Giá cà phê hôm nay 1/9/2023
Giá cà phê thế giới quay đầu giảm, kết thúc chuỗi tăng ngắn hạn, trong bối cảnh nguồn cung eo hẹp và đồng USD hạ nhiệt. Theo nhận xét của các chuyên gia, khối lượng thương mại trên cả hai sàn cho thấy phần lớn quỹ và đầu cơ vẫn còn đứng bên ngoài các thị trường, do lo ngại rủi ro tăng cao.
Thị trường cà phê trong nước tăng mạnh trước kỳ nghỉ lễ 2/9, giao dịch trong khoảng 65.800 - 66.700 đồng/kg. Giá cà phê thu mua cao nhất tại Đắk Nông. Nhờ đà tăng liên tiếp trong những phiên vừa qua, thị trường nội địa sắp chạm lại mốc 67.000 đ/kg.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết, trong tháng 8, ước xuất khẩu khoảng 90.000 tấn cà phê, giảm 20,57% so với cùng kỳ năm trước, đưa xuất khẩu cà phê 8 tháng đầu năm nay đạt tổng cộng 1,2 triệu tấn, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước.
Giá cà phê trong nước hôm nay 1/9 giảm 100 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: YouTube) |
Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/8 trên sàn kỳ hạn quốc tế, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London kỳ hạn giao hàng tháng 11/2023 giảm 7 USD, giao dịch tại 2.489 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 1/2024 tăng 16 USD, giao dịch tại 2.386 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình cao.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York kỳ hạn giao tháng 12/2023 quay đầu giảm nhẹ 0,85 Cent, giao dịch tại 154,5 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2024 giảm 0,7 Cent, giao dịch tại 155,65 Cent/lb. Khối lượng giao dịch cao.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 1/9 giảm 100 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Liên minh châu Âu (EU) đưa ra Dự luật về sản phẩm không phá rừng là muốn thể hiện trách nhiệm đối với vấn đề bảo vệ môi trường chung của toàn cầu, họ muốn sử dụng những sản phẩm có trách nhiệm, không phá hủy môi trường. Có thể nói đây là tính trách nhiệm chung của toàn cầu chứ không nên nghĩ đây là một rào cản kỹ thuật gây khó đối với ngành cà phê Việt Nam.
Những chỉ dấu về nền nông nghiệp thay đổi về chất, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường nhập khẩu đã rất rõ ràng.
Lệnh cấm nhập khẩu nông sản trồng trên đất có nguồn gốc từ phá rừng hay gây suy thoái rừng của Liên minh châu Âu (EU) chỉ là khởi đầu và đi kèm với nó sẽ có thêm những ràng buộc cao hơn về quyền của người lao động, bình đẳng giới…
Theo bình luận của các chuyên gia, đây không phải là một bài toán không thể tìm thấy lời giải. Chẳng hạn, đối với cà phê Việt Nam, trước hết, phải khẳng định bản thân quy định chống phá rừng của EU không hề làm khó cho cà phê Việt. Tuyệt đại đa số các container cà phê hàng năm đang cập cảng châu Âu tự chúng đã đáp ứng tiêu chí cà phê được trồng trên đất không có nguồn gốc từ phá rừng hay làm suy giảm rừng từ thời điểm 31/12/2020.
Đánh giá của một nhà mua lớn ở châu Âu, được một vị chuyên gia có tiếng dẫn lại tại nhiều cuộc hội thảo liên quan tới vấn đề này cho thấy, tỷ lệ phá rừng để trồng cà phê tại Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 0,1%. Như vậy, việc thực hiện quy định chống phá rừng của EU hay nâng cao chất lượng nông sản thâm nhập thị trường khó tính sẽ tạo động lực mới để nông nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội bứt phá.
Theo quy định mới của EU, những sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ, cao su… nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sau ngày 31/12/2020 sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này. Đây là thách thức và cũng là cơ hội lớn cho ngành hàng cà phê Việt Nam nói chung trong việc khẳng định uy tín, thương hiệu trên trường quốc tế.