Giá cà phê trong nước tăng 600 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm, trong ngày 14/1. (Nguồn: Cadillaccoffee) |
Giá cà phê hôm nay 15/1
Giá cà phê trên thị trường thế giới, tiếp tục tăng mạnh trước khi đóng cửa tuần này. Chỉ số USDX giảm khi thị trường suy đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chỉ tăng lãi suất điều hành lên thêm 0,25% tại phiên họp chính sách giữa tháng Hai.
Tình hình hỗ trợ tâm lý thị trường tốt trên toàn cầu, cùng với việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc mở cửa trở lại đã thúc đẩy các Quỹ đầu cơ hàng hóa hồ hởi quay lại tăng mua.
Theo các nhà quan sát, ghi nhận lực mua rất đáng kể trên các thị trường cà phê kỳ hạn thế giới hai phiên liên tiếp vừa qua là các Quỹ hàng hóa mua bù cho khối lượng đã bán ròng khá mạnh trong suốt hai tuần trước đó do lo ngại rủi ro tăng cao khi mức lạm phát toàn cầu vẫn còn cao và nhiều nước sản xuất chính thu hoạch vụ mùa mới của niên vụ cà phê 2022/2023.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tuần này (13/1), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London kỳ hạn giao hàng tháng 3/2023 tăng 35 USD (1,89%), giao dịch tại 1.916 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 5/2023 tăng 32 USD (1,73%), giao dịch tại 1.879 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trên trung bình.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York cũng tăng mạnh. Kỳ hạn giao tháng 3/2023 tăng 2,3 Cent/lb (1,54%), giao dịch tại 151,7 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 5/2023 tăng 2,4 Cent/lb (1,6%), giao dịch tại 152,55 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước tăng 600 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm, trong ngày 14/1.
Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu". Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn cà phê ra thị trường thế giới trong năm 2022 với kim ngạch thu về hơn 4 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 32% về trị giá so với năm 2021.
Đây là khối lượng xuất khẩu cao nhất của ngành cà phê trong 4 năm qua và giá trị kim ngạch cao nhất từ trước tới nay.
Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm khoảng 39% khối lượng xuất khẩu.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường này trong năm 2022 đạt 689.049 tấn, trị giá gần 1,5 tỷ USD, tăng 25,8% về lượng và tăng 45,4% về trị giá so với năm 2021. Thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam trong khu vực EU gồm Đức (đạt 224.723 tấn, giảm 0,9%); Italy (đạt 139.271 tấn, tăng 8,5%); Bỉ (đạt 121.865 tấn, tăng 101,5%); Tây Ban Nha (đạt 114.024 tấn, tăng 71,7%)...
Nhu cầu của thị trường EU tăng cao là yếu tố quan trọng góp phần đưa ngành cà phê Việt Nam tiến đến kỷ lục xuất khẩu hơn 4 tỷ USD trong năm 2022.
Thời gian qua, lạm phát tăng cao tại khu vực nhưng xuất khẩu cà phê sang EU vẫn tăng trưởng tốt. Trong tháng 12 năm ngoái xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang này đã tăng tháng thứ hai liên tiếp, với mức tăng 54,6% so với cùng kỳ năm 2021 lên mức 72.081 tấn.
Lạm phát khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu và tìm đến các sản phẩm có giá rẻ hơn. Điều này thúc đẩy các nhà rang xay trong khu vực gia tăng nhập khẩu cà phê robusta có giá thấp hơn arabica. Đây được cho là cơ hội đối với ngành cà phê Việt Nam với vai trò là quốc gia sản xuất robusta số một thế giới.
Bên cạnh đó, lợi thế thuế quan từ Hiệp định EVFTA cũng mang lại động lực lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vào thị trường này.