, tiếp tục lưu hành ở mức độ thấp hơn trong các tầng lớp dân cư với mức tăng đột biến nhỏ hơn do thay đổi hành vi và ảnh hưởng theo mùa. Trung bình hiện nay số người tử vong do Covid-19 ở Anh xuống thấp hơn 100 người/ngày (tính trung bình 7 ngày), trong khi cúm mùa có thể gây ra số người tử vong trên 100 người và nhập viện khoảng 1.000 người/ngày.

Tuy nhiên, từ ngày dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế do Covid-19 từ 19/7 đến nay, Anh ghi nhận nhiều ngày giảm liên tiếp các ca nhiễm bệnh. Các ca nhiễm mới chỉ dừng lại ở khoảng 28.000 ca vào ngày 16/8, giảm so với ngày mở cửa là 47.000 ca nhiễm.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi xảy ra đại dịch ở Anh mà việc các ca nhiễm giảm liên tục không trùng với việc áp dụng các biện pháp hạn chế toàn quốc. Các ca nhiễm giảm mạnh sau khi nước Anh quyết định mở cửa, bỏ hoàn toàn các hạn chế do Covid-19 cho thấy hiệu quả của việc tiêm phòng cũng như việc các nước đang dần chấp nhận sống chung với Covid-19.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, quan điểm Covid-19 sẽ không bao giờ qua đi đã là một đồng thuận chung, thừa nhận rộng rãi trong xã hội.

Anh cùng với các nước Bỉ, Hà Lan, Bồ Đào Nha đến nay có thể được xem là thành công trong việc kiểm soát đại dịch, mở cửa nền kinh tế, sớm vượt qua làn sóng dịch hiện nay mà không phải áp dụng các biện pháp hạn chế có hại cho nền kinh tế.

Việc cho phép du khách đã được tiêm hai mũi từ Mỹ và EU nhập cảnh vào Anh không phải cách ly được xem là biện pháp để kinh tế Anh sớm quay trở lại bình thường. Trong bối cảnh nhiều nước đang phải áp dụng các biện pháp hạn chế do Covid-19, nước nào sớm kiểm soát được dịch, tạo được miễn dịch cộng đồng lớn sẽ có nhiều lợi thế hơn so với các nước khác trong phát triển kinh tế.

'Ngoại giao vaccine' của Đại sứ quán Anh: hai 'mũi chủ công'
Ngày 3/8, Anh đã trao tặng 415.000 liều vaccine AstraZeneca cho Việt Nam. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Anh)

“Ngoại giao vaccine” sẽ tiếp tục được thúc đẩy như thế nào trong hợp tác Việt-Anh trong thời gian tới, thưa Đại sứ?

Việc tiêm phòng có ý nghĩa quyết định trong phòng chống dịch Covid-19 và được xem là phương thuốc duy nhất hiện nay để các nước dỡ bỏ dần các hạn chế, nối lại di chuyển quốc tế, bảo đảm kết nối chuỗi cung ứng, khôi phục kinh tế.

Theo thông tin từ Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, đến nay mới chỉ ít hơn một phần tư các quốc gia tiêm phòng 40% dân số. Giám đốc Y tế của Anh cho rằng sẽ mất 5 năm để có được vaccine mà có thể kiểm soát được các biến thể của Covid-19. Theo đó, tình hình khan hiếm vaccine sẽ tiếp tục diễn ra và nhu cầu sử dụng vaccine Covid-19 của các nước sẽ rất lớn và lâu dài.

Trong bối cảnh đó cùng với việc Việt Nam đang tích cực triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất trong lịch sử với những nỗ lực để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, 'ngoại giao vaccine' tiếp tục sẽ là một trọng tâm ưu tiên của Đại sứ quán trong thời gian tới và sẽ được triển khai quyết liệt, với hai trọng tâm:

Ưu tiên hàng đầu của Đại sứ quán là tiếp tục tiếp cận các đối tác, tìm kiếm các nguồn cung vaccine hiệu quả cho Việt Nam. Trong đó, Đại sứ quán sẽ chú trọng thúc đẩy để Astra Zeneca sớm giao vaccine đã cam kết, để cùng với các nguồn vaccine khác, góp phần thực hiện mục tiêu đến hết quý I/2022 tiêm chủng cho khoảng 70% dân số, đạt miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Đồng thời, đẩy mạnh vận động chính phủ Anh, là nước có đóng góp lớn cho COVAX có tiếng nói ủng hộ việc phân bổ vaccine cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, tìm hiểu, nghiên cứu thông tin và tiếp xúc các đối tác về các loại vaccine có khả năng chống lại các biến thể mới của Covid-19 cũng sẽ được quan tâm. Hiện một số công ty của Anh đang thử nghiệm một số loại vaccine phòng Covid-19 có kết quả tốt và dự kiến sẽ được phê duyệt vào thời gian tới. Đây sẽ là một hướng tốt để chúng ta tiếp cận sớm hơn, bảo đảm được phân phối sớm các loại vaccine hiệu quả trong tương lai.

Trọng tâm thứ hai là vận động, trao đổi để các đối tác chuyển giao công nghệ, hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực tự sản xuất vaccine trong nước. Với một nước đông dân như Việt Nam thì ta cần chủ động nguồn cung cho vaccine để bảo đảm cuộc sống bình thường và duy trì các hoạt động kinh tế-xã hội lâu dài.

Nhiều quốc gia châu Âu hiện nay không chủ động được nguồn lực để tự sản xuất vaccine, nhu cầu nhập khẩu vaccine Covid-19 rất lớn. Theo đó, nếu Việt Nam có thể tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine thì không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà đây sẽ trở thành thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Anh trao tặng Việt Nam 415.000 liều vaccine Covid-19

Anh trao tặng Việt Nam 415.000 liều vaccine Covid-19

Ngày 28/7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Anh, Dominic Raab thông báo Anh sẽ trao tặng 415.000 liều vaccine phòng ...

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao đổi về thúc đẩy ngoại giao vaccine

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao đổi về thúc đẩy ngoại giao vaccine

Trao đổi với các phóng viên bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, ngoại giao vaccine được triển ...

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ: 'Ngoại giao vaccine' là mũi nhọn rất quan trọng!

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ: 'Ngoại giao vaccine' là mũi nhọn rất quan trọng!

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, triển khai “ngoại giao vaccine” là quyết sách cần thiết trong bối cảnh nguồn cung khan ...

Phạm Hằng