📞

Giá cà phê hôm nay 28/3/2024: Giá cà phê thế giới tiếp tục phá đỉnh, trong nước tăng mạnh 4 phiên liên tiếp, mối lo của cà phê Việt

Gia An 13:52 | 28/03/2024
Giới phân tích dự báo, đến một thời điểm nào đó, Brazil có thể vượt qua Việt Nam để trở thành nhà sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới. Đây thực sự là thách thức cho ngành cà phê Việt Nam. Những năm gần đây, diện tích và sản lượng của Việt Nam đều bị thu hẹp dần do nhiều nguyên nhân.

Giá cà phê hôm nay 28/3/2024

Giá cà phê thế giới đồng loạt tăng rất mạnh trên tất cả các sàn kỳ hạn, khi nhu cầu tăng cao trên toàn cầu.

Như vậy, giá cà phê robusta đã tăng mạnh đến hơn 3% tại sàn London. Đà tăng được hỗ trợ sau thông tin về các nguồn cung chủ chốt ở châu Á thông báo giảm mạnh. khi Hiệp hội Cà phê - cao cao Việt Nam (Vicofa) dự báo xuất khẩu cà phê niên vụ 2023/2024 của Việt Nam sẽ giảm 20% so với niên vụ trước, xuống còn 1,336 triệu tấn do thời tiết khô hạn làm giảm năng suất và sản lượng cà phê. Điều tương tự cũng đang xảy ra đối với các nguồn cung Ấn Độ, Indonesia...

Tồn kho trên sàn những ngày này về hàng đều, nhưng không thể bù đắp lượng thiếu hụt. Tồn kho cà phê robusta giảm xuống 6,7 triệu bao trong tháng 2/2024, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước. Tồn kho gần như cạn kiệt khiến lo ngại thiếu hụt nguồn cung trở nên nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, xung đột địa chính trị, căng thẳng ở khu vực Biển Đỏ khiến cước vận chuyển và nhiều chi phí tăng. Tình hình thị trường tài chính đang khiến nhiều nhà đầu tư chọn cà phê (sau dầu mỏ và vàng) để đầu cơ, khiến giá nông sản này đắt thêm.

Giá cà phê trong nước tăng ngày thứ 4 liên tiếp, cao nhất 99.200 đồng/kg ghi nhận tại Đắk Nông, tăng hơn 110% so với cùng kỳ năm ngoái và đang được chuyên gia dự báo cán mốc 100.000 đồng/kg ngay trong tuần này. Số lượng cà phê tích trữ trong dân đã bắt đầu cạn, khan hiếm. Xét thêm tình hình thời tiết chuyển biến bất lợi cho cây trồng, dự báo vụ mùa sắp tới sản lượng sẽ giảm dẫn đến nguồn cung khan hiếm hơn, đây là mối lo lớn nhất của doanh nghiệp.

Giá cà phê trong nước hôm nay 28/3 tiếp tục tăng mạnh 1.000 - 1.100 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Dailycoffeenews)

Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam chốt phiên giao dịch 27/3, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London tiếp tục tăng mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 5/2024 tăng 94 USD, giao dịch tại 3.559 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 7/2024 tăng 92 USD giao dịch tại 3.467 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình thấp.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York tăng, kỳ hạn giao hàng tháng 5/2024 tăng 2,6 Cent, giao dịch tại 190,65 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2024 tăng 2,65 Cent, giao dịch tại 189,90 Cent/lb. Khối lượng giao dịch cao.

Ngày mai 29/3, sàn giao dịch cà phê thế giới nghỉ Thứ Sáu Tuần Thánh của các quốc gia Thiên Chúa giáo.

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nước hôm nay 28/3 tiếp tục tăng mạnh 1.000 - 1.100 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm.

Giá trung bình

Trung bình

Tỷ giá USD/VND

24.590

0

ĐẮK LẮK

99.000

+ 1.000

LÂM ĐỒNG

98.700

+ 1.000

GIA LAI

99.000

+ 1.000

ĐẮK NÔNG

99.200

+ 1.100

Đơn vị tính: VND/kg.

(Nguồn: Giacaphe.com)

Trên thế giới, một số nhà bán lẻ đang thay thế cà phê arabica bằng cà phê robusta nhằm tránh giá bán lẻ tăng vọt. Nhu cầu ngày càng tăng đang thắt chặt nguồn cung robusta, dẫn đến giá cao hơn.

Brazil vốn dẫn đầu về sản lượng và xuất khẩu arabica, nhưng gần đây cũng muốn thống trị luôn thị phần của cà phê robusta - nơi Việt Nam là số 1.

Brazil dự kiến đạt mức tăng sản lượng cà phê hàng năm lần thứ 3 trong năm 2024. Đây sẽ là chuỗi tăng sản lượng 3 năm liên tiếp hiếm hoi, chỉ xảy ra 7 lần trong lịch sử 144 năm của ngành cà phê.

Trong những năm gần đây, Brazil đã mở rộng diện tích cà phê robusta, vốn được sử dụng phổ biến cho các sản phẩm hòa tan. Mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và xu hướng tăng uống cà phê ở tầng lớp trung lưu của đất nước tỷ dân này càng làm cho vai trò của cà phê Brazil được nâng cao.

Một số khách hàng lớn đang hạn chế mua cà phê robusta từ Việt Nam do chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng tăng cao trong bối cảnh biến động ở Biển Đỏ. Thay vào đó, họ tìm kiếm thêm nguồn cung từ Brazil.