Giá cà phê robusta sụt giảm liên tiếp phiên thứ ba chính thức mất mốc 1.500. (Nguồn: Broadcastcoffee) |
Cập nhật diễn biến giá cà phê hôm nay 23/5
Kết thúc phiên giao dịch tuần này (ngày 21/5) trên các sàn phái sinh quốc tế, giá cà phê robusta sụt giảm liên tiếp phiên thứ ba chính thức mất mốc 1.500. Giá cà phê arabica cũng trong xu hướng giảm. Giao dịch không sôi động và đều cầm cự ở dưới mức trung bình.
Ghi nhận tại phiên đóng cửa tuần, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London đã chính thức rời xa ngưỡng 1.500 USD. Giá cà phê kỳ hạn giao tháng 7, giảm 12 USD (0,81%), xuống 1.478 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 9 cũng giảm 12 USD (0,79%), xuống còn 1.503 USD/tấn. Khối lượng giao dịch giảm mạnh.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York cũng theo đà giảm. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 7 giảm 0,85 Cent (0,56%), xuống 150,1 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 giảm 0,85 Cent (0,56%), xuống 152,1 Cent/lb. Khối lượng giao dịch thấp.
Phân tích thị trường
Giá cà phê trong nước gần như không biến động, tại hầu hết các địa phương trọng điểm trong phiên giao dịch cuối tuần này (22/5).
|
Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa đưa ra dự báo sản lượng cà phê toàn cầu giảm, sản lượng năm nay ước đạt 164,31 triệu bao, giảm 13,17 triệu bao so với trước 177,48 triệu bao. Trong đó, Brazil là 56,3 triệu bao, Việt Nam 30,83 triệu, Colombia 14,1 triệu, Indonesia 10,63 triệu, Uganda 4,80 triệu bao...
Xuất khẩu cà phê Việt Nam 6 tháng đầu niên vụ ước đạt 11 triệu bao, giảm 13%. Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đều giảm nhập khẩu, như Đức giảm 23,3%, Italy giảm 18,5% và Mỹ giảm 17,9% do dịch Covid-19, đồng thời tình trạng thiếu container rỗng và cước tàu biển quá cao.
Tuy vậy, sức tiêu thụ trong nước không nhiều biến động, thậm chí thị trường đang có nhiều tín hiệu mở rộng. Cà phê ngon, chất lượng, thực sự đã giúp giá cà phê nguyên liệu trong nước không giảm mạnh theo thị trường thế giới như những năm trước. Bất chấp những hạn chế của đại dịch, cuộc đua mở thêm cửa hàng giữa các thương hiệu cà phê vẫn tiếp tục diễn ra.
Chỉ sau 5 tháng có mặt tại Việt Nam, chuỗi cà phê Café Amazon của Thái Lan vừa công bố kế hoạch mở thêm nhiều cửa hàng trên toàn quốc trong năm nay. Một đại diện của chuỗi cà phê này cho biết, Việt Nam vẫn là điểm nhấn đáng chú ý để đầu tư, ngay cả trong bối cảnh khủng hoảng y tế toàn cầu.
Hiện tại, Café Amazon có 5 cửa hàng, 2 thành phố Hồ Chí Minh và 3 tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh.
Trong khi đó, Starbucks cũng đang xúc tiến việc mở các cửa hàng mới tại Việt Nam sau hơn một năm bị trì hoãn kế hoạch do đại dịch. Từ đầu năm 2020, Starbucks mới mở thêm 6 cửa hàng mới, nâng tổng số cửa hàng tại Việt Nam lên 68. Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam Patricia Marques cho biết, sức mua của người tiêu dùng trong nước phục hồi nhanh chóng sau mỗi đợt cao điểm của đại dịch. Do đó, các thương hiệu không nhất thiết phải đợi du khách hay chuyên gia nước ngoài quay lại, mà có thể thu hút lượng khách nội địa mới bù đắp.
Bà Marques cho biết thêm, “Starbucks Việt Nam đã chọn mở các cửa hàng mới tại các khu vực đông dân cư, thay vì tập trung vào các khu trung tâm thương mại với giá thuê mặt bằng đắt đỏ như một chiến lược kinh doanh mới trong năm nay”.