Giá cà phê hôm nay 7/4/2024
Giá cà phê thế giới tiếp tục đi trái chiều vào phiên cuối tuần này, nhưng nhìn chung giá vẫn tăng mạnh.
Giá cà phê đã tăng liên tiếp 6 tuần và đạt mức giá cao kỷ lục, giá giao dịch robusta đứng ở mức 3.744 USD/tấn và arabia 4.680 USD/tấn cho kỳ giao hàng tháng 5.
Giá cà phê trong nước tạm điều chỉnh sau nhiều phiên tăng ngoài sức tưởng tượng và hiện đang giao dịch trong khoảng 102.000 - 102.700 đồng/kg.
Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam phiên đóng cửa tuần này (5/4), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London giảm nhẹ, kỳ hạn giao hàng tháng 5/2024 giảm 22 USD, giao dịch tại 3.744 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 7/2024 giảm 19 USD giao dịch tại 3.679 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York tiếp tục tăng mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 5/2024 tăng 5,75 Cent, giao dịch tại 212,50 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2024 tăng 5,20 Cent, giao dịch tại 211,00 Cent/lb. Khối lượng giao dịch cao.
Giá cà phê trong nước chốt phiên cuối tuần này (ngày 6/4) điều chỉnh giảm nhẹ 100 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Giacaphe) |
Như vậy, với 5 phiên tăng liên tiếp trong tuần qua, giá cà phê arabica đã đạt mức cao mới của hơn 5 tháng. Tồn kho cà phê arabica trên thị trường ICE New York đã tăng 11.535 bao vào ngày (5/4), ghi nhận tổng lượng tồn kho lên mức 628.217 bao.
Thị trường New York tiếp tục tăng vững chắc hơn trong thời gian qua với khối lượng giao dịch trong phiên rất lớn, và mục tiêu kỹ thuật đạt là khoảng 215 Cent/lb cho kỳ giao hàng tháng 5.
Trong khi thị trường London đã thể hiện đầy đủ các tín hiệu kỹ thuật sẽ rút lui sau thời gian dài tăng nóng. Dự báo cho rằng, nhiều khả năng giá cà phê robusta sẽ trở về giằng co ở mức 3.550 USD/tấn, đối với giá giao dịch cho kỳ giao hàng tháng 5. Giới chuyên gia bình luận, sự rút lui này của robusta (nếu xảy ra), hoàn toàn mang tính kỹ thuật chứ không phải là một sự sụt giảm giá trị, bởi hàng loạt vấn đề tác động lên thị trường vẫn còn nguyên và chưa có tín hiệu sớm giải quyết: như thời tiết ở những nước sản xuất chính khiến mùa vụ bất lợi, nguồn cung thiếu hụt nặng, cước vận chuyển và nhiều chi phí tăng do ảnh hưởng của xung đột địa chính trị...
Khác với tính thanh khoản cao trên sàn giao dịch, hàng thực robusta tại một số nguồn vẫn rất khó mua vào, giá tăng cao. Hiện tình trạng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà tương tự tại Ấn Độ, Indonesia... vì cũng gặp khó khăn vì khô hạn do nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước chốt phiên cuối tuần này (ngày 6/4) điều chỉnh giảm nhẹ 100 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Theo một số chuyên gia, bên cạnh vấn đề cung cầu, việc giá cà phê tăng mạnh đồng loạt trên cả mặt hàng robusta và arabica là do những căng thẳng chính trị gần đây ở nhiều nơi, khiến việc vận chuyển gặp khó khăn, chi phí tăng cao.
Những căng thẳng này đẩy thị trường tài chính thế giới tăng và biểu hiện rõ nhất là tài sản an toàn khiến giá vàng tăng mạnh. Bên cạnh vàng, các nhà đầu tư cũng đẩy tiền và các loại hàng hóa thiết yếu như cà phê...
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, dự kiến thị trường còn chứng kiến sự tiếp tục đi ngược chiều nhau trên sàn, arabica tăng và robusta đang có xu hướng giảm kỹ thuật.
Đối với giá cà phê Việt Nam, do nguồn cung ngày càng hạn chế và phải đợi đến tháng 10 mới vào vụ thu hoạch mới, nên nhiều dự báo cho rằng, mốc giá lịch sử - trên 100.000 đồng/kg sẽ còn tiếp tục giữ được ít nhất trong ngắn hạn.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong quý 1/2023, cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng mạnh nhất. Cụ thể, Việt Nam đã xuất khẩu cà phê gần 800.000 tấn, tăng 44% về lượng, kim ngạch đạt 1,9 tỉ USD tăng đến 54%. Đây là giá trị xuất khẩu kỷ lục trong 3 tháng đầu năm của ngành cà phê. Với lượng cà phê xuất khẩu hiện tại theo tính toán, xuất khẩu cả niên vụ 2023/24 đã vượt 1 triệu tấn nên nguồn cung trong nước không còn nhiều, do vậy xu hướng giá cà phê tiếp tục ở mức cao.