📞

Giá cà phê hôm nay 1/6: 'Đỉnh cao' tăng giá, nhà đầu cơ quen dần với 'kinh doanh thời tiết'; Sở hữu chứng nhận quốc tế để hàng Việt ổn định

Gia An 05:05 | 01/06/2021
Tính đến ngày 24/5, tồn kho cà phê robusta được sàn London chứng nhận đã giảm 80 tấn, tức giảm 0,05 % so với một tuần trước đó, xuống đăng ký ở mức 159.050 tấn, tương đương 2.650.833 bao, bao 60 kg.
Giá cà phê trong nước quay đầu giảm nhẹ 100 đồng/kg, tại hầu hết các địa phương trọng điểm trong phiên giao dịch hôm qua. (Nguồn: Foodyoushouldtry)

Cập nhật giá cà phê hôm nay 1/6

Nổi bật trong những ngày qua là thông tin các nước Âu – Mỹ nới lỏng giản cách xã hội, hứa hẹn nhu cầu tiêu thụ tăng nhanh, trong khi các nước xuất khẩu lớn có dấu hiệu nguồn cung thắt chặt, hàng vụ mới chưa sẵn sàng được đưa ra thị trường.

Đặc biệt, thông tin từ Colombia, nhà sản xuất cà phê arabica chất lượng hàng đầu thế giới, vẫn chưa thể khai thông các tuyến cao tốc vận chuyển hàng ra các cảng xuất khẩu khiến gần 900.000 bao cà phê bị đình trệ.

Thị trường giao dịch hàng hóa đóng cửa vào thứ 2 (31/5) để nghỉ lễ ngày tưởng niệm. Chốt phiên giao dịch gần nhất (ngày 30/5), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London tăng kỷ lục. Giá cà phê kỳ hạn giao tháng 7, tăng 66 USD (4,35%) lên 1.583 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 9 cũng tăng 67 USD (4,36%), lên 1.605 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York cũng được kéo vào đà tăng mạnh. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 7 tăng 7 Cent (4,51%), bật lên 162,35 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 tăng 7 Cent (4,45%), lên 164,3 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.

Phân tích thị trường:

Giá cà phê trong nước hôm nay (1/6) không biến động, tại hầu hết các địa phương trọng điểm.

Tỉnh/huyện

Giá thu mua

LÂM ĐỒNG

— Bảo Lộc ROBUSTA

33.400 (VNĐ/Kg)

— Di Linh ROBUSTA

33.300

— Lâm Hà ROBUSTA

33.400

ĐẮK LẮK

— Cư M'gar ROBUSTA

34.600

— Ea H'leo ROBUSTA

34.400

— Buôn Hồ ROBUSTA

33.400

GIA LAI

— Pleiku ROBUSTA

34.300

— Ia Grai ROBUSTA

34.300

— Chư Prông ROBUSTA

34.200

ĐẮK NÔNG

— Đắk R'lấp ROBUSTA

34.200

— Gia Nghĩa ROBUSTA

34.300

KON TUM

— Đắk Hà ROBUSTA

34.200

HỒ CHÍ MINH

— R1

35.800

Dự báo thời tiết 3 tháng mùa Đông ở vành đai cà phê miền nam Brazil sẽ gặp khô hạn khiến thị trường dấy lên mối lo khả năng xảy ra sương giá. Trong khi dự kiến sản lượng cà phê arabica năm nay sụt giảm nghiêm trọng, tuy đã được bù đắp từ sản lượng Conilon robusta được mùa.

Tuy nhiên, “kinh doanh thời tiết” trên các thị trường cà phê phái sinh là diễn biến mới, khi Brazil bước vào những tháng mùa Đông và đợt sương giá gây thiệt hại vụ mùa trầm trọng xảy ra gần đây cũng đã hơn hai mươi năm.

Nhưng biến đổi khí hậu toàn cầu làm thời tiết trở nên thất thường như hiện nay cũng không thể biết chắc được điều gì sẽ xảy ra. Mỗi khi có dự báo thời tiết bất thường từ nhà sản xuất hàng đầu cũng là cơ hội cho “bò đầu cơ” đẩy giá lên, hợp đồng mua ròng tăng mạnh cho dù các chỉ số kỹ thuật thị trường đã đi vào vùng “quá mua”.

Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) mới nhất từ ​​thị trường cà phê arabica cho thấy, bộ phận đầu cơ phi thương mại đã nâng vị thế mua ròng thêm 1,97% trong tuần thương mại tính đến thứ Ba ngày 18/5 lên đăng ký mua ròng ở 35.346 lô, tương đương 10.020.434 bao. Vị thế mua ròng này rất có thể đã được tăng thêm sau giai đoạn thương mại có phần tích cực kể từ sau đó.

Báo cáo CFTC mới nhất từ thị trường cà phê robusta cho thấy, tính đến cùng kỳ báo cáo, đầu cơ ngắn hạn của các Quỹ quản lý tiền đã giảm vị thế mua ròng bớt 3,92% so với một tuần trước đó, xuống đăng ký mua ròng ở 30.027 lô, tương đương với 5.004.500 bao. Vị thế mua ròng này có khả năng đã được tăng lên sau giai đoạn thương mại hỗn hợp, nhưng có phần tích cực hơn kể từ sau đó.

Trung bình mỗi năm, Việt Nam sản xuất hơn 1,5 triệu tấn cà phê nhưng lượng cà phê xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân, chiếm khoảng 90%, do đó, giá trị gia tăng thấp, lợi nhuận thu về chưa tương xứng với lượng hàng xuất đi. Thực tế, giá cà phê nhân tại thị trường trong nước gần đây tăng chủ yếu là do nguyên nhân khách quan chứ không hẳn do ngành cà phê cải thiện mạnh về chất lượng.

Hiện nay, cách thu hoạch cà phê của người dân còn tồn tại nhiều bất cập, chủ yếu áp dụng phương pháp hái tuốt cành. Khi cà phê chín khoảng 40 - 50%, người dân đã bắt đầu hái cả quả chín lẫn quả xanh khiến chất lượng cà phê không đồng đều, nhiều hạt đen, dễ bị vỡ khi sơ chế, làm giảm giá trị lúc bán. Vấn đề này cần phải được khắc phục sớm.

Ngoài việc nâng cao chất lượng cà phê thì việc sở hữu các chứng nhận quốc tế sẽ giúp người trồng cà phê có được giá bán ổn định, thậm chí ngay cả khi thị trường biến động về giá theo chiều hướng xấu, thì người dân vẫn có thể bán được sản phẩm với mức giá tối thiểu, bảo đảm lợi nhuận để có thể tái đầu tư.