Giá cà phê Arabica tại New York đã kết thúc chuỗi ngày giảm khi có tin từ FNC. |
Cập nhật giá cà phê trong nước và thế giới
Giá cà phê robusta thế giới tiếp tục giảm thêm phiên thứ 4 trong chuỗi ngày giảm giá ngay khi bước vào đầu năm 2021. Theo ghi nhận của TG&VN lúc 23h00 ngày 8/1 (giờ Việt Nam) giá cà phê robusta giao dịch tại sàn ICE Futures Europe_London (Anh) giao tháng 1/2021 giảm tiếp 10 USD/tấn (0,71%) so với chốt phiên trước đó, hiện đứng ở 1.39,7 USD/tấn; giá giao tháng 3/2021 giảm mạnh 21 USD/tấn (1,57%), giao dịch ở 1.315 USD/tấn.
Cùng thời điểm, sau những giao dịch giá tăng vào ngày hôm trước, giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US – New York (Mỹ) giảm nhẹ. Theo đó, kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm nhẹ 0,8 Cent (0,66%), giao dịch về mốc 120,3 Cent/lb; kỳ hạn giao tháng 5 giảm nhẹ 0.8 Cent (0,65%), lên 122,3 Cent/lb.
ICO cho biết, xét chung trong hai tháng 10/2020 và 11/2020, các nước xuất khẩu cà phê chính đã vận chuyển 20,2 triệu bao 60kg sang các nước khác, tăng so với con số 18,9 triệu bao trong cùng giai đoạn một năm trước đó, theo Business Recorder. Yếu tố chính đằng sau sự gia tăng này là xuất khẩu tăng vọt từ Brazil, quốc gia đã ghi nhận vụ thu hoạch kỷ lục vào năm 2020. Các lô hàng của Brazil Naturals đã tăng 23% lên 8,3 triệu bao trong giai đoạn này.
Các thị trường cà phê hiện đều đang chịu áp lực nguồn cung sau khi Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) báo cáo xuất khẩu toàn cầu trong hai tháng đầu niên vụ mới 2020/2021 đã tăng 6,5% so với niên vụ trước, lên 20,2 triệu bao 60kg, tăng so với con số 18,9 triệu bao trong cùng giai đoạn này một năm trước đó.
Tuy nhiên, giá cà phê Arabica tại New York đã kết thúc chuỗi ngày giảm khi có tin từ Liên đoàn Cà phê quốc gia (FNC) Colombia dự báo sản lượng năm nay sẽ giảm khoảng 6% so với năm trước.
Giới đầu tư trên sàn London lại tỏ ra thận trọng trước áp lực bán dự phòng hàng vụ mới khá mạnh đã đẩy giá cà phê robusta giảm xuống mức thấp 4 tuần ngay khi Việt Nam - nhà sản xuất robusta lớn nhất thế giới gần như đã hoàn tất thu hoạch vụ mùa mới. Báo cáo tồn kho tại sàn London cũng cho thấy đã tăng lên mức cao hơn 8 tháng. Trong khi đó, lo ngại nhu cầu tiêu thụ sụt giảm vì nhiều quốc gia phải tái lâp các biện pháp giãn cách xã hội do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 bùng phát.
Giá cà phê trong nước hôm nay 8/1 tại các vùng trồng trọng điểm tiếp tục phiên giảm thứ 4 liên tiếp từ đầu năm 2021, dao động trong khoảng 31.500 - 31.900 đồng/kg.
Cụ thể, giá cà phê được thu mua tại Lâm Đồng với mức 31.500 đồng/kg; tại Đắk Lắk ở mức 31.800 - 31.900 đồng/kg; tại Đắk Nông từ 31.700 đồng/kg - 31.800; tại Gia Lai giá giao dịch trong khoảng 31.700 đồng/kg; tại tỉnh Kon Tum là 31.600 đồng/kg.
Giá tiêu thế giới quay đầu giảm, nguy cơ dư thừa nguồn cung
Ghi nhận giá tiêu thế giới vào 23h00 ngày 8/1 (giờ Việt Nam), giá tiêu giao ngay tại sàn trực tuyến Kochi (Ấn Độ) quay đầu giảm 133,35 Rupee/tạ (0,38%), giao dịch ở 34.666,65 Rupee/tạ.
Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 7/1 - 13/1/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 316,14 VND/INR.
Tình trạng dư thừa nguồn cung đang diễn ra sẽ ảnh hưởng giá hồ tiêu toàn cầu trong thời gian tới. Nhưng nhìn dài hạn hơn, giới chuyên môn nhận định, sản lượng tiêu toàn cầu sẽ tiếp tục giảm do các nước sản xuất hàng đầu không triển khai trồng mới, trong khi việc bảo trì các trang trại tiêu hiện tại cũng không được chú trọng, nhiều nông dân trồng tiêu ko còn tập trung cho nghề. Nếu tình hình này tiếp tục diễn ra trong vài năm tới thì tình trạng dư thừa nguồn cung trên toàn cầu như hiện nay có thể sẽ bị đảo ngược.
Hiện tại, nhu cầu tiêu thụ của thế giới ước tính vào khoảng 400.000 tấn/năm, trong khi nguồn cung là 500.000 tấn, dẫn đến dư thừa khoảng 100.000 tấn
Giá tiêu tại thị trường trong nước duy trì ổn định, đang giao dịch ở mức 52.000 - 54.000 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu thu mua tại Đắk Lắk, Đắk Nông hiện là 53.000 đồng/kg; tại Gia Lai là 52.000 đồng/kg; tại Đồng Nai ở mức 52.500 đồng/kg; tại Bà Rịa - Vũng Tàu duy trì mức 54.000 đồng/kg; tại Bình Phước đang giao dịch ở 53.500 đồng/kg.
Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu, xuất khẩu hồ tiêu năm 2020 ước đạt 288 nghìn tấn, trị giá 665 triệu USD, tăng 1,2% về lượng, nhưng giảm 6,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt mức 2.313 USD/tấn, giảm 7,9% so với năm 2019.
Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nhận định, hiện dịch Covid-19 đang khiến mọi hoạt động kinh tế, lễ hội của các nước trên thế giới trong cuối năm 2020 bị tê liệt và khả năng kéo dài sang đầu năm 2021. Phân khúc nhà hàng, khách sạn ở châu Âu - nơi tiêu thụ rất nhiều hồ tiêu của Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh do tình hình dịch bệnh còn rất phức tạp.
Dự báo, xuất khẩu tiêu của Việt Nam trong ngắn hạn sẽ trầm lắng khi thiếu các yếu tố hỗ trợ. Bên cạnh đó, thời điểm giáp tết Nguyên Đán cũng là lúc Việt Nam bước vào vụ thu hoạch nên giá xuất khẩu tiêu nhiều khả năng sẽ giảm xuống.