Trong phiên giao dịch ngày 26/4, giá dầu thế giới đảo chiều tăng mạnh, trong bối cảnh giới đầu tư kỳ vọng kế hoạch cắt giảm số giàn khoan dầu của Saudi Arabia sẽ có thể giúp cải thiện tình trạng dư cung trên thị trường năng lượng.
Chốt phiên trên sàn giao dịch New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2016 tăng 1,40 USD (3,3%) lên 44,04 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2015. Trong khi đó, trên sàn giao dịch London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn tăng 1,26 USD (2,8%) so với phiên 25/4 lên 45,74 USD/thùng, tăng 1,26 USD (2,8%) so với phiên 25/4.
Thị trường năng lượng đã diễn ra nhộn nhịp ngay từ đầu phiên 26/4 nhờ thông tin từ hãng cung cấp các dịch vụ về dầu mỏ và khí đốt Nabor Industries (có trụ sở tại Bermuda) cho biết "anh cả" của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) là Saudi Arabia đang có kế hoạch cắt giảm 10% số giàn khoan dầu đang hoạt động.
Ngoài ra, sự suy yếu của đồng USD cùng những số liệu kém khả quan về niềm tin tiêu dùng và số đơn đặt hàng lâu bền của Mỹ cũng là yếu tố giúp giá "vàng đen" khởi sắc.
Nhà đầu tư vẫn đang tỏ ra khá thận trọng trước tin khả quan của thị trường. (Nguồn: Mining) |
Cùng với đà tăng của giá dầu, giá vàng thế giới trong phiên giao dịch cùng ngày cũng đi lên sau khi đồng USD đi xuống so với Euro, trong bối cảnh thống kê về các đơn đặt hàng hóa lâu bền của Mỹ yếu hơn dự báo. Tuy nhiên, giá kim loại quý này vẫn chỉ biến động trong biên độ hẹp tại thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu cuộc họp chính sách trong hai ngày 26-27/4.
Chốt phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.241,66 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao tháng Sáu cũng ghi thêm 0,3%, lên 1.243,4 USD/ounce. Giá kim loại quý này đã tăng 17% kể từ đầu năm đến nay, chủ yếu hưởng lợi nhờ những đồn đoán cho rằng FED sẽ trì hoãn kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ sau khi ngân hàng này nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập niên vào tháng 12 năm 2015.
Cùng phiên, đồng USD đã có thời điểm giảm 0,7% so với rổ tiền tệ chủ chốt sau khi có thông tin số lượng đơn đặt hàng chế tạo lâu bền của Mỹ trong tháng Ba tăng kém hơn dự kiến.
Tuy nhiên, dù đón nhận tin này các nhà đầu tư chứng khoán Mỹ vẫn giữ tâm lý thận trọng, chờ đợi thông tin từ cuộc họp chính sách của FED đang diễn ra. Chứng khoán Mỹ gần như đi ngang trong phiên giao dịch ngày 26/4 khi thị trường đón nhận một loạt báo cáo lợi nhuận của khối doanh nghiệp trong quý I/2016, với hầu hết các kết quả khả quan.
Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones chỉ nhích chưa đầy 0,1%, đóng cửa ở mức 17.990,32 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tăng nhẹ 0,2%, lên 2.091,70 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,2% xuống 4.888,31 điểm. Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số DAX 30 của Đức và CAC 40 của Pháp đồng loạt giảm 0,3%, xuống các mức lần lượt là 10.259,59 điểm và 4.533,18 điểm. Tuy nhiên, tại thị trường London, chỉ số FTSE 100 lại tăng 0,4%, lên 6.284,52 điểm.