📞

Giá cà phê hôm nay 16/7/2024: Giá cà phê thế giới đồng loạt giảm, trong nước diễn biến lạ, xuất khẩu giảm 11,4%

Gia An 13:52 | 16/07/2024
Theo ước tính của Vicofa, sản lượng cà phê robusta của Việt Nam vụ 2023-2024 là khoảng 26,7 triệu bao, vụ mùa tiếp theo 2024-2025 sẽ ở mức từ 21,4 - 22,7 triệu bao. Con số này thấp hơn đáng kể so với dự báo sơ bộ của Volcafé trước đây là 24 triệu bao và thấp hơn nhiều so với ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) mới đây là 27,85 triệu bao.

Giá cà phê hôm nay 16/7/2024

Giá cà phê thế giới đồng loạt giảm mạnh ngay trong phiên giao dịch đầu tuần.

Trong khi đó, giá cà phê trong nước tăng giảm trái chiều, tuy nhiên, với đà tăng liên tục kéo dài từ tuần trước thị trường nội địa đang tiến sát mức đỉnh lịch sử đạt được vào cuối tháng 4. Mọi lý do cho diễn biến hiện tại là tình trạng khan hàng, tồn kho trong nước gần như đã cạn kiệt.

Phiên giảm giá này không bất ngờ khi đã được giới trong ngành dự báo từ trước, rằng thị trường sẽ có đợt điều chỉnh sau nhiều phiên tăng rất mạnh và liên tục.

Những lo ngại dai dẳng về nguồn cung tiếp tục đẩy giá cà phê trong nước và thế giới tăng cao trong thời gian gần đây. Các chuyên gia nhận định, tình hình vĩ mô vẫn ủng hộ đà tăng của cà phê tuần này, nhưng lực cản lại đến từ sức bán từ các nước sản xuất cà phê chủ yếu trên thế giới.

Theo báo cáo của Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), tổng xuất khẩu của khu vực Nam Mỹ trong 8 tháng đầu niên vụ 2023 - 2024 lên mức 44,3 triệu bao, tăng 33,7% so với cùng kỳ 2022-2023. Đà tăng trưởng tích cực này đến từ Brazil, nơi chứng kiến ​​xuất khẩu tăng tới 79,1% lên mức kỷ lục mới là 4,4 triệu bao vào tháng 5. Xu hướng tăng mạnh mẽ của khu vực Nam Mỹ nói chung và Brazil nói riêng chủ yếu là do vụ thu hoạch bội thu của Brazil trong niên vụ 2022-2023 và 2023-2024, với sản lượng ước tính tăng lần lượt 8,4% và 9,2%.

Bên cạnh đó, sản lượng robusta từ Việt Nam và Indonesia giảm đã mở ra cơ hội lớn cho Brazil đẩy mạnh xuất khẩu và lấp đầy khoảng trống nhu cầu của thị trường. Trái ngược với khu vực Nam Mỹ, xuất khẩu cà phê các loại từ châu Á và châu Đại Dương đã giảm mạnh 39,3% xuống còn 2,4 triệu bao trong tháng 5. Tổng cộng xuất khẩu của khu vực trong 8 tháng đầu niên vụ đã giảm 7,2% xuống còn 29,9 triệu bao.

Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất khu vực, giảm 46,9% xuống còn 1,36 triệu bao trong tháng 5. Đây đã là tháng sụt giảm thứ tư liên tiếp và tháng thứ 6 kể từ đầu niên vụ đến nay.

Kết quả là tổng xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 8 tháng đầu niên vụ 2023-2024 chỉ đạt 20,28 triệu bao, giảm 6,6% so với cùng kỳ niên vụ trước. Sự sụt giảm mạnh này chủ yếu là do tồn kho trong nước gần như đã cạn kiệt, trong khi vẫn còn khoảng hơn 3 tháng nữa mới tới vụ thu hoạch 2024-2025.

Tương tự, xuất khẩu cà phê của Indonesia trong tháng 5 đã giảm tới 67,1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 0,2 triệu bao. Lượng xuất khẩu thấp là do sản lượng cà phê nước này trong niên vụ 2023-2024 ước tính giảm xuống còn 10 triệu bao từ mức gần 12 triệu bao của niên vụ cà phê trước.

Giá cà phê trong nước ngày 15/7 tăng giảm trái chiều tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: ohman.vn)

Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam chốt phiên giao dịch đầu tuần này (15/7), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London quay đầu giảm, kỳ hạn giao hàng tháng 9/2024 giảm 34 USD, giao dịch tại 4.583 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 11/2024 giảm 44 USD giao dịch tại 4.397 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York giảm mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 9/2024 giảm 6,6 Cent, giao dịch tại 242,15 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 12/2024 giảm 6,4 Cent, giao dịch tại 240,40 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình cao.

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nước ngày 15/7 tăng giảm trái chiều tại một số địa phương thu mua trọng điểm. Đơn vị tính: VND/kg

Giá trung bình

Trung bình

Tỷ giá USD/VND

25.207

- 3

ĐẮK LẮK

128.500

0

LÂM ĐỒNG

128.000

+ 100

GIA LAI

128.500

0

ĐẮK NÔNG

128.500

- 100

(Nguồn: giacaphe.com)

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong quý II vừa qua đã giảm 32,4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 308.124 tấn. Mặc dù vậy, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vẫn tăng 8,5% lên 1,26 tỷ USD nhờ giá bán tăng cao.

Tính chung trong nửa đầu năm 2024, xuất khẩu mặt hàng này đạt 893.820 tấn với giá trị kim ngạch thu về 3,19 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 11,4% về lượng nhưng kim ngạch lại tăng mạnh 33,2%.

Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (từ tháng 10/2023 đến tháng 6/2024), Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,26 triệu tấn cà phê, tương đương 86% sản lượng vào khoảng 1,47 triệu tấn của niên vụ hiện tại và giảm hơn 11% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Nếu không tính hàng tồn kho từ năm ngoái chuyển sang thì Việt Nam chỉ còn lại khoảng 210.000 tấn cà phê để xuất khẩu trong 4 tháng tới cho đến khi vụ thu hoạch mới diễn ra vào tháng 11 năm nay.

Trong quý II, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 4.103 USD/tấn, tăng 24,7% so với quý I và tăng 60,4% so với quý II/2023. Tính riêng trong tháng 6, giá mặt hàng này đạt kỷ lục 4.593 USD/tấn, tăng 7,4% so với tháng trước và tăng 71,2% (hơn 1.900 USD/tấn) so với cùng kỳ.

Về thị trường, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm, chiếm gần 40% về lượng và 38,6% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng, đạt 353.468 tấn với kim ngạch hơn 1,2 tỷ USD, giảm 8,5% về lượng nhưng tăng 40,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.

Nhật Bản vươn lên vị trí thứ hai với khối lượng đạt 63.127 tấn, trị giá 238,8 triệu USD, tăng 4,2% về lượng và tăng 47,4% về trị giá so với cùng kỳ.

Ngoài ra, lượng cà phê xuất khẩu sang một số thị trường khác trong khu vực châu Á như Indonesia, Philippines, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… cũng tăng rất mạnh trong nửa đầu năm nay. Ngược lại, Mỹ, Nga, Algeria, Anh… lại chứng kiến sự sụt giảm mạnh.