Giá cà phê hôm nay 30/3 quay đầu giảm mạnh trên cả hai sàn giao dịch phái sinh. (Nguồn: Lecafebmt) |
Cập nhật giá cà phê hôm nay 30/3
Không thừa hưởng được động lực tăng mạnh trong những phiên cuối tuần trước, giá cà phê hôm nay 30/3, quay đầu giảm mạnh trên cả hai sàn phái sinh.
Theo ghi nhận của TG&VN vào 0h05 ngày 30/3, giá cà phê robusta kỳ hạn trên sàn ICE Futures Europe_London (Anh) giao tháng 5/2021 giảm mạnh, giảm 23 USD/tấn (1,64%) so với chốt phiên trước đó, xuống còn 1.376 USD/tấn; giá giao tháng 7/2021 cũng theo đà giảm 19 USD/tấn (1,34%), giao dịch ở 1.397 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US – New York (Mỹ) giảm theo. Giá cà phê giao tháng 5 giảm 1,5 Cent (1,17%), xuống 127 Cent/lb; kỳ hạn giao tháng 7 cũng giảm tiếp 1,6 Cent (1,23%), xuống 128,9 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Phân tích kỹ thuật: Kết thúc giao dịch tuần trước, cà phê robusta thuộc một trong số ít hàng hóa tăng giá. Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 giảm không đáng kể 0,5 Cents, tiếp nối đà giảm mạnh của tuần trước đó, khi thị trường vẫn chưa có thêm tín hiệu tích cực nào từ tình hình dịch bệnh tại châu Âu. Theo ước tính, EU hiện chậm 7 tuần so với mục tiêu 70% dân số được tiêm chủng vào cuối mùa hè và sự chậm trễ này sẽ khiến 27 quốc gia thành viên của khối thiệt hại khoảng 123 tỷ Euro trong năm nay.
Tuy nhiên, ở một góc độ tích cực hơn, việc đồng Real của Brazil có tuần sụt giảm mạnh nhất kế từ tháng 6/2020 đến nay, vốn gây áp lực lớn lên giá cà phê arabica nhưng mức giảm rất nhẹ cho thấy giá khó có thễ giảm sâu hơn nữa.
Hoạt động vận tải bị tắc nghẽn tại kênh đào Suez không ảnh hưởng nhiều đến cà phê arabica, nhưng sẽ có tác động nhất định do thiếu tàu và containers, cũng như là cước vận tải tăng.
Về mặt kỹ thuật, giá cà phê arabica phục hồi trong phiên cuối tuần trước nhờ lực mua kỹ thuật ở vùng giá 125 - 126 Cent, trùng với đường Fibo 78,6% và mây kumo của chỉ báo Ichimoku. Giá hiện đang gặp lực cản khá lớn ở đường trendline cũ và đường MA50. Nếu có thể vượt lên các mức này trong đầu tuần, giá có thể sẽ phục hồi mạnh về vùng 134 — 135 do thời tiết bất lợi ở Brazil. Còn không, giá có thể sẽ đi ngang trong khoảng 126 — 130.
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tuần trước với mức tăng 1,38%, lấy lại phần lớn những gì đã mất của tuần trước đó. Kênh đào Suez là tuyến đường xuất khẩu quan trọng của cà phê robusta từ các nước ở Đông Nam Á sang châu Âu, vì thế việc tắc nghẽn nghiêm trọng ở đây sẽ vẫn tác động tích cực đến mặt hàng này, cho đến khi vấn đề được xử lý.
Về mặt kỹ thuật, giá cà phê robusta bật tăng trở lại từ đường MA50 trong tuần trước và đang hướng lại về mức kháng cự 1.410, trùng với đường Fibo 50% và đường Kijun của chỉ báo Ichimoku. Các chuyên gia phân tích của MXV dự đoán giá cà phê có thể chuyển sớm lên vùng giá 1.410 — 1.425.
Giá cà phê trong nước giảm 300-500 đồng/kg
Cập nhật giá cà phê trong nước hôm nay 30/3, thu mua tại các địa phương trọng điểm.
|
Tham khảo giá cà phê tươi thu mua tại một số địa phương trọng điểm tại phiên liền trước (ngày 27/3), giá thị trường tăng 500 - 700 đồng/kg đồng loạt tại các địa phương trọng điểm, dao động trong khoảng 31.700 - 32.900 đồng/kg.
Giá cà phê tại tỉnh Lâm Đồng, huyện Lâm Hà và Di Linh ở mức 31.800 đồng/kg, Bảo Lộc thu mua ở 31.700 đồng/kg.
Tại Đắk Lắk, huyện Cư M'gar và Buôn Hồ giá cà phê thu mua ở mức 32.900 đồng/kg. Tại Ea H'leo đang có giá 32.700 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, huyện Chư Prông đang ở mức 32.500 đồng/kg, ở Pleiku và Ia Grai là 32.600 đồng/kg.
Tại tỉnh Đắk Nông, huyện Gia Nghĩa cà phê tươi thu mua ở 32.600 đồng/kg và Đắk R'lấp là 32.5 đồng/kg.
Giá cà phê tại Đắk Hà, tỉnh Kon Tum ở mức 32.600 đồng/kg.
Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu Việt Nam, năm 2020, Đức tăng nhập khẩu cà phê từ Brazil, Honduras, Italy, nhưng giảm từ Việt Nam và Colombia.
Cụ thể, nhập khẩu cà phê của Đức từ Brazil trong năm 2020 đạt 407.300 tấn, trị giá 934,82 triệu USD, tăng 6,4% về lượng và tăng 15,6% về trị giá so với năm 2019. Thị phần cà phê của Brazil trong tổng lượng nhập khẩu của Đức chiếm 33,54% trong năm 2020, tăng so với 31,33% trong năm 2019.
Ngược lại, nhập khẩu cà phê của Đức từ Việt Nam trong năm 2020 giảm 3,6% về lượng và giảm 3,8% về trị giá so với năm 2019, đạt 238.840 tấn, trị giá 385,22 triệu USD. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Đức chiếm 19,67% trong năm 2020, thấp hơn so với 20,29% trong năm 2019.