📞

Giá cà phê hôm nay 18/7: Robusta trở lại đà tăng trong ngắn hạn, có yếu tố không bền, thị trường giảm sôi động

Gia An 05:12 | 18/07/2021
Thị trường cà phê đang được cho là đang trong tình trạng không bền, chủ yếu do sự "nhanh chân" của giới đầu cơ trên hai sàn kỳ hạn hơn là biến động mua bán của các nhà kinh doanh hàng hóa thực.
Giá cà phê trong nước tăng 100 đồng/kg tại các địa phương trọng điểm trong phiên giao dịch cuối tuần (17/7). (Nguồn: Broadcastcoffee)

Cập nhật giá cà phê hôm nay 18/7

Sự điều chỉnh cuối tuần, lo ngại của giới đầu tư về lạm phát Mỹ tăng cao và nguy cơ biến thể covid-19 chủng mới sẽ tác động tiêu cực lên sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu đã khiến một số đồng tiền mới nổi, trong đó có đồng Real của Brazil suy yếu trở lại tác động lên thị trường hàng hóa.

Bên cạnh mối lo về sương giá và dự báo thời tiết lạnh ở miền Nam Brazil góp phần thúc đẩy giá cà phê arabica tăng mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần, Báo cáo tồn kho cà phê hạt (GCA) ở Bắc Mỹ cũng cho thấy sự sụt giảm tới 18,2% trong tháng 6, xấp xỉ với mức thấp 5,51 triệu bao được báo cáo hồi tháng 6/2015.

Trong khi đó, giá cà phê robusta trở lại xu hướng tăng với khối lượng giao dịch khá thấp dưới mức trung bình. Hiện tại thị trường đang có sự cách biệt về mức giá giữa hai sàn, lại có thêm mối lo nguồn cung bị chậm trễ vì cước phí vận tải biển tăng quá cao.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần này (16/7), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London, tăng nhẹ dù cấu trúc giá đảo vẫn còn giữ khoảng cách nhất định. Giá cà phê kỳ hạn giao tháng 9 tăng 11 USD (0,63%), giao dịch tại 1.767 USD/tấn; Trong khi đó, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 11 cũng tăng 6 USD (0,34%), lên 1.756 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.

Trong khi đó giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York bật tăng mạnh. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 9 tăng 4,3 Cent (2,74%), lên 161,35 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 11 cũng tăng 4,2 Cent (2,63%), lên 161,1 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nước tăng 100 đồng/kg tại các địa phương trọng điểm trong phiên giao dịch cuối tuần (17/7).

Tỉnh/huyện

Giá thu mua

LÂM ĐỒNG

— Bảo Lộc ROBUSTA

35.400 (VNĐ/Kg)

— Di Linh ROBUSTA

35.300

— Lâm Hà ROBUSTA

35.400

ĐẮK LẮK

— Cư M'gar ROBUSTA

36.500

— Ea H'leo ROBUSTA

36.300

— Buôn Hồ ROBUSTA

36.300

GIA LAI

— Pleiku ROBUSTA

36.200

— Ia Grai ROBUSTA

36.200

— Chư Prông ROBUSTA

36.100

ĐẮK NÔNG

— Đắk R'lấp ROBUSTA

36.100

— Gia Nghĩa ROBUSTA

36.200

KON TUM

— Đắk Hà ROBUSTA

36.100

HỒ CHÍ MINH

— R1

37.700

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), trong niên vụ cà phê 2021-2022, cán cân cung - cầu cà phê dự kiến sẽ đảo ngược do sản lượng sẽ gần như không đáp ứng được nhu cầu của thế giới do sự sụt giảm sản lượng dự kiến tại nhiều nước xuất khẩu.

Tuy nhiên, sức tiêu thụ cà phê toàn cầu cũng giảm do phần lớn các thị trường phía Bắc bán cầu bước vào kỳ nghỉ mùa Hè, dịch bệnh cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này.

Trong tháng 7 giá cà phê robusta trong nước tăng theo giá thế giới. Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương dự báo giá sẽ tiếp tục đà tăng trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 dự kiến sẽ làm sức tiêu thụ cà phê giảm. Số ca lây nhiễm Sars-Cov-2 tại Việt Nam đã vượt mốc 1.000 ca/ngày, lệnh giãn cách xã hội đang được thực hiện mạnh hơn.

Tại Brazil, thị trường cũng bắt đầu nhận được những thông tin sơ bộ về đợt sương giá tại một số khu vực trồng cà phê ở vùng Trung Tây. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 làm sức tiêu thụ cà phê giảm, khiến nguồn cung toàn cầu dư thừa.

Quý III/2021 đã bắt đầu. Trong các tháng 7 và 8 hàng năm, thị trường hàng thực giảm sôi động do các nhà kinh doanh vào kỳ nghỉ. Tháng 9, người mua và người bán bắt đầu dò giá và chào hàng. Thị trường đang lo mùa hè này giao dịch sẽ yên ẳng hơn, thậm chí tháng 9 chưa chắc sẽ sôi động nếu như người mua và người bán chưa chấp nhận giá cước tàu biển. Giả sử như người thuê tàu (trong kinh doanh cà phê, thường là người mua trả tiền cước theo điều kiện FOB) chấp nhận giá cước cao, giá cà phê phái sinh còn có cửa tăng nhưng ngược lại giá cà phê hàng thực trên các thị trường nội địa sẽ chịu sức ép giảm giá. Điều này sẽ phản ánh trên giá xuất khẩu ngày càng bị trừ sâu.