Giá cà phê hôm nay 25/4/2024
Giá cà phê thế giới đồng loạt tăng "gây sốc" trên tất cả các sàn giao dịch quốc tế.
Giá cà phê trong nước vẫn rất nóng, đã chính thức vượt xa mức kỷ lục của mọi kỷ lục 132.000 đồng/kg.
Giá cà phê robusta đã vượt qua mức cao của Thứ Năm tuần trước và trở thành mốc cao nhất trong mọi thời đại, do lo ngại về vụ mùa ở Brazil và nguồn cung từ Việt Nam càng ngày càng eo hẹp, cùng với những thông tin về cây trồng bị thiệt hại nghiêm trọng do hạn hán. Hiện nay vẫn chưa có thông tin nào có thể khiến cho giá cà phê robusta dừng lại. Thực tế rất ít giao dịch hàng thực trên thị trường giai đoạn này.
Cùng với đó, việc liên tục xảy ra các cuộc xung đột quân sự trên thế giới, nhất là tại khu vực Biển Đỏ đã khiến giá cước vận chuyển cà phê đến châu Âu - khu vực tiêu thụ cà phê nhiều nhất thế giới bị đẩy lên cao. Đặc biệt, trên thị trường tài chính quốc tế, nhiều nhà đầu tư đang có xu hướng chọn cà phê (sau dầu mỏ và vàng) để đầu tư, khiến giá cà phê tăng nóng.
Chuyên gia nhận định, thị trường robusta dường như đã miễn nhiễm hoàn toàn với các thông tin kỹ thuật. Giá cà phê robusta và thị trường có lẽ phải chờ phản ứng quyết định của vụ thu mới của Indonesia và Brazil để xem sẽ tác động tới thị trường như thế nào.
Giá cà phê arabica cũng đã được xu hướng tăng không cản được của robusta kéo theo trong phiên hôm qua, sau khi thị trường New York đã có vài phiên rút lui khi có sự thanh lý vị thế mua từ các nguồn quỹ.
Tồn kho cà phê arabica đã qua phân loại được chứng nhận cấp phát trên thị trường New York được cho là đã tăng 7.680 bao vào ngày 24/4, đạt mức tồn kho 647.530 bao.
Giá cà phê trong nước hôm nay 25/4 tiếp tục tăng rất mạnh 2.700 - 3.300 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: YouTube) |
Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam chốt phiên giao dịch ngày 24/4, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London tăng rất mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 7/2024 tăng 149 USD, giao dịch tại 4.266 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 9/2024 tăng 137 USD giao dịch tại 4.181 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York tăng mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 7/2024 giảm 4,05 Cent, giao dịch tại 225,90 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 9/2024 giảm 4,15 Cent, giao dịch tại 224,25 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước hôm nay 25/4 tiếp tục tăng rất mạnh 2.700 - 3.300 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Theo các chuyên gia, tác động của El Nino năm ngoái kéo dài qua đến đầu năm 2024 đang mang lại những hậu quả nặng nề cho cây trồng, đặc biệt là cây cà phê thường cần rất nhiều nước. Cà phê phải đang chống chọi với nạn hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều năm qua tại Việt nam.
Trong khi đó, một số nước trồng khác như Indonesia thời gian qua đã có lượng mưa quá nhiều, được dự báo có thể gây cản trở cho vụ thu 2024 thường bắt đầu sắp tới.
Chuyên gia của Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam (Vicoffa) cho biết, nguyên nhân chính đà tăng mạnh của cà phê là do sản lượng cà phê tồn kho từ niên vụ cũ của Việt Nam thấp nhất trong lịch sử. Những năm trước, năm nào Việt Nam cũng tồn kho khoảng 120.000 - 150.000 tấn. Tuy nhiên, niên vụ 2023, sản lượng tồn kho rất thấp, chỉ bằng 50% so với những năm trước đó. Trong khi đó, sản lượng của niên vụ 2023 - 2024 (tính từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau), cũng ước tính giảm 10% so với niên vụ trước do khô hạn, mất mùa.
Giá cà phê trong nước tăng cao thời gian qua còn bởi vì trên thế giới giai đoạn này chỉ có Việt Nam thu hoạch. Indonesia thì thu hoạch khoảng tháng 4-5, còn Brazil thu hoạch vào tầm tháng 7.
Do dự báo về cung cầu trong tương lai ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu sẽ khiến nguồn cung cà phê của Việt Nam thiếu hụt nên các doanh nghiệp, đại lý, nhà đầu cơ bắt đầu tích trữ hàng, gốp phần đẩy giá cà phê tăng cao. Trong khi đó, theo chia sẻ của lãnh đạo một doanh nghiệp, việc giá cà phê tăng cao khiến doanh nghiệp trở tay không kịp, bởi hợp đồng đã ký buộc doanh nghiệp và các công ty nước ngoài vẫn phải mua để giao hàng. Hiện, 1 tấn cà phê doanh nghiệp phải chịu lỗ hàng chục triệu đồng, trong khi số hợp đồng phải giao hàng trăm đến hàng nghìn tấn.