Giá cà phê hôm nay 4/11/2024
Giá cà phê thế giới đảo chiều liên tục trong tuần qua, nhưng tổng kết các phiên dao động trong cả tuần vẫn là giảm mạnh. Robusta có tuần giảm mạnh thứ 5 liên tiếp. Arabica ở mức đáy 2 tháng gần nhất.
Giá cà phê trong nước mất trung bình 3.500 đồng/kg trong tuần qua. Trong khi, tuần trước chỉ mất trung bình 1.000 đồng/kg.
Tổng kết cả tuần, giá cà phê robusta kỳ hạn giao hàng tháng 1/2025 giảm 132 USD/tấn. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 12 giảm 5,45 Cent/lb. Tuần trước, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 11 giảm 272 USD/tấn. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 12 giảm 8,9 Cent/lb.
Lượng xuất khẩu cà phê conilon robusta mạnh mẽ từ Brazil đang góp phần gây áp lực lên giá xuất khẩu. Bên cạnh đó, thời tiết tốt với những cơn mưa gần đây sẽ giúp vụ mùa cà phê của Brazil phục hồi sau một thời gian khô hạn kéo dài đẩy arabica tiếp tục lao dốc. Một yếu tố khác đã khiến cho giá cà phê giảm mạnh là do đồng tiền Brazil đã yếu đi, khi đồng Real đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 tháng qua so với đồng USD.
Dự báo sản lượng cà phê niên vụ mới 2024 - 2025 của Việt Nam khoảng 1,6 triệu tấn. Sản lượng cà phê Việt Nam (nước sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới) đang có nhiều dự báo khác nhau. Theo báo cáo của USDA, sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2024-2025 dự kiến khoảng 29 triệu bao, trong đó xuất khẩu 24,4 triệu bao, còn 4,6 triệu bao tiêu thụ nội địa. Một số dự báo khác cho rằng trong niên vụ 2024-2025, sản lượng cà phê Việt Nam ở mức trên dưới 1,6 triệu tấn (26-27 triệu bao).
Trong khi đó, việc nhu cầu nội địa tăng mạnh nhưng sản lượng sản xuất thấp sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung nguyên liệu xuất khẩu. Niên vụ vừa qua Việt Nam đã xuất khẩu 1,45 triệu tấn cà phê và mang về kim ngạch 5,4 tỉ USD. Ngược lại Việt Nam cũng nhập khẩu cà phê cao kỷ lục gần 140.000 tấn tăng 36% so với niên vụ trước và giá trị đến 527 triệu USD, tăng 76%.
Giá cà phê trong nước chốt phiên cuối tuần qua (2/11) giảm mạnh 1.200 - 1.300 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Coffeeam) |
Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam, chốt phiên giao dịch cuối tuần qua (1/11), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London tiếp tục giảm, kỳ hạn giao hàng tháng 1/2025 giảm 90 USD, giao dịch tại 4.279 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 3/2025 giảm 73 USD giao dịch tại 4.208 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York giảm, kỳ hạn giao hàng tháng 12/2024 giảm 2,95 Cent, giao dịch tại 242,95 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2025 giảm 3,1 Cent, giao dịch tại 242,4 Cent/lb. Khối lượng giao dịch cao.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước chốt phiên cuối tuần qua (2/11) giảm mạnh 1.200 - 1.300 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. Đơn vị tính: VNĐ/kg
(Nguồn: giacaphe.com) |
Theo Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), giá cà phê xuất khẩu bình quân của Việt Nam niên vụ 2023 - 2024 là 3.792 USD/tấn.
Trong top 10 thị trường nhập khẩu nhiều cà phê nhất của Việt Nam có đến 5 nước nằm ở khu vực châu Âu, đáng chú ý, giá vào các thị trường này đều thấp hơn 4.000 USD, còn vào 4 nước châu Á trên 4.000 USD/tấn.
Cả 5 nước châu Âu là Đức, Italy, Tây Ban Nha, Nga và Hà Lan đều có đơn giá nhập khẩu bình quân dưới 4.000 USD/tấn. Trong đó, Đức là nước nhập khẩu cà phê Việt Nam nhiều nhất thế giới với 179.000 tấn, trị giá 607 triệu USD và giá bình quân 3.392 USD/tấn. Ý là nước nhập khẩu cà phê nhiều thứ 2 với 416 triệu USD nhưng đơn giá bình quân thấp nhất với chỉ 3.262 USD/tấn. Nước nhập cà phê Việt Nam giá cao nhất châu Âu là Tây Ban Nha với 3.915 USD/tấn, sản lượng 105.000 tấn và giá trị 412 triệu USD.
Ngược lại, các thị trường châu Á đang nổi lên là những nhà nhập khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam. Đặc biệt, Philippines nhập 61.000 tấn cà phê với giá trị lên đến 270 triệu USD, đơn giá bình quân đến 4.424 USD/tấn. Trong top 10 thị trường chính (theo khối lượng), Philippines đứng thứ 7 nhưng lại là nước nhập khẩu cà phê Việt Nam với giá cao nhất. Đứng thứ 8 là Trung Quốc nhập gần 54.000 tấn, trị giá 225 triệu USD với đơn giá 4.166 USD/tấn, còn Indonesia với 53.000 tấn, trị giá 222 triệu USD, đơn giá 4.197 USD/tấn.
Ngay cả thị trường Nhật Bản, nước nhập khẩu nhiều cà phê Việt Nam nhất châu Á và đứng thứ 3 thế giới thì giá bình quân cũng cao hơn các nước châu Âu. Nhật Bản nhập 107.000 tấn cà phê với giá trị 413 triệu USD và đơn giá bình quân 3.866 USD/tấn.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính do các nước châu Âu chủ yếu mua cà phê nhân về chế biến và sử dụng sản xuất cà phê hòa tan. Trong khi đó, các nước châu Á, ngoài cà phê nhân còn nhập khẩu sản phẩm chế biến và cà phê hòa tan. Đây là nhóm sản phẩm giá trị gia tăng, giúp giá trị tổng kim ngạch và giá bán bình quân tăng cao hơn khu vực châu Âu.