📞

Giá cà phê hôm nay 15/9: Robusta có thể về ngưỡng 2.200 USD, thị trường chịu áp lực trong ngắn hạn, hy vọng ở trung và dài hạn

Gia An 08:30 | 15/09/2022
Ngân hàng đầu tư Rabobank đã điều chỉnh dự báo nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022 - 2023 giảm 1,92% xuống mức 169 triệu bao và vẫn giữ nguyên dự báo nhu cầu tiêu thụ toàn cầu ở mức 170,30 triệu bao. Dự báo giá cà phê thế giới chịu áp lực giảm trong ngắn hạn. Về trung và dài hạn, giá dự kiến sẽ tăng trở lại.

Giá cà phê trong nước hôm nay 15/9 giảm 100 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Shutterstock)

Giá cà phê hôm nay 15/9

Giá cà phê robusta trên sàn London bị lo ngại có khả năng quay về ngưỡng 2.200 trong những ngày sắp tới, trong bối cảnh giới đầu cơ không mấy mặn mà với đầu cơ hàng hóa, trước nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng hiện hữu. Nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu đã lên tiếng cho rằng, việc đồng loạt nâng lãi suất tiền tệ cơ bản của nhiều NHTW trên thế giới sẽ góp phần khiến cho suy thoái kinh tế toàn cầu càng trầm trọng hơn nữa.

Lạm phát tăng cao, mối lo ngại về suy thoái kinh tế tại khu vực Eurozone và áp lực bán hàng vụ mới của Brazil khiến giá cà phê thế giới giảm trở lại.

Trong khi đó, thông tin thời tiết thuận lợi tại 1 số vùng của vựa cà phê Brazil đã giúp thị trường bớt lo ngại về tình trạng khô hanh, làm ảnh hưởng đến lượng cung. Giá cà phê arabica vì thế cũng mất đi lực hỗ trợ tăng giá và giảm mạnh hơn nhịp giảm của cà phê sàn London.

Trên sàn giao dịch quốc tế, chốt phiên giao dịch ngày 14/9, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London, kỳ hạn giao tháng 11/2022 giảm 9 USD (0,40%), giao dịch tại 2.230 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 1/2023 giảm 11 USD (0,49%), giao dịch tại 2.219 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York tiếp tục giảm mạnh, kỳ hạn giao tháng 12/2022 giảm 5,85 Cent (2,65%), giao dịch tại 214,85 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2023 giảm 5,50 Cent/lb (2,46%), giao dịch tại 210,15 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nước hôm nay 15/9 giảm 100 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm.

Giá trung bình

Thay đổi

FOB (TP. HCM)

2.285

Trừ lùi: +55

ĐẮK LẮK

47.700

- 100

LÂM ĐỒNG

47.100

- 100

GIA LAI

47.600

- 100

ĐẮK NÔNG

47.600

- 100

Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn

FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu".

Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu.

(Nguồn: Giacaphe.com)

Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Mỹ sụt giảm tháng thứ hai liên tiếp (lạm phát tăng 0,1% so với tháng 7), cao hơn dự báo của các nhà phân tích đã khiến thị trường thất vọng và dấy lên mối lo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ mạnh tay nâng lãi suất tại phiên họp điều hành vào tuần tới ngày 20 và 21/9.

Như vậy, chu kỳ lạc quan mà Phố Wall đang chờ đợi là làm giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ do Fed thúc đẩy đã chấm dứt. Dường như mức tăng lãi suất thêm 0,75% đã được đa số đồng thuận, với tỷ lệ các cược lên tới 90%.

Ngân hàng đầu tư Rabobank đã điều chỉnh dự báo nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022 - 2023 giảm 1,92% xuống mức 169 triệu bao, và vẫn giữ nguyên dự báo nhu cầu tiêu thụ toàn cầu ở mức 170,30 triệu bao.

Do đó, thị trường cà phê toàn cầu dự kiến sẽ thiếu hụt 1,3 triệu bao. Thị trường đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung bởi tình hình thời tiết khô hạn tại Brazil gây ảnh hưởng đến sản lượng.

Cùng với tồn kho ở mức thấp, xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm càng làm gia tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung. Theo ICO, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 7 đạt 10,1 triệu bao (loại 60 kg/bao), giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Luỹ kế trong 10 tháng đầu niên vụ 2021-2022 (tháng 10/2021 đến tháng 7/2022), xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm 0,3% so với cùng kỳ niên vụ trước, xuống còn 108,8 triệu bao. Nhìn chung xuất khẩu giảm ở hầu khắp các khu vực ngoại trừ châu Á và châu Đại Dương.

Cụ thể, xuất khẩu cà phê của khu vực Nam Mỹ đã giảm 8,5% trong 10 tháng đầu niên vụ hiện tại, đạt 42,2 triệu bao. Trong giai đoạn này, các lô hàng từ Brazil, nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới giảm tới 12,4%, xuống còn 32 triệu bao từ mức 37,2 triệu bao của cùng kỳ niên vụ 2020-2021.

Khối lượng xuất khẩu của Colombia cũng giảm 13,2% từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 7 năm nay, chỉ đạt 10,3 triệu bao. Chủ yếu do điều kiện thời tiết bất lợi kéo dài làm giảm nguồn cung cà phê của nước này.

Ngược lại, xuất khẩu cà phê từ khu vực châu Á và châu Đại Dương trong tháng 7 tăng 4% lên 3,2 triệu bao. Qua đó đưa xuất khẩu của khu vực này trong 10 tháng đầu niên vụ lên 37,6 triệu bao, tăng mạnh 16% so với niên vụ trước.

Việt Nam, nước xuất khẩu lớn thứ 2 và là nhà cung cấp robusta lớn nhất thế giới đã xuất khẩu gần 2 triệu bao cà phê trong tháng 7, giảm 1,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong 10 tháng đầu niên vụ 2021-2022 xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn tăng mạnh 17,9% lên 24,7 triệu bao.

Bên cạnh đó, xuất khẩu cà phê của Ấn Độ tăng 10,8% trong tháng 7 và tăng 28,9% sau 10 tháng đầu niên vụ, đạt 6,1 triệu bao. Xuất khẩu của Indonesia trong tháng 7 cũng tăng 31,6% lên 0,6 triệu bao và trong giai đoạn từ tháng 10/2021 đến tháng 7/2022 tăng 0,2% lên 5,6 triệu bao.