Giá cà phê robusta chỉ tăng cầm chừng, thị trường cần một cú hích. |
Cập nhật giá cà phê quốc tế
Khối lượng giao dịch thương mại trên cả hai sàn cà phê kỳ hạn thế giới chỉ được đánh giá là sự hiệu chỉnh cần thiết của giới đầu cơ, trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch Covid-19 chủng mới lây lan mạnh trên toàn cầu.
Tại phiên đóng cửa tuần này, giá cà phê robusta kỳ hạn trên sàn ICE Futures Europe_London (Anh) tiếp tục xu hướng tăng nhẹ, sắc xanh phủ tất các các thời điểm bàn giao. Bảng niêm yết hiện tại cho thấy giá giao tháng 3/2021 tăng 3 USD/tấn (0,23%) so với chốt phiên trước đó, lên 1.306 USD/tấn; giá giao tháng 5/2021 cũng tăng thêm 6 USD/tấn (0,46%) giao dịch ở 1.319 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US – New York (Mỹ) tiếp tục giảm, sắc đỏ bao trùm tất cả các kỳ hạn bàn giao; giá cà phê giao ngay tháng 3 giảm 1,05 Cent (0,85%), xuống 122,95 Cent/lb; kỳ hạn giao tháng 5 cũng giảm 1,10 Cent (0,87%), xuống 125 Cent/lb. Khối lượng giao dịch đặc biệt tăng mạnh ở kỳ hạn bàn giao tháng 3/2021.
Theo một thông cáo, Công ty đa quốc gia Nestlé hiện đặt mục tiêu tìm nguồn cung cấp 100% nguyên liệu cà phê có nguồn gốc và phát triển bền vững vào năm 2025, liên kết chặt chẽ với các nhóm nông dân theo bản Kế hoạch Nescafé (Nescafé Plan). Chương trình Nescafé Plan đang góp phần hoàn thiện chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất cà phê bền vững từ người nông dân đến người tiêu dùng.
Đến nay, theo Kế hoạch Nescafé, Nestlé đã cung cấp 75% cà phê có nguồn gốc và liên kết chuỗi sản xuất, phân phối và gia tăng chất lượng, giá trị cho hạt cà phê, vượt mục tiêu đặt ra là tới cuối năm 2020 đạt 70%. Nestlé cũng đạt mục tiêu giảm lượng nước trực tiếp bằng cách giảm sử dụng nước trong các nhà máy và tưới tiêu cho canh tác cà phê.
Tại Việt Nam, chương trình Nescafé Plan đặt mục tiêu đẩy mạnh việc áp dụng những cải tiến khoa học công nghệ trong việc canh tác và thu hoạch cà phê, giúp hạt cà phê đạt những tiêu chuẩn cao ở các thị trường phát triển; gia tăng sản lượng chế biến sản phẩm cà phê cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu; nghiên cứu và phát triển những sản phẩm cà phê mới đáp ứng những thị hiếu mới của người tiêu dùng; cũng như hướng đến tầm nhìn 2030: Không tạo ra tác động tiêu cực lên môi trường trong tất cả các hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Giá cà phê trong nước hồi phục
Giá cà phê tăng nhẹ 200 - 300 đồng/kg tại các địa phương, giao dịch quanh ngưỡng 31.000 - 31.400 đồng/kg. Cụ thể, giá cà phê tại các địa phương tỉnh Lâm Đồng cùng thu mua ở mức 31.000 đồng/kg; tại Đắk Lắk ổn định ở 31.400 đồng/kg trên toàn Tỉnh; tại Đắk Nông giá thu mua dao động trong khoảng 31.200 - 31.300 đồng/kg; tại Gia Lai trong khoảng 31.200 - 31.300 đồng/kg; tại Kon Tum tăng lên 31.200 đồng/kg.
Đến lúc này, lượng hàng bán ra vẫn chưa nhiều, theo dự đoán, giá cà phê robusta phải cầm cự thêm một thời gian nữa do thiếu người mua đầu tư. Với những khó khăn về thị trường, giá cà phê trong nước trong tuần tới được dự kiến ở quanh mức 31 - 32 triệu đồng/tấn.