Cập nhật giá cà phê hôm nay
Giá cà phê arabica giao dịch tháng 3/2021 tăng 1,85 Cent/lb (1,5%) ở mức 125,15 Cent/lb, giao tháng 5/2021 tăng 1,7 Cent/lb (1,36%) ở mức 127 Cent/lb. |
Giá cà phê thế giới hôm nay 30/12 tăng nhẹ trên cả hai sàn giao dịch lớn nhất.
Sàn giao dịch cà phê robusta tại London đã trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Boxing Day. Kết thúc phiên giao dịch mới nhất, giá cà phê robusta giao tháng 1/2021 tăng 1 USD/tấn (0,07%), giao dịch ở mức 1.370 USD/tấn, giao tháng 3/2021 giữ nguyên ở mức 1.383 USD/tấn.
Tại sàn New York sáng nay (giờ Việt Nam), Mỹ, giá cà phê Arabica tiếp tục tăng nhẹ so với giá được ghi nhận cuối giờ ngày hôm qua, giá giao tháng 3/2021 hiện tăng 2,05 Cent/lb (1,66%) ở mức 125,4 cent/lb, giao tháng 5/2021 tăng 2 Cent/lb (1,6%) ở mức 127,3 Cent/lb. Trước đó, lúc 22g 00 (giờ Việt Nam) ngày 29/12, giá cà phê arabica giao dịch tháng 3/2021 tăng 1,85 Cent/lb (1,5%) ở mức 125,15 Cent/lb, giao tháng 5/2021 tăng 1,7 Cent/lb (1,36%) ở mức 127 Cent/lb; giao tháng 7/2021 tăng 1,8 Cent/lb (1,42%) ở mức 128,7 Cent/lb; giao tháng 9/2021 tăng 2 Cent/lb (1,56%) ở mức 130,4 Cent/lb.
Giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ giảm nhẹ, cộng với đồng USD mất giá giúp các sàn giao dịch nông sản tăng điểm. Hiện tại, giá cà phê Arabica tại Brazil đang duy trì ở ngưỡng khá cao, và được dự báo có thể còn tăng cao hơn nữa.
Tại thị trường trong nước, giá cà phê đang giao dịch quanh ngưỡng 32.500 - 33.100 đồng/kg. Cụ thể, giá cà phê tại Lâm Đồng cùng thu mua ở mức 32.500 đồng/kg; tại Đắk Lắk giá giữ ổn định ở mức 32.900 - 33.100 đồng/kg; tại Đắk Nông, giá cà phê giao dịch ở mức 32.700 - 32.800 đồng/kg; tại Gia Lai giá thu mua hôm nay là 32.700 - 32.800 đồng/kg; tại Kon Tum tăng lên 32.700 đồng/kg.
Như vậy, nhìn chung, giao dịch cà phê robusta trên sàn London tuần qua khá thận trọng, chủ yếu theo hướng tích lũy, "từ chối vượt ngưỡng 1.395" nhưng cũng không chịu mất đáy đôi 1.365. Đáy đôi này nhiều khả năng trở thành vùng hỗ trợ quan trọng cho những ngày giao dịch tới đây.
Vị trí hiện tại khi đóng cửa ngày 24/12 giao dịch kỳ hạn tháng 3/2021 là 1.383 với biên độ dao động 1.395/1/365. Sàn robusta chưa chịu chọn xu hướng mà vẫn dao động zíc zắc quy về vùng 1.395 - 1.380. Đỉnh của giai đoạn này là 1.395 nhưng càng về sau, đỉnh giảm dần 1.391 rồi 1.388.
Tuần này, ngày giao dịch ít hơn lại vào kỳ nghỉ Tết dương lịch cuối tuần, nên ít có hy vọng thị trường tạo bất ngờ.
Đối với giá cà phê arabica, xu hướng sụt giảm vẫn còn rất lớn. Sự sụt giảm không chỉ vì đồng Reais suy yếu trở lại và các dự báo thời tiết từ Brazil cho thấy đã có nhiều cơn mưa trên mức trung bình tại các vùng trồng cà phê chính ở phía Đông Nam và khô hạn không còn là mối lo đáng kể để quan tâm. Trong khi báo cáo tồn kho dự trữ tại sàn New York đã tăng lên mức cao hơn 4 tháng cũng góp thêm yếu tố gây sức ép giảm giá trở lại.
Thị trường cà phê cũng có thông tin từ một chuyên gia hàng hóa rất có uy tín - bà Judith Ganes, người vừa đi thăm các vùng cà phê bị khô hạn ở Brazil và cho rằng sản lượng của Brazil vụ tới chưa thể đánh giá hết được, vì khô hạn diễn ra có tính cục bộ. Theo bà, vùng trồng nào đã bị khô hạn tác động thì không chỉ gây hại 20 – 30 % mà có thể 50% hoặc hơn nữa.
Giá hồ tiêu mới nhất
Trên thị trường thế giới, giá hồ tiêu hôm nay 30/12 tăng nhẹ. Kết thúc phiên giao dịch sáng nay (giờ Việt Nam), giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ tăng 53 Rupee/tạ (0,15%) ở mức 35.316,65 Rupee/tạ.
Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng Rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 24/12 đến ngày 30/12 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 313,7 VND/INR.
Hồ tiêu đang chịu thiệt hại kép khi cuộc khủng hoảng dư cung chưa hết thì Covid-19 ập đến khiến hàng loạt nhà hàng tại các thị trường tiêu thụ lớn như Trung Quốc, EU,…đóng cửa. Trong khi đó, đây lại là thị trường tiêu thụ lớn hạt tiêu Việt Nam.
Những tháng đầu năm 2020, tình hình thị trường vẫn ảm đạm khi có thời điểm giá tiêu chỉ còn khoảng 36.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều giá thành sản xuất. Ngay cả khi sản lượng giảm do người dân bỏ vườn và không đầu tư chăm sóc như trước khiến nguồn cung giảm, thì một số ý kiến cho rằng, giá tiêu cũng sẽ khó lòng tăng mạnh do nhu cầu trên thế giới vẫn đang ảm đạm.
"Vua Tiêu" Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phúc Sinh Group, cho rằng nếu không có dịch Covid-19, theo quy luật cung - cầu, giá tiêu sang năm 2021 có thể tăng bởi trong nhiều năm qua, ngành đã chịu áp lực dư cung quá lớn. Nhưng trong tình trạng dịch bệnh vẫn căng thẳng như hiện nay, dù phân khúc nhà hàng, khách sạn ở châu Âu tiêu thụ rất nhiều hồ tiêu của Việt Nam nhưng hiện đang bị tê liệt. Bởi vậy, "sang năm 2021, thậm chí lượng tiêu thụ hồ tiêu của Việt Nam có thể giảm tới 50%”, ông Thông nói.