📞

Giá cà phê hôm nay 28/7/2024: Giá cà phê giảm mạnh tuần qua, quỹ đầu cơ tái cơ cấu danh mục đầu tư, dự báo thị trường thời gian tới?

Gia An 13:52 | 28/07/2024
Giá cà phê trong nước neo cao nhiều tháng qua tạo sức hút mạnh mẽ khiến nông dân tại nhiều địa phương bắt đầu quay trở lại với cây cà phê. Sau khi đạt mức đỉnh lịch sử trên 130.000 đồng/kg, dù có biến động lên xuống, song giá cà phê vẫn neo ở mức khá cao.

Giá cà phê hôm nay 28/7/2024

Giá cà phê thế giới sau hai tuần tăng mạnh đầu tháng 7, liên tục sụt giảm vào cuối tháng do các quỹ và giới đầu cơ xả hàng.

Giá cà phê trong nước giảm mạnh 1.400 - 1.500 đồng/kg phiên cuối tuần này, hiện giao dịch trong khoảng 123.400 - 124.000 đồng/kg. Giá cà phê nội địa mất trung bình 2.000 đồng/kg.

Tuần trước, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 9 giảm 87 USD/tấn; giá cà phê arabica giảm 10,55 Cent/lb. Tuần này, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 9 giảm 228 USD/tấn, arabica giảm 8,05 Cent/lb. Như vậy, sau 2 tuần giá cà phê robusta đã giảm tới hơn 300 USD/tấn.

Theo các chuyên gia trong ngành, tuần này xu hướng giảm trong ngắn hạn trở nên rõ rệt, khi các quỹ và đầu cơ tiếp tục xả hàng, cơ cấu lại danh mục đầu tư sau 2 tuần tăng mạnh đầu tháng. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết thuận lợi tại vùng Tây Nguyên của Việt Nam và Brazil làm vơi bớt mối lo sản lượng vụ sau. Trong đó, tiến độ thu hoạch nhanh của Brazil và hàng tồn kho tăng trên 2 sàn cũng là những nguyên nhân đẩy cà phê tiếp tục giảm tuần này.

Theo Hãng tư vấn Sfras&Mercado, tính đến ngày 17/7, Brazil đã thu hoạch 74% sản lượng cà phê vụ 2024/25, cao hơn mức 66% của cùng kỳ năm ngoái và 70% của trung bình 5 năm gần nhất. Thời tiết khô ráo dự kiến sẽ khiến nông dân Brazil đẩy nhanh tốc độ, hướng tới việc hoàn thành sớm hoạt động thu hoạch vụ này.

Tuy nhiên, về dài hạn, tình hình thời tiết phức tạp tại các nước sản xuất cà phê chính như Brazil và Việt Nam trực tiếp gây ảnh hưởng đến sản lượng cà phê trong niên vụ 2024/2025, mà dự báo phần lớn là sản lượng giảm mạnh. Trong khi đó, nếu không tính hàng tồn kho từ năm ngoái chuyển sang, Việt Nam chỉ còn lại khoảng 210.000 tấn cà phê để xuất khẩu trong 4 tháng tới cho đến khi vụ thu hoạch mới diễn ra vào tháng 11/2024.

Theo một số doanh nghiệp, hiện sản lượng cà phê tồn kho trong nước không còn nhiều, chủ yếu để phục vụ thị trường nội địa. Các doanh nghiệp không dám mạo hiểm ký hợp đồng mới khi giá cả liên tục biến động mạnh cùng với đó là chi phí vận chuyển khá cao.

Giá cà phê trong nước phiên cuối tuần (ngày 27/7) giảm mạnh 1.400 - 1.500 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Shutterstock)

Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam chốt phiên giao dịch cuối tuần (ngày 26/7), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London tiếp tục giảm sâu, kỳ hạn giao hàng tháng 9/2024 giảm 93 USD, giao dịch tại 4.302 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 11/2024 giảm 92 USD giao dịch tại 4.150 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York giảm, kỳ hạn giao hàng tháng 9/2024 giảm tiếp 4,45 Cent, giao dịch tại 230,25 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 12/2024 giảm 4,40 Cent, giao dịch tại 229,15 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình cao.

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nước phiên cuối tuần (ngày 27/7) giảm mạnh 1.400 - 1.500 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm. Đơn vị tính: VND/kg

Giá trung bình

Trung bình

Tỷ giá USD/VND

25.091

0

ĐẮK LẮK

123.800

- 1.500

LÂM ĐỒNG

123.400

- 1.400

GIA LAI

123.700

- 1.500

ĐẮK NÔNG

124.000

- 1.500

(Nguồn: giacaphe.com)

Giá cà phê lên cao, người trồng năm nay có được lợi nhuận khá tốt, tạo sức hút nhiều nông dân đến với cây cà phê. Song, giới phân tích khuyến cáo, nông dân cũng không nên nóng vội chuyển đổi cây trồng, việc phát triển cây cà phê cần theo hướng bền vững để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thị trường cũng như giữ vị thế của cà phê Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo phân tích, trước đây, nông dân ở một số khu vực Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đã từng ồ ạt chặt bỏ cây cà phê, để chuyển sang trồng sầu riêng. Nay cà phê được giá, đem lại lợi nhuận tốt cũng không ít nông dân có ý định chuyển cây trồng khác sang cà phê. Việc chuyển đổi cây trồng thiếu tính toán, thiếu kiểm soát, vì lợi nhuận nhất thời và không theo định hướng từ các cơ quan chuyên môn đã được các địa phương, chuyên gia cảnh báo là có thể đem lại rất nhiều rủi ro trong tương lai.

Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, nông dân chỉ nên trồng tái canh cây cà phê trên những diện tích già cỗi, kém hiệu quả. Nông dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích trồng mới để giữ ổn định ngành cà phê. Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cũng khuyến cáo bà con giữ ổn định diện tích canh tác. Không nên thấy giá cao mà tập trung đầu tư, mở rộng vùng trồng.

Trong khi đó, thị trường xuất khẩu chủ lực của cà phê Việt Nam là châu Âu ngày càng có những yêu cầu rất khắt khe về chất lượng, tính bền vững trong sản xuất..., điển hình là Quy định chống mất rừng (EUDR) của EU sẽ được áp dụng vào tháng 1/2025.