📞

Giá cà phê hôm nay 24/1: Tình trạng dư cung vẫn đe dọa cà phê robusta; Thị trường Nga tăng nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam

Xuân Tiên 05:00 | 24/01/2021
TGVN. Hai sàn cà phê phái sinh đều giảm sâu trong phiên giao dịch cuối tuần. Trong đó, giá cà phê robusta liên tiếp sụt giảm do lo ngại tình trạng dư cung. Giá hồ tiêu nhập khẩu vào thị trường Nga tăng từ nhà cung cấp Việt Nam.
Giá cà phê trên 2 sàn phái sinh đồng loạt giảm, lo ngại tình trạng dư cung. (Nguồn: Spectrumnutrition)

Cập nhật giá cà phê hôm nay

Trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần này, giá cà phê trên 2 sàn phái sinh đồng loạt giảm. Nguyên nhân, do trong báo cáo đầu tiên của năm 2021, cơ quan Thống kê Nông nghiệp Brazil cho hay vụ thu hoạch cà phê năm nay sẽ giảm 21,4 - 30,5% xuống 43,9 - 49,6 triệu bao so với năm 2020. Tuy nhiên sản lượng cà phê robusta của nước này sẽ ít bị ảnh hưởng bởi chu kỳ trồng trọt hai năm một lần, có thể tăng lên, do sự cải thiện diện tích và phát triển nhiều giống mới cho năng suất cao hơn.

Tại Brazil, cà phê robusta thu hái vào khoảng tháng 4 hàng năm, đây là thời điểm trùng với lịch thu hoạch của Indonesia. Năm nay, lượng bán hàng đầu vụ của Việt Nam chưa nhiều do dịch bệnh gây khó khăn trong xuất khẩu. Nên vào thời điểm 2 quốc gia trên thu hoạch, hàng của Việt Nam còn khá nhiều. Lo ngại tình trạng dư cung khiến giá cà phê robusta liên tiếp sụt giảm những phiên gần đây.

Với cà phê arabica, báo cáo của Cơ quan Thống kê Nông nghiệp Brazil cho thấy, chắc chắn sẽ sụt giảm. Điều này là yếu tố ảnh hưởng tích cực lên giá trên sàn New York. Tuy nhiên, vẫn còn những yếu tố khác khiến nhà đầu cơ chuyển dòng tiền ra khỏi thị trường hàng hóa, chẳng hạn căng thẳng chính trị Mỹ -Trung gia tăng và việc Chính quyền Tổng thống Joe Biden mạnh tay hơn trong ngăn chặn dịch Covid-19.

Tại phiên đóng cửa tuần này, giá cà phê robusta niêm yết trên sàn ICE Futures Europe_London (Anh) tiếp tục giảm ở tất cả các thời điểm bàn giao; giá giao tháng 3/2021 giảm 13 USD/tấn (0,98%) so với chốt phiên trước đó, xuống còn 1.310 USD/tấn; giá giao tháng 5/2021 cũng giảm 13 USD/tấn (0,97%) giao dịch ở 1.322 USD/tấn.

Cùng thời điểm khảo sát, giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US – New York (Mỹ) lại quay đầu giảm; giá cà phê kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm 2,25 Cent (1,78%), xuống còn 124,05 Cent/lb; kỳ hạn giao tháng 5 cũng giảm 2,2 Cent (1,71%), chỉ còn 126,2 Cent/lb.

Giá cà phê trong nước hôm nay tiếp tục giảm ở tất cả địa phương trồng cà phê trọng điểm. Hiện tại, mức thu mua đồng loạt giảm 200 đồng/kg, khiến giá cà phê trung bình đã được điều chỉnh về ngưỡng 31.200 đồng/kg. Cụ thể, tại Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum và TP. Hồ chí Minh với khoảng giá ghi nhận từ 31.100 - 32.700 đồng/kg; tại Lâm Đồng dao động trong khoảng 30.800 - 30.900 đồng/kg.

Giá hồ tiêu ổn định trên sàn giao dịch quốc tế

Giá hồ tiêu thế giới ổn định, với giá giao ngay trên sàn trực tuyến NCDEX Kochi (Ấn Độ) hiện ở mức 34.500 Rupee/tạ.

Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng Rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 21/1/2021 đến ngày 27/1/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 316,8 VND/INR.

The Hindu Business Line đưa tin, thị trường hồ tiêu Ấn Độ đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của các mặt hàng tiêu nhập khẩu hạt tiêu từ Sri Lanka. Chuyên gia Kishore Shamji, Điều phối viên của Hiệp hội Những người trồng Tiêu và Gia vị Ấn Độ tại Kerala cho biết, Hiệp hội này đã đệ trình lên Ủy ban Gia vị nhằm thực hiện các bước hạn chế nhập khẩu. Trong hai tuần qua, giá hồ tiêu đã giảm 9 Rupee/kg nhưng hiện đã ổn định trở lại.

Giá hồ tiêu trong nước tiếp tục ổn định quanh mốc trung bình là 51.500 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất là 50.500 đồng/kg có mặt tại tỉnh Gia Lai. Tiếp đến Đồng Nai, Đắk Lắk và Đắk Nông với khoảng từ 51.000 - 51.500 đồng/kg. Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục ghi nhận ngưỡng giao dịch cao nhất theo khảo sát là 53.000 đồng/kg.

Trong 10 tháng năm 2020, Nga tăng nhập khẩu hồ tiêu từ một số thị trường cung cấp chính, như Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, nhưng giảm từ nhiều thị trường cung cấp khác. Trong báo cáo mới đây, Cục Xuất nhập khẩu cho biết theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Nga, nhập khẩu hồ tiêu của nước này trong 10 tháng năm 2020 đạt 8,14 nghìn tấn, trị giá 19,66 triệu USD, giảm 1,0% về lượng và giảm 5,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Giá nhập khẩu bình quân hồ tiêu của Nga trong những tháng này đạt mức 2.415 USD/tấn, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân hồ tiêu của Nga giảm từ nhiều thị trường cung cấp chính, nhưng tăng từ Việt Nam, Brazil, Ba Lan, Đức.