Giá cà phê trong nước hôm nay 13/12 đi ngang tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: YouTube) |
Giá cà phê hôm nay 13/12
Giá cà phê arabica bất ngờ tăng vọt, kéo theo cả thị trường robusta tăng điểm, sau phiên giảm liên tiếp trước đó.
Lo ngại rủi ro tăng cao khi thị trường suy đoán Fed sẽ vẫn mạnh tay thắt chắt kinh tế tại phiên họp điều hành tiền tệ vào giữa tuần này. Tuy nhiên, thông tin thời tiết Brazil tiếp tục có mưa thuận lợi tại các vùng cà phê chính phía Đông Nam, hỗ trợ vụ mùa cà phê mới 2023/2024 sẽ cho sản lượng kỷ lục, kết hợp với báo cáo Việt Nam xuất khẩu cà phê robusta trong tháng 11 đạt 2,14 triệu bao, tăng tới 19,74% so với cùng kỳ năm trước, đã tác động rất đáng kể lên giá cà phê kỳ hạn thế giới.
Tại Hội nghị quốc tế ngành cà phê Việt Nam năm 2022 mới đây, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao (VICOFA) cho biết, sản lượng cà phê niên vụ 2021 - 2022 (từ 1/10/2021 đến 30/9/2022) của Việt Nam ước tính khoảng 1,73 triệu tấn, thay đổi không đáng kể so với niên vụ trước đó. Tổng diện tích trồng không đổi, khoảng 600.000 ha.
Thời tiết thuận lợi, mưa đúng thời điểm trong giai đoạn gieo trồng, ra hoa, thu hái nên chất lượng cà phê tốt, đồng đều, tỉ lệ hạt trên sàn cao.
Tuy nhiên, theo ông Nam, sản lượng niên vụ 2022 - 2023 dự kiến giảm khoảng 10 - 15% so với niên vụ 2021 - 2022. Nguyên nhân chủ yếu đến từ diện tích trồng cà phê có xu hướng giảm do người dân chuyển sang các cây trồng khác có hiệu quả hơn.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần (ngày 12/12), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London kỳ hạn giao hàng tháng 1/2023 tăng 19 USD (1,01%), giao dịch tại 1.903 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2023 tăng 20 USD (1,07%), giao dịch tại 1.884 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York đổi chiều bật tăng mạnh. Kỳ hạn giao tháng 3/2023 tăng 8,7 Cent/lb (5,5%), giao dịch tại 166,85 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 5/2023 tăng 8,2 Cent/lb (5,16%), giao dịch tại 167,15 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 13/12 đi ngang tại một số địa phương thu mua trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu". Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Tại Hội nghị quốc tế ngành cà phê Việt Nam năm 2022, do Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) tổ chức tại Hà Nội ngày 11/12, Giám đốc điều hành Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) Vanusia Nogueira dự báo tiêu thụ cà phê toàn cầu có khả năng tăng từ 1-2% mỗi năm cho đến cuối thập niên này, tương đương 25 triệu bao 60kg trong 8 năm tới. Theo bà, mức dự báo trước đây của ICO cho rằng, tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ tăng trung bình 3,3% mỗi năm trong 4 đến 5 năm tới là quá “lạc quan”.
Nogueira nhận định ngành cà phê toàn cầu sẽ đạt được sự cân bằng về cung và cầu trong 2-3 năm tới để thoát khỏi tình trạng thiếu hụt nguồn cung hiện tại.
Bà cho biết, thế giới cần nhiều cà phê arabica và robusta hơn nhưng triển vọng tăng sản lượng và nhu cầu cà phê robusta sẽ cao hơn. Các nhà sản xuất cà phê arabica truyền thống đang cố gắng chuyển sang trồng cà phê robusta khi trái đất nóng lên. Trong khi đó, các nhà rang xay cũng cố gắng thêm cà phê robusta có giá rẻ hơn vào công thức pha trộn cà phê.
Tổ chức Cà phê quốc tế không cho rằng, vị thế thống trị toàn cầu về xuất khẩu cà phê robusta của Việt Nam bị ảnh hưởng khi Brazil tăng sản lượng cà phê robusta. Lý do là sản lượng robusta tăng thêm của Brazil là để cung cấp cho ngành công nghiệp cà phê hòa tan của quốc gia Nam Mỹ này. Người đứng đầu tổ chức này khuyên các nước trồng cà phê cần thúc đẩy tiêu thụ trong nước để có giá tốt hơn và mang lại lợi ích cho nền kinh tế.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, sản lượng robusta của Brazil sẽ tăng 5% trong năm 2022, lên mức cao nhất trong lịch sử.
Hồi tháng 7, Bloomberg dẫn lời Fernando Maximiliano, nhà phân tích tại Công ty StoneX Financial ở Sao Paulo, Brazil, cho biết Brazil có nhiều dư địa để tăng sản lượng robusta bằng cách chuyển đổi các đồng cỏ thành các trang trại cà phê robusta.
Nhìn từ sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế, VICOFA cho rằng, từ cung cầu cho thấy khó khăn nhất với cà phê Việt Nam là cà phê Brazil. Cà phê Brazil được sản xuất trên diện tích rất lớn nên giá rất cạnh tranh. Cà phê Việt Nam cần nhanh chóng tìm chỗ đứng cho mình bằng cách đầu tư vào chiều sâu. Cùng với đó là trồng các loại giống có năng suất cao và xây dựng thị trường hàng hóa bền vững như hiện nay ngành đang làm để tạo ra sự khác biệt. Như vậy, giá cà phê Việt Nam sẽ vẫn có được sự ổn định.