📞

Giá cà phê hôm nay 22/3: Bị giới đầu tư bỏ rơi; Cà phê chế biến của Việt Nam vẫn có lợi thế

Gia An 05:10 | 22/03/2021
TGVN. Lợi suất dài hạn trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục tăng lên mức kỷ lục đã thu hút dòng vốn đầu cơ trên các thị trường phái sinh, khiến giá cà phê suy yếu trở lại… Ảnh hưởng của Covid-19 cũng khiến nhiều vùng cà phê thế giới tạm thời giảm mạnh về sản lượng xuất khẩu. Nguồn cung thiếu, giá trị xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam được hưởng lợi.
Giá cà phê bị tác động mạnh bởi dòng vốn đầu cơ bỏ rơi các sàn hàng hóa phái sinh, đáng kể là các sàn cà phê. (Nguồn: Quotesideas)

Cập nhật giá cà phê hôm nay

Mở cửa thị trường tuần này từ một phiên giảm điểm của cuối tuần trước, giá cà phê robusta kỳ hạn trên sàn ICE Futures Europe_London (Anh) giảm. Giá cà phê giao tháng 5/2021 giảm 6 USD/tấn (0,43%) so với chốt phiên trước đó, xuống 1.380 USD/tấn; giá giao tháng 7/2021 cũng giảm 7 USD/tấn (0,50%) giao dịch ở 1.404 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US – New York (Mỹ) cũng giảm. Giá cà phê giao tháng 5 giảm 0,95 Cent (0,73%), xuống còn 129 Cent/lb; kỳ hạn giao tháng 7 cũng giảm tiếp 0,9 Cent (0,68%), xuống 131,05 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.

Phân tích thị trường tuần trước

Tính chung cả tuần trước, cà phê robusta có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng. Cả tuần giá cà phê robusta giao tháng 5 giảm tổng cộng 23 USD (giảm khoảng 1,64 %), xuống 1.380 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 cũng giảm tất cả 23 USD, tức giảm 1,61 %, còn 1.404 USD/tấn, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.

Tương tự, thị trường giao dịch cà phê arabica có 4 phiên giảm và 1 phiên tăng. Giá cà phê giao tháng 5 giảm tất cả 4 Cent (3,01 %), xuống 129 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 giảm tất cả 3,9 Cent, tức giảm 2,89 %, còn 131,05 Cent/lb, các mức giảm khá mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình.

Giá cà phê suy yếu trở lại khi người Brazil gia tăng bán do có sự hỗ trợ từ đồng Real yếu hơn và báo cáo thời tiết ở vành đai cà phê phía Đông Nam Brazil có lượng mưa tốt hỗ trợ cho cây cà phê phát triển vụ mùa mới. Trong khi đó, lợi suất dài hạn trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt lên mức kỷ lục đã thu hút dòng vốn đầu cơ chảy mạnh về, bỏ rơi các sàn hàng hóa phái sinh, đáng kể là các sàn cà phê.

Ngân hàng Trung ương Brazil quyết định tăng lãi suất cơ bản đồng Real thêm 0,75%, từ mức 2% lên 2,75%/năm, vượt mức kỳ vọng của thị trường, nhưng lại khiến đầu cơ trong nước xả hàng cũng góp phần thêm bất lợi cho giá cà phê trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, Báo cáo của Safras Mercados ở São Paulo cho biết, nông dân Brazil đã bán khoảng 28% sản lượng vụ mới sắp thu hoạch, cao hơn khoảng 10% so với cùng thời điểm này năm trước. Điều này đã góp phần kkiến giá cà phê suy yếu trở lại, cho dù đã có hiện tượng kháng giá của nông dân nước này trong thời gian gần đây.

Tồn kho cà phê robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát, tính đến ngày 15/3, đã tăng thêm 250 tấn, tức tăng 0,18 % so với một tuần trước đó, lên đăng ký ở mức 144.160 tấn (tương đương 2.398.500 bao, bao 60 kg).

Giá cà phê trong nước tăng giảm trái chiều 100-200 đồng/kg tại các địa phương

Cập nhật giá cà phê trong nước hôm nay 22/3, tại các địa phương trọng điểm.

Tỉnh/huyện

Giá thu mua

LÂM ĐỒNG

— Lâm Hà ROBUSTA

31.600 (VNĐ/Kg)

— Bảo Lộc ROBUSTA

31.600

— Di Linh ROBUSTA

31.500

ĐẮK LẮK

— Cư M'gar ROBUSTA

32.500

— Ea H'leo ROBUSTA

32.700

— Buôn Hồ ROBUSTA

32.500

GIA LAI

— Pleiku ROBUSTA

32.400

— Ia Grai ROBUSTA

32.400

— Chư Prông ROBUSTA

32.300

ĐẮK NÔNG

— Đắk R'lấp ROBUSTA

32.300

— Gia Nghĩa ROBUSTA

32.400

KON TUM

— Đắk Hà ROBUSTA

32.300

HỒ CHÍ MINH

— R1

33.800

Hai tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 271.000 tấn, tương ứng với 474 triệu USD, giảm 18% về lượng; và hơn 15% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đây là cà phê xuất thô, còn giá trị cà phê qua chế biến đang có nhiều dấu hiệu tích cực, mang đến những cơ hội cho người trồng cà phê Việt Nam.

Châu Âu đang là thị trường tiêu thụ sản phẩm cà phê Việt Nam lớn nhất, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng trị giá xuất khẩu cả nước (trung bình giá trị xuất khẩu càphê sang EU đạt 1,2-1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua).

Đặc biệt, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã được hỗ trợ bởi hiệp định EVFTA. Khi xuất khẩu sang châu Âu đã được xóa bỏ thuế cho toàn bộ cho các sản phẩm cà phê chưa rang hoặc đã rang (giảm từ 7 – 11% xuống 0%); các loại cà phê chế biến từ giảm 9 – 12% xuống còn 0%, tạo lợi thế cho cà phê Việt Nam.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vùng sản xuất cà phê lớn nhất thế giới là Bzazil giảm mạnh về số lượng, còn Việt Nam là vùng sản xuất đứng thứ 2 thế giới, lại khống chế tốt dịch bệnh và duy trì sản xuất ổn định nên đã tạo ra cơ hội để Việt Nam vươn lên chiếm lĩnh thị trường.