Giá cà phê trong nước hôm nay 18/12 tăng 300 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Rodeo West) |
Cập nhật giá cà phê hôm nay 18/12
Thị trường đang quan tâm vào việc cân đối, thanh lý vị thế đầu cơ trước ngày hết hạn hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 11 tại London, trong khi cấu trúc giá nghịch đảo vẫn được duy trì nhằm thu hút giới thương nhân đưa nhanh hàng về hai sàn để tham gia đấu giá. Đó là một trong những lý do giá cà phê có những phiên lên xuống không rõ ràng những ngày gần đây, thị trường biến động theo tâm lý của giới đầu cơ.
Giá cà phê kỳ hạn điều chỉnh giảm sau báo cáo khảo sát sản lượng vụ mùa năm 2021 của Công ty Cung ứng và Dự báo Nông sản Brazil (Conab), thuộc Bộ Nông nghiệp Brazil. Báo cáo của Conab điều chỉnh tăng không nhiều, nhưng cũng đã chứng tỏ thiệt hại vì khô hạn kéo dài từ đầu năm và các đợt sương giá hồi tháng 7 không quá nặng nề như nhiều đánh giá trước đây.
Ghi nhận của TG&VN trước giờ đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, ngày 17/12, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 1/2022 giảm 6 USD (0,25%), giao dịch tại 2.431 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 3/2022 giảm 4 USD (0,17%), giao dịch tại 2.299 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York tiếp tục giảm nhẹ. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 3/2022 giảm 0,45 Cent (0,19%), giao dịch tại 236,85 Cent/lb. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 5/2022 cũng giảm 0,5 Cent (0,21%), giao dịch tại 237,00 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng tốt vào kỳ hạn thnags 3/2022.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 18/12 tăng 300 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu". Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Theo Báo cáo của Conab, ước tính sản lượng cà phê arabica đạt 31,4 triệu bao, tăng từ mức 30,7 triệu bao và cà phê Conilon robusta đạt 16,3 triệu bao, tăng từ mức 16,1 triệu bao được dự báo hồi tháng 9. Do đó, tổng sản lượng cà phê năm 2021 sẽ ở mức 47,7 triệu bao, thay vì 46,9 triệu bao được công bố trong lần khảo sát trước đó.
Giá cà phê trong tháng 11 tiếp tục lập đỉnh 10 năm. Tuy nhiên, sự lạc quan về triển vọng tiêu thụ với việc nới lỏng hơn nữa các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 đang bị thay thế bởi lo ngại về sự xuất hiện của biến thể mới Omicron, đặc biệt là ở châu Âu.
Với tình hình nguồn cung hạn chế ở một số nước lớn như Brazil, Colombia và một số nước khu vực Nam Mỹ, kèm theo đó nhu cầu dịp lễ Giáng Sinh và Tết Dương Lịch tăng cao, giá cà phê thế giới sẽ tiếp tục đà tăng mạnh. Điều này giúp cà phê Việt Nam được hưởng lợi. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong giai đoạn thu hoạch, nguồn cung dồi dào hơn, giúp khỏa lấp một phần khoảng trống trong nguồn cung.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ Công Thương, do ảnh hưởng của việc vận chuyển nên rất nhiều đơn hàng của doanh nghiệp Việt Nam đã bị đối tác EU hủy và chuyển sang nhập khẩu từ các thị trường khác. Dự kiến chuỗi cung ứng trên toàn cầu sẽ còn tiếp tục đối mặt với rủi ro tắc nghẽn đến cuối năm 2022.
Theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 11 đạt 78 nghìn tấn, trị giá 181 triệu USD, giảm 21,4% về lượng và giảm 16,5% về trị giá so với tháng 10/2021; so với tháng 11/2020 giảm 6,9% về lượng, nhưng tăng 12,6% về trị giá.
Tính chung 11 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,36 triệu tấn, trị giá 2,63 tỷ USD, giảm 4,4% về lượng, nhưng tăng 5,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tháng 11 là giai đoạn khu vực Tây Nguyên thu hái cà phê với tổng diện tích cà phê tại khoảng 540.000 ha và sản lượng dự kiến 1,6 triệu tấn. Hiện nay, nông dân các tỉnh Tây Nguyên đã thu hoạch được 40% diện tích cà phê, tuy nhiên họ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.