Sau chuỗi tăng khá ấn tượng tuần trước, giá cà phê đang có sự điều chỉnh kỹ thuật. (Nguồn: BourbonCoffee) |
Cập nhật diễn biến giá cà phê hôm nay 19/4
Tính chung cả tuần trước, giá cà phê robusta có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Giá cà phê robusta kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng tổng cộng 11 USD, tức tăng 0,82 %, lên 1.354 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng tất cả 17 USD, tức tăng 1,25 %, lên 1.383 USD/tấn, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Giá cà phê arabica cũng có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng tất cả 1,9 cent, tức tăng 1,49 %, lên 129,15 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng tất cả 2,05 cent, tức tăng 1,59 %, lên 131,2 cent/lb, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Tuần này, những chỉ số kinh tế Mỹ và Trung Quốc mới được công bố cho thấy sự tăng trưởng rõ rệt và tương lai tươi sáng cho tài chính toàn cầu. Chứng khoán liên tục leo đỉnh, dòng tiền đổ dồn vào các sàn chứng khoán khiến cà phê lao đao phiên cuối tuần.
Trong khi đó, các thành viên của khối Eurozone tiếp tục hạn chế các hoạt động tiếp xúc do dịch bệnh covid-19 bùng phát lần thứ ba. Pháp tiếp tục mở rộng giãn cách thêm 4 tuần, Đức đã lấp gần hết chỗ trống trong các bệnh viện khi số người bị lây nhiễm tăng vọt. Hàng quán đóng cửa, kinh tế suy thoái trở lại là mối quan tâm lớn của “lục địa già” vào lúc này. Khả năng tiêu thụ còn sụt giảm trong những ngày tới.
Hiệp hội Cà phê Hạt (GCA) của Mỹ đã báo cáo lượng tồn kho giảm 1,92% trong tháng Ba, xuống ở mức 5.679.162 bao vào cuối tháng. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ cà phê có phần nào khởi sắc trở lại ở khu vực Bắc Mỹ. Tuy nhiên, Rabobank lo ngại sự thiếu hụt container rỗng để xuất khẩu kết hợp với sự sụt giảm sản lượng vụ mùa cà phê arabica năm nay có thể tác động tiêu cực lên lô hàng xuất khẩu của Brazil vào nửa cuối năm.
Theo Independent, một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, sự nóng lên toàn cầu đã và đang có tác động xấu đến thị trường cà phê quốc tế. Theo đó, biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vùng của Ethiopia, một trong những quốc gia sản xuất cà phê arabica lớn nhất thế giới, chỉ đứng sau Brazil và Colombia.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports cho thấy, loại cà phê arabica có nhu cầu tương đối cao, chiếm hơn 70% thị trường cà phê thế giới. Một khi diện tích các vùng trồng cà phê tại Ethiopia bị thu hẹp thì nguồn cung arabica toàn cầu sẽ bị sụt giảm trầm trọng. Chưa kể, điều này còn đe dọa nền kinh tế đất nước và tác động tiêu cực đến sinh kế của 25 - 30 triệu nông dân lớn nhỏ. Hiện tại, sản lượng cà phê của quốc gia này đang bị ảnh hưởng bởi lượng mưa cực lớn và các loại côn trùng cũng như nấm bệnh gây hại khác.
Còn với cà phê robusta đang chờ tin vụ mới ở Brazil và Indonesia khi 2 quốc gia trên bắt đầu thu hái. Tình hình thời tiết thuận lợi đang đẩy giá robusta đi xuống.
Giá cà phê trong nước giảm 200 đồng/kg tại một số địa phương
Giá cà phê trong nước hôm nay 19/4 , thu mua tại các địa phương trọng điểm.
|
Tham khảo giá cà phê tươi thu mua tại một số địa phương trọng điểm tại phiên giao dịch liền trước (ngày 17/4), thị trường giao dịch trong khoảng 31.700 - 32.700 đồng/kg.
Giá cà phê tại tỉnh Lâm Đồng, huyện Lâm Hà và Di Linh ở mức 31.800 đồng/kg, Bảo Lộc thu mua ở 31.700 đồng/kg.
Tại Đắk Lắk, huyện Cư M'gar giá cà phê thu mua ở mức 32.700 đồng/kg. Tại Ea H'leo và Buôn Hồ có giá 32.600 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, huyện Chư Prông đang ở mức 32.500 đồng/kg, ở Pleiku và Ia Grai là 32.600 đồng/kg.
Tại tỉnh Đắk Nông, huyện Gia Nghĩa cà phê tươi thu mua ở 32.500 đồng/kg và Đắk R'lấp là 32.400 đồng/kg.
Giá cà phê tại Đắk Hà, tỉnh Kon Tum tăng nhẹ lên mức 32.500 đồng/kg.
Giá cà phê R1 giao tại cảng TP. Hồ Chí Minh có giá 34.200 đồng/kg.
Tổng hợp tuần này, giá cà phê trong nước tăng 200 đồng/kg tại Lâm Đồng, Kon Tum; các tỉnh còn lại của Tây Nguyên tăng 300 đồng/kg. Tuần trước, giá cà phê tăng trung bình 400 đồng/kg. Như vậy thị trường trong nước đã có 2 tuần tăng liên tiếp.