📞

Giá cà phê hôm nay 30/1: Giá robusta đột ngột đảo chiều, cuộc cạnh tranh khốc liệt với cà phê Brazil tiếp diễn

Xuân Tiên 05:10 | 30/01/2021
TGVN. Giá cà phê robusta quay đầu tăng nhẹ, trong khi giá cà phê arabica tiếp tục giảm. Giá trong nước giảm đồng loạt 200 đồng/kg tại các tỉnh Tây nguyên, dao động trong khung 30.900 – 31.500 đồng/kg
Giá cà phê robusta kỳ hạn niêm yết trên sàn ICE Futures Europe_London (Anh) ngày 30/1 quay đầu tăng nhẹ ở tất các các thời điểm bàn giao.

Cập nhật giá cà phê quốc tế

Giá cà phê robusta kỳ hạn niêm yết trên sàn ICE Futures Europe_London (Anh) quay đầu tăng nhẹ ở tất các các thời điểm bàn giao. Theo ghi nhận của TG&VN, lúc 0h02 ngày 30/1 (giờ Việt Nam) giá giao tháng 3/2021 tăng 4 USD/tấn (0,31%) so với chốt phiên trước đó, lên 1.307 USD/tấn; giá giao tháng 5/2021 cũng tăng thêm 6 USD/tấn (0,46%) giao dịch ở 1.319 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.

Cùng thời điểm khảo sát, giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US – New York (Mỹ) tiếp tục giảm, sắc đỏ xuất hiện ở tất cả các kỳ hạn bàn giao; giá cà phê giao ngay tháng 3 giảm 1,55 Cent (1,25%), xuống 122,45 Cent/lb; kỳ hạn giao tháng 5 cũng giảm 1,55 Cent (1,23%), xuống 124,55 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng, đặc biệt tăng mạnh ở kỳ hạn bàn giao tháng 3/2021.

Trong khi đó, giá cà phê trong nước giảm đồng loạt 200 đồng/kg tại các tỉnh Tây nguyên, dao động trong khung 30.900 – 31.400 đồng/kg.

Nơi cao nhất là 31.500 đồng/kg tại Cư M'gar (Đắk Lắk), giá thấp nhất 30.800 đồng/kg tại Di Linh (Lâm Đồng). Cụ thể, tại Lâm Đồng, giá cà phê thu mua dao động trong khoảng 30.800 - 30.900 đồng/kg; tại Đắk Lắk trong khoảng 31.300 - 31.500 đồng/kg; tại Đắk Nông 31.100 - 31.200 đồng/kg; tại Gia Lai trong mức 31.100 - 31.200 đồng/kg; tại Kon Tum giá thu mua ổn định ở 31.000 đồng/kg.

Giá cà phê robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.393 USD/tấn, FOB – HCM, với mức chênh lệch cộng 70 – 80 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 5 tại London.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục phải cạnh tranh khốc liệt với Brazil. Để giành và giữ thị phần xuất khẩu. Tuy nhiên, để vươn lên vị trí hàng đầu thế giới, doanh nghiệp ngành này phải có những bước đi chiến lược trong việc tăng chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm cũng như gia tăng tiếp cận nội địa.

Xuất khẩu cà phê robusta của Việt Nam hiện chiếm khoảng 60% thị phần toàn thế giới. Trong khi đó Brazil cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm này. Khối lượng xuất khẩu của Brazil tăng rất nhanh, cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của Việt Nam, họ còn nắm ưu thế giá rẻ.

Năm qua ngành cà phê cũng đón nhận những tín hiệu tích cực ở mảng cà phê hòa tan, cà phê rang xay do người tiêu dùng chuyển sang mua về nhà sử dụng trong mùa dịch bệnh Covid-19. Đáng chú ý, một số thị trường như Nhật Bản, Malaysia, EU đã ghi nhận sự tăng trưởng tốt. Trong đó, thị trường Nhật Bản tăng 15,4%, đạt 170,3 triệu USD; Malaysia tăng 15,2%, đạt 65,3 triệu USD; riêng tại EU, nhờ lợi thế của FTA Việt Nam - EU (EVFTA), nhiều doanh nghiệp trong ngành đã bắt đầu xây dựng nhà máy để hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu qua các nước EU.