📞

Giá cà phê hôm nay 23/7/2024: Giá cà phê tăng mạnh đầu tuần, thị trường bị đưa đẩy bởi một yếu tố, lo ngại trung và dài hạn vẫn chực chờ

Gia An 13:52 | 23/07/2024
Thị trường đang lo ngại sản lượng tại Brazil - quốc gia trồng arabica hàng đầu thế giới này năm nay sẽ tiếp tục suy yếu, làm tăng thêm căng thẳng nguồn cung cà phê trên thị trường toàn cầu, tiếp tục tác động mạnh lên robusta vốn đang hao hụt.

Giá cà phê hôm nay 23/7/2024

Giá cà phê thế giới tăng mạnh trên cả hai sàn London và New York khi các quỹ và giới đầu cơ quay lại mua vào trong đầu tuần này, tuần trước họ đã bán ra mạnh. Giá cà phê arabica tăng do vị thế kinh doanh.

Giá cà phê trong nước tăng từ 400 - 600 đồng/kg đưa mức giá giao dịch lên khoảng 126.500 - 127.200 đồng/kg trong phiên giao dịch đầu tuần. Hoạt động giao dịch tại Việt Nam vẫn chậm chạp trong bối cảnh nguồn cung thấp và giá chào bán cao.

Tình hình thị trường hiện diễn ra đúng như giới chuyên gia trong ngành cho biết - điều đáng ngại nhất và cũng sẽ tác động đối với giá cà phê nhiều nhất lúc này chính là những đợt thanh lý vị thế mua mà những nguồn vốn và nhà đầu cơ sẽ thực hiện trong tương lai. Mỗi lần như thế giá cà phê sẽ thay đổi rất mạnh cho đến khi có một thông tin gì mới mẻ tác động lên.

Giá cà phê trên các sàn thế giới tăng ngay đầu tuần này còn do các cơ quan khí tượng dự báo về lượng mưa tại các vùng trồng cà phê lớn của Brazil, theo đó Somar Meteorologia đưa ra báo cáo cho biết khu vực Minas Gerais của Brazil không có mưa vào tuần trước.

Ngoài ra, một số tổ chức dự báo cà phê đang thu hoạch của Brazil có thể giảm sản lượng so với tính toán trước đó. Safras & Mercado đã cắt giảm ước tính sản lượng cà phê niên vụ 2024/25 của Brazil xuống còn 66 triệu bao, so với ước tính trước đó là 70,4 triệu bao, với lý do nhiệt độ trên mức trung bình và hạn hán đã làm giảm sản lượng cà phê. Nhiệt độ cao hơn mức trung bình và thời kỳ khô hạn vào cuối năm ngoái, vào thời điểm quan trọng để phát triển cây trồng, đã ảnh hưởng đến năng suất của các đồn điền cà phê, chủ yếu ở Espírito Santo.

Trong đợt cập nhật dự báo mới nhất về vụ mùa 24/25 của Brazil, Rabobank cũng đã đưa ra báo cáo sửa đổi mức sản lượng có khả năng đạt 67,10 triệu bao. Bản sửa đổi này cũng thấp hơn khoảng 3,87% so với ước tính trước đó của chính họ.

Bên cạnh đó thông tin các cảng chính của Brazil tiếp tục báo cáo về tình trạng hạn chế số lượng container và tàu, cũng như các thay đổi về tuyến đường vận chuyển dẫn đến sự chậm chễ trong giao hàng. Điều này cấy vào chi phí hàng hoá khiến cà phê tăng mạnh thời gian qua.

Giá cà phê trong nước giao dịch ngày 22/7 tăng 400 - 600 đồng/kg tùy từng địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Getty Images)

Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam chốt phiên giao dịch đầu tuần (22/7), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London tăng, kỳ hạn giao hàng tháng 9/2024 tăng 51 USD, giao dịch tại 4.581 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 11/2024 tăng 52 USD giao dịch tại 4.407 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York tăng mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 9/2024 tăng 4,85 Cent, giao dịch tại 243,05 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 12/2024 tăng 4,6 Cent, giao dịch tại 241,30 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình cao.

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nước giao dịch ngày 22/7 tăng 400 - 600 đồng/kg tùy từng địa phương thu mua trọng điểm. Đơn vị tính: VND/kg

Giá trung bình

Trung bình

Tỷ giá USD/VND

25.144

+ 16

ĐẮK LẮK

127.000

+ 400

LÂM ĐỒNG

126.500

+ 500

GIA LAI

127.000

+ 500

ĐẮK NÔNG

127.200

+ 600

(Nguồn: giacaphe.com)

Giá cà phê robusta vẫn trên đà tăng cho thấy mối lo nguồn cung của thị trường trong trung hạn vẫn luôn chực chờ.

Theo VITIC, hạn hán ảnh hưởng đến vụ thu hoạch cà phê và xung đột ở Biển Đỏ đang diễn ra đẩy giá cà phê thế giới tăng, đồng thời ảnh hưởng đến việc giao cà phê đến châu Âu. Các quy định mới về sản xuất cà phê và phá rừng khiến một tách cà phê trở nên đắt đỏ hơn.

Các quy định về phá rừng mới được EU áp dụng gần đây có thể khiến hàng nghìn tấn cà phê xuất khẩu sang EU có thể sớm bị từ chối, do chúng được sản xuất trên đất rừng mới bị chặt phá gần đây.

Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt cà phê arabica do biến đổi khí hậu cũng sẽ đẩy nhu cầu đối với cà phê robusta lên cao vì các nhà rang xay sẽ cần đa dạng hóa sản phẩm của mình.

Theo tính toán, kết thúc 9 tháng đầu niên vụ 2023/24 (từ tháng 10/2023 đến tháng 6/2024), Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,26 triệu tấn cà phê, đạt khoảng 86% trong tổng số sản lượng 1,47 triệu tấn của niên vụ hiện tại và giảm hơn 11% so với cùng kỳ niên vụ trước. Nếu không tính hàng tồn kho từ năm ngoái chuyển sang thì Việt Nam chỉ còn lại khoảng 210.000 tấn cà phê để xuất khẩu trong 4 tháng tới cho đến khi vụ thu hoạch mới diễn ra.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong quý II vừa qua đã giảm 32,4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 308.124 tấn. Mặc dù vậy, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vẫn tăng 8,5% lên 1,26 tỷ USD nhờ giá bán tăng cao. Dự báo, xuất khẩu cà phê của Việt Nam từ thời điểm hiện tại đến tháng 9 tới sẽ giảm dần, do nguồn cung cạn kiệt.