📞

Giá cà phê hôm nay 4/2: Cà phê thế giới quay đầu bật tăng mạnh, trong nước đồng loạt giảm nhanh

Xuân Tiên 05:37 | 04/02/2021
TGVN. Giá cà phê 2 sàn phái sinh quay đầu tăng, đặc biệt là cà phê robusta. Xu hướng chuyển dòng vốn để quay lại thị trường hàng hóa sẽ tác động tích cực lên thị trường cà phê toàn cầu trong thời gian tới. Giá cà phê thu mua trong nước đồng loạt giảm nhanh tại nhiều địa phương.
Giá cà phê robusta đã có những phiên quay đầu phục hồi, tăng ấn tượng (gần 2%) trong ngày 4/2. (Nguồn: Shutterstock)

Giá cà phê quốc tế:

Hôm nay, cà phê robusta đã có những phiên quay đầu phục hồi, tăng ấn tượng (gần 2%). Giá arabica cũng không chịu thua kém, đà tăng phục hồi và sắc xanh tràn ngập sàn giao dịch.

Ghi nhận của TG&VN, lúc 5h09 ngày 4/2, giá cà phê robusta kỳ hạn trên sàn ICE Futures Europe_London (Anh) tăng rất mạnh tại tất các các thời điểm bàn giao. Bảng niêm yết cho thấy giá giao tháng 3/2021 tăng tới 24 USD/tấn (1,85%) so với chốt phiên trước đó, bật lên 1.323 USD/tấn; giá giao tháng 5/2021 cũng tăng tới 25 USD/tấn (1,9%) giao dịch ở 1.343 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US – New York (Mỹ) cũng quay đầu tăng nhẹ ở tất cả các kỳ hạn bàn giao; giá cà phê giao ngay tháng 3 tăng 0,55 Cent (0,45%), lên 123,95 Cent/lb; kỳ hạn giao tháng 5 cũng tăng thêm 0,55 Cent (0,44%), lên 126,1 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.

Tháng 2 là tháng thanh lý hợp đồng kỳ hạn tháng 3 trên cả hai sàn giao dịch. Ngày thông báo giao hàng đầu tiên cho kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn New York là ngày 18/2 và trên sàn London là ngày 23/2. Bởi vậy, nhà đầu cơ đã tích cực xả hàng, khiến giá cà phê robusta ngày hôm qua đã có phiên giảm mạnh xuống dưới mốc quan trọng 1.300 USD/tấn.

Tuy nhiên, nhìn lại thị trường thế giới, trong 10 ngày giữa tháng 1, giá cà phê toàn cầu vẫn biến động theo xu hướng tăng do lo ngại nguồn cung khan hiếm. Đồng Real của Brazil tăng khiến người trồng cà phê hạn chế bán hàng, trong khi dự báo sản lượng cà phê của Brazil năm 2021 giảm do khô hạn và vào năm giảm theo chu kỳ “hai năm một”. Theo dự báo, hiện tượng thời tiết La Nina tại Thái Bình Dương có thể sẽ kéo dài đến tháng 3/2021, gây ảnh hưởng đến các vùng trồng cà phê phía Đông Nam Brazil và ở Tây Phi.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo, giá cà phê sẽ tiếp tục phục hồi trong thời gian tới. Nhà đầu tư có xu hướng chuyển dòng vốn để quay lại thị trường hàng hóa. Điều này sẽ tác động tích cực lên thị trường cà phê toàn cầu trong thời gian tới.

Trong một cuộc thăm dò do Reuters thực hiện, 11 thương nhân và nhà phân tích đều cho dự đoán, giá cà phê arabica sẽ tăng vào cuối năm 2021, cao hơn gần 8% so với mức hiện tại, khi thị trường chuyển sang tình trạng thâm hụt trong mùa tới, sau khi tình trạng dư cung như hiện tại chấm dứt.

Giá arabica sẽ kết thúc năm 2021 ở mức 1,35 USD/pound, tăng 7,7% so với mức đóng cửa ngày thứ Hai (1/2) và 5,3% so với mức được thấy vào cuối năm 2020, dựa trên dự báo trung bình của những người tham gia khảo sát.

Nhà sản xuất hàng đầu Brazil bước vào giai đoạn năm mất của chu kỳ hai năm một lần trong niên vụ 2021/22 sắp tới, khiến những người được hỏi chỉ kỳ vọng sản lượng đạt 55,51 triệu bao, giảm so với 69 triệu bao trong vụ hiện tại. Điều này sẽ khiến thị trường arabica thâm hụt 8,5 triệu bao trong mùa tới, dù thị trường dự kiến sẽ thặng dư 8 triệu bao trong mùa này.

Giá cà phê trong nước quay đầu giảm

Tại tất cả địa phương trồng cà phê trọng điểm, giá thu mua trung bình được điều chỉnh về mức 31.200 đồng/kg. Các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông và Kon Tum cùng giảm 400 đồng/kg xuống khoảng từ 31.000 - 31.500 đồng/kg. Tại Lâm Đồng, cà phê được thu mua trong khoảng từ 30.700 - 30.800 đồng/kg, giảm 400 - 600 đồng/kg so với hôm qua. Tại TP. Hồ Chí Minh cũng điều chỉnh giảm 300 đồng/kg, ghi nhận mức giá 32.800 đồng/kg.

Giá thấp kéo dài cùng với thông tin dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, khiến người dân cắt cẩn trọng giảm chi tiêu, nông dân trồng cà phê được cho là không đẩy hàng vụ mới mà tích trữ, chờ giá tốt.

(theo Reuters)