Cập nhật giá cà phê
Tại thị trường thế giới, giá cà phê tiếp tục giảm sâu. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 1/2021 điều chỉnh giảm 0,67% (tương đương 9 USD), quanh ngưỡng 1.337 USD/tấn.
Giá cà phê robusta tại London điều chỉnh giảm sâu còn 1.337 USD/tấn và giá cà phê arabica tại New York ghi nhận giao dịch giảm quanh ngưỡng 115,35 US cent/pound. |
Tại New York, giá cà phê arabica trong tháng 12/2020 ghi nhận giao dịch giảm xuống mốc 115,35 US cent/pound, giảm 1,95% (tương đương 2,30 US cent) so với phiên giao dịch trước đó.
Bất chấp sự bùng phát của đại dịch, khiến nền kinh tế Tanzania bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giá cà phê của quốc gia Đông Phi tại các cuộc đấu giá địa phương vẫn tăng nhẹ.
Theo đó, một bao cà phê arabica nặng 50kg được bán với giá quanh ngưỡng 133 USD trong phiên đấu giá cuối cùng chính thức diễn ra vào ngày 5/11 vừa qua, tăng 16 USD so với mức 117 USD trong năm tài chính 2019-2020.
Ông Frank Nyarusi, Giám đốc bán hàng và tiếp thị của Hội đồng cà phê Tanzania (TCB), cho hay: “Tác động của đại dịch Covid-19 không quá nghiêm trọng. Nó chỉ ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa ra thị trường nước ngoài chứ không ảnh hưởng đến giá bán trong nước và xuất khẩu”.
Tuy nhiên, thị trường vẫn tỏ ra quan ngại khi đã có thêm nhiều quốc gia tái lập các biện pháp giãn cách xã hội sẽ làm hạn chế tiêu thụ cà phê. Những đợt tái phát dịch Covid-19 đang thực sự là mối lo cho thị trường. Tuy nhiên, cà phê Robusta thường được pha chế tại nhà nên dự báo nhu cầu sẽ giảm không đáng kể, thậm chí có phần lạc quan hơn Arabica.
Theo các nhà quan sát, tồn kho tại 2 sàn cà phê lớn ngày một tăng, nhưng chủ yếu là Arabica, trong khi hàng vụ mới của Việt Nam chưa có nhiều. Điều này khiến nhu cầu mua Robusta ngoài kho của sàn sẽ chủ yếu từ Việt Nam. Đây là tin hiệu tích cực cho người trồng cà phê Việt Nam.
Một yếu tố ảnh hưởng mạnh đến giá cà phê nữa là chứng khoán. Chứng khoán Mỹ đang tăng ở mức kỷ lục thu hút dòng vốn vào các cổ phiếu công ty thương mại điện tử, dược phẩm. Từ những yếu tố trên, các chuyên gia nhận định giá cà phê tuần này tiếp tục biến động thất thường.
Với giá cà phê trong nước, áp lực bán đầu vụ không mạnh như các năm trước, nên mức giá có thể trong vùng 31,5 - 33,5 triệu đồng/tấn.
Cập nhật giá hồ tiêu
Thị trường hồ tiêu quốc tế có triển vọng khá ổn định. Tiêu đen Ấn Độ có giao dịch trên thị trường thế giới với mức tăng 1% so với tuần trước, đưa giá hồ tiêu ở mốc trung bình là 4.777 USD/triệu tấn.
Ở thị trường nội địa, hạt tiêu đen Indonesia có giá đi ngang ở ngưỡng2.606 USD/triệu tấn. Trong khi đó, tiêu trắng Indonesia điều chỉnh tăng 1% lên mức 4.638 USD/triệu tấn.
Giá tiêu đen và tiêu trắng của Việt Nam, Malaysia và Trung Quốc ổn định trên thị trường quốc tế và không điều chỉnh mới tính đến thời điểm hiện tại, theo International Pepper Community.
Tuy nhiên, về thị trường xuất khẩu của Việt Nam, nhập khẩu hồ tiêu của Đức từ Việt Nam trong 8 tháng năm 2020 đã giảm 2,7% về lượng và 11,5% về trị giá so với cùng kì năm 2019, đạt 8,8 nghìn tấn, trị giá 24,7 triệu USD.
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhập khẩu hồ tiêu của Đức trong 8 tháng đầu năm 2020 đạt 21,5 nghìn tấn, trị giá 62,6 triệu USD, giảm 3,2% về lượng và giảm 16,5% về trị giá so với cùng kì năm 2019. Đức giảm nhập khẩu hồ tiêu từ hầu hết các nguồn cung chính, nhưng tăng nhập khẩu từ Brazil, Czech và Áo.
Lượng nhập khẩu từ Czech và Áo ở mức thấp, nhưng thị phần hạt tiêu của Brazil trong tổng lượng nhập khẩu của Đức đã tăng từ 38% trong 8 tháng đầu năm 2019, lên 41,6% trong 8 tháng đầu năm 2020. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Đức tăng từ 40,7% trong 8 tháng đầu năm 2019 lên 41% trong 9 tháng năm 2020.
Cập nhật giá cao su
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su kì hạn tháng 11/2020 tiếp tục giao dịch tại ngưỡng 250,0 yen/kg.
Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kì hạn trong tháng 11/2020 duy trì ở ngưỡng 13.390 nhân dân tệ/tấn.
Malaysia cung cấp tới 240 tỉ chiếc găng tay cao su, đáp ứng gần 70% trong tổng số 360 tỉ chiếc nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ trên thế giới trong năm 2020.
Nhờ vậy, sản xuất găng tay cao su đang trở thành một ngành công nghiệp trọng điểm của quốc gia này giữa bối cảnh đại dịch ngày càng tồi tệ hơn.
Các công ty trong nước như Hartalega Holdings Bhd, Kossan Rubber Industries Bhd, Top Glove Corp Bhd và Supermax Corp Bhd hiện đang dẫn đầu về sản xuất, khi nhu cầu về găng tay cao su không dừng lại ở mục đích y tế mà còn phục vụ trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống.