📞

Giá cà phê hôm nay 26/1: Sàn phái sinh tiếp tục 'nhuốm đỏ'; Giá hồ tiêu thế giới tăng trở lại

Xuân Tiên 05:00 | 26/01/2021
TGVN. Tiếp nối xu hướng giảm từ cuối tuần trước, giá cà phê arabica tiếp tục 'nhuốm đỏ' tại tất cả các thời điểm bàn giao, dù mức giảm không lớn. Cà phê robusta tăng nhẹ trở lại, nhưng có dấu hiệu không bền khi mức tăng ở thời điểm hiện tại không đáng kể. Giá hồ tiêu thế giới tăng trở lại.

Cập nhật giá cà phê hôm nay

Theo ghi nhận của TG&VN, lúc 0h30 ngày 26/1 (giờ Việt Nam) giá cà phê robusta niêm yết trên sàn ICE Futures Europe_London (Anh) tăng ở thời điểm bàn giao tháng 3 và 5, nhưng giảm tại các thời điểm bàn giao xa hơn; giá giao tháng 3/2021 tăng nhẹ 2 USD/tấn (0,15%) so với chốt phiên trước đó, xuống còn 1.312 USD/tấn; giá giao tháng 5/2021 cũng tăng 1 USD/tấn (0,08%) giao dịch ở 1.323 USD/tấn.

Thị trường hồ tiêu xuất khẩu cho thấy phản ứng trái chiều. (Nguồn: Tatanutrikorner)

Cùng thời điểm khảo sát, giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US – New York (Mỹ) lại quay đầu giảm; giá cà phê kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm 1,05 Cent (0,85%), xuống còn 123,15 Cent/lb; kỳ hạn giao tháng 5 cũng giảm 1,05 Cent (0,83%), chỉ còn 125,25 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng nhẹ.

Đồng Reais của Brazil suy yếu trở lại do dịch bệnh covid-19 lây lan mạnh trong nước và việc triển khai vaccine tiêm chủng hết sức chậm chạp, gây nên mối lo nền kinh tế Brasil sẽ chậm hồi phục. Giá cà phê hai sàn đảo chiều giảm trở lại cho dù thị trường vẫn còn nguyên mối lo nguồn cung vụ sắp tới của Brasil sụt giảm, mà mới nhất là báo cáo của Công ty phân phối thực phẩm quốc gia (Conab) của Bộ Nông nghiệp Brazil.

Tuy nhiên, thị trường đã không diễn tiến như mọi suy đoán khi giá cà phê tiếp tục suy yếu phiên cuối tuần do mối lo nền kinh tế toàn cầu vẫn suy thoái vì dịch bệnh leo thang, báo cáo cho thấy số người lây nhiễm covid-19 dường như không có điểm dừng sẽ khiến sự hồi phục kinh tế ở nhiều nước vẫn còn bị trì hoãn. Trong khi đó, báo cáo việc triển khai tiêm chủng chậm chạp và đã có một vài loại vaccine chưa đạt hiệu quả như mong muốn, nhất là khi đối phó với các biến thể mới của virus gây bệnh Covid-19.

Tính chung trong 6 tháng đầu của niên vụ cà phê hiện tại 2020/2021 (từ tháng đầu 7 đến hết tháng 12/2020), Brazil đã xuất khẩu tổng cộng 22,47 triệu bao, tăng 23,04% so với mức trung bình 5 năm cùng kỳ. Thị trường cũng bắt đầu thể hiện sự quan ngại khi dự kiến tồn kho mang sang vụ mới sẽ ở mức thấp do khối lượng xuất khẩu liên tục đạt mức kỷ lục trong mấy tháng gần đây, trong khi Brazil đang đối diện với một vụ mùa mới với sản lượng được dự kiến ở mức thấp kỷ lục.

Tồn kho cà phê robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát, tính đến ngày 18/1, đã giảm 100 tấn, tức giảm 0,07 % so với một tuần trước đó, xuống đăng ký ở 141.870 tấn (tương đương 2.364.500 bao, bao 60 kg)

Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) mới nhất từ thị trường cà phê arabica ở New York cho thấy, tính đến ngày 12/1, bộ phận đầu cơ phi thương mại đã giảm vị thế mua ròng bớt 26,67% xuống đăng ký mua ròng ở 16.014 lô, tương đương với 4.539.898 bao.

Báo cáo CFTC mới nhất từ thị trường cà phê robusta tại London cho thấy, tính đến cùng kỳ báo cáo, đầu cơ ngắn hạn của các Quỹ quản lý tiền đã chuyển đổi vị thế mua ròng sang đăng ký bán ròng ở 7.173 lô, tương đương với 1.195.500 bao.

Giá cà phê thu mua tại thị trường nội địa tăng giảm trái chiều tại một số địa phương. Cụ thể, tại Lâm Đồng, Gia Lai cùng tăng 100 đồng/kg, lần lượt giao dịch lên mốc 30.900 đồng/kg và 31.200 đồng/kg. Ở chiều ngược lại, Kon Tum, Lâm Đồng và Gia Lai lại giảm 100 đồng/kg so với cuối tuần trước, hiện thu mua trong khoảng từ 30.800 - 31.100 đồng/kg.

Giá hồ tiêu thế giới tăng trở lại

Giá hồ tiêu thế giới tăng trở lại, lúc 1h00 ngày 26/1 (giờ Việt Nam), giá hồ tiêu thế giới giao ngay trên sàn trực tuyến NCDEX Kochi (Ấn Độ) tăng 111,43 Rupee/tạ (0,36%), giao dịch ở 34.614,3 Rupee/tạ.

Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng Rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 21/1/2021 đến ngày 27/1/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 316,8 VND/INR.

Thị trường hồ tiêu xuất khẩu trong tuần vừa qua cho thấy phản ứng trái chiều. Cụ thể, tiêu đen Ấn Độ được báo cáo ổn định ở mức trung bình là 4.718 USD/triệu tấn. Khác với thị trường nội địa, giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Indonesia cùng tăng 1% so với tuần trước, lần lượt đạt ngưỡng 3.009 USD/triệu tấn và 4.950 USD/triệu tấn.

Trái lại, tiêu trắng của Trung Quốc ghi nhận mức thâm hụt 1%, hiện được giao dịch tại mốc trung bình là 5.088 USD/triệu tấn. Các mặt hàng tiêu đen xuất khẩu của Malaysia được giao dịch ổn định trong cùng thời điểm khảo sát, International Pepper Community đưa tin.

Tại thị trường trong nước, giá hồ tiêu tăng nhẹ 500 đồng/kg, hiện vẫn ổn định tại mốc trung bình là 51.500 đồng/kg. Trong đó, tại Gia Lai ghi nhận mức giá 51.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại giao dịch ổn định trong khoảng từ 51.000 - 53.000 đồng/kg.