Giá cà phê hôm nay 12/9/2023
Giá cà phê thế giới đảo chiều tăng mạnh phiên đầu tuần trên tất cả các sàn phái sinh, không chỉ bởi lý do nguồn cung thiếu hụt mà còn do những biến động trên thị trường tài chính.
Chỉ số DXY đảo chiều giảm hơn 1% trong suốt cả phiên đã hỗ trợ các tiền tệ mới nổi lấy lại giá trị khiến thị trường gia tăng sức mua làm giá cả hàng hóa, chứng khoán đồng loạt lấy lại sắc xanh. Góp thêm phần hỗ trợ là kỳ vọng Fed sẽ cân nhắc khả năng dịch chuyển việc tăng lãi suất về phiên họp cuối năm nay thay vì ngay trong phiên họp sắp tới.
Trên thị trường cà phê, dù đầu tuần này báo cáo tồn kho ICE – London đã bổ sung một lượng hàng rất đáng kể (490 tấn) từ nguồn cung Brazil. Nhưng các thông tin mới về nguồn cung robusta thiếu hụt vẫn là lo ngại lớn trên thị trường, tác động tiêu cực lên thị trường tiêu dùng và góp phần thúc đẩy thị trường giá tăng.
Giá cà phê trong nước hôm nay 12/9 tăng 600 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Kitco) |
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần (ngày 11/9) giá cà phê tăng mạnh trên các sàn giao dịch quốc tế. Giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London kỳ hạn giao hàng tháng 11/2023 tăng 32 USD, giao dịch tại 2.439 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 1/2024 tăng 36 USD, giao dịch tại 2.347 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình cao.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York kỳ hạn giao tháng 12/2023 tăng 4,2 Cent, giao dịch tại 152,85 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2024 tăng 4,05 Cent, giao dịch tại 153,85 Cent/lb. Khối lượng giao dịch cao.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 12/9 tăng 600 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Theo số liệu của ICO, xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt tổng cộng 10,2 triệu bao trong tháng 7, giảm nhẹ so với 10,4 triệu bao của cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 10 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (22/10/2022 đến 23/7/2023) xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 103,7 triệu bao, giảm 5,7% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Trong tháng 7, xuất khẩu cà phê của khu vực Nam Mỹ giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 4,2 triệu bao, chủ yếu do xuất khẩu của Colombia và Peru giảm lần lượt là 17,1% và 37,5%.
Đối với Colombia, đây đã là tháng tăng trưởng âm thứ 13 liên tiếp của nước này, đứng thứ hai kể từ sau chuỗi 22 tháng sụt giảm liên tiếp kéo dài từ tháng 7/2008 đến tháng 3/2010.
Một khu vực xuất khẩu cà phê lớn khác trên thế giới là châu Á và châu Đại Dương cũng ghi nhận sự sụt giảm 6,2% xuống 3 triệu bao trong tháng 7, nhưng tính chung 10 tháng đầu niên vụ vẫn tăng 2,7% lên 38,57 triệu bao. Sự sụt giảm trong tháng 7 chủ yếu đến từ bốn quốc gia xuất khẩu hàng đầu của khu vực là Ấn Độ (-3,5%), Indonesia (-9,7%), Papua New Guinea (-25,9%), riêng Việt Nam (-5,1%).
Tại khu vực châu Phi, xuất khẩu cà phê giảm 1,1% xuống 1,4 triệu bao trong tháng 7. Luỹ kế sau 10 tháng đầu niên vụ hiện tại, xuất khẩu của khu vực đạt tổng cộng 10,8 triệu bao, giảm 3,8% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Còn tại khu vực Trung Mỹ và Mexico, xuất khẩu cà phê đã tăng 9,4% lên gần 1,7 triệu bao so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, tổng xuất khẩu của khu vực trong 10 tháng đầu niên vụ đạt hơn 13,4 triệu bao, giảm 1,8% so với cùng kỳ vụ 2021-2022.