📞

Giá dầu thế giới: Thế khó của Mỹ và EU

Minh Anh 19:43 | 12/03/2022
Những ngày này, giá dầu thế giới có thời điểm đã lên tới gần 140 USD/một thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008 đến nay.
Với vai trò quan trọng trong nguồn cung năng lượng toàn cầu, Nga sẽ không phải bên duy nhất chịu tổn thương từ các biện pháp trừng phạt. (Nguồn: indiatimes)

Biến động mới nhất diễn ra vào đêm 8/3 (giờ Mỹ), sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố lệnh cấm chưa từng có - cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga. Giá dầu tại Mỹ lập tức trở lại mức cao nhất. Tổng thống Biden cũng cho biết, đang hợp tác chặt chẽ với châu Âu và các đối tác để phát triển chiến lược dài hạn nhằm giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga.

Mối quan hệ “cộng sinh”

Cùng với Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã công bố kế hoạch giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. Ủy ban châu Âu (EC) lên kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng khí đốt mà EU nhập khẩu từ Nga trong năm nay và chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu Moscow trước năm 2030.

Tuy nhiên, kế hoạch chứ chưa thể thực hiện ngay lập tức. Cần phải hiểu một cách rõ ràng rằng, thỏa thuận mua bán dầu và khí đốt giữa Đức/châu Âu với Nga là mối quan hệ “cộng sinh” tối quan trọng của cả hai bên, không phải bên này kí sinh vào bên kia. Châu Âu có nguồn cung năng lượng giá rẻ dồi dào từ Moscow để phát triển kinh tế, còn xương sống kinh tế Nga phụ thuộc phần lớn vào việc bán dầu khí cho châu Âu. Vai trò của hai bên là cân bằng nhau và không bên nào có thể lấy hệ thống này ra để mặc cả.

Các công ty năng lượng Nga cho biết “vẫn sẽ vận chuyển dầu, khí đốt đến châu Âu kể cả trong cuộc khủng hoảng lớn nhất”. EU cũng khó mà quay lưng ngay lập tức khi họ phụ thuộc tới 40% khí đốt và 25% dầu lửa nhập khẩu từ Nga.

Ngày 22/2, việc Thủ tướng Đức Olaf Scholz ra quyết định đình chỉ dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Đức quyết đoán trong việc phản đối các hành động của Nga đối với Ukraine. Tất nhiên, vẫn còn phải xem các bước tiếp theo của Berlin, nhưng ý nghĩa quan trọng của động thái này là Đức cuối cùng đã ra tín hiệu sẵn sàng chấp nhận những thiệt hại kinh tế đáng kể.

Thực tế, nếu Dòng chảy phương Bắc 2 không thể được chảy, đây sẽ không phải là đòn kinh tế ngay lập tức đối với Nga - quốc gia hiện có nhiều tuyến đường ống xuất khẩu khí đốt đến châu Âu. Trong đó, nổi bật là hệ thống xuyên qua biển Baltic - Nord Stream với công suất có thể đạt đến 55 tỷ m3/năm và các đường ống trên đất liền qua các quốc gia châu Âu khác, bao gồm dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Stream), đường ống Yamal-Europe (qua Belarus đến Ba Lan), đường ống qua Ukraine.

Trên truyền thông, vẫn không ngừng xuất hiện các thông tin về việc Nga dừng cung cấp ở một đường ống nào đó hay “người khổng lồ khí đốt” Gazprom tăng cường cung cấp khí đốt qua nước nào đó. Tuy nhiên, thực hư thế nào chỉ có các bên trong hợp đồng là Nga và châu Âu biết rõ.

Hoặc như nhà phân tích cao cấp của Rystad Energy - Kaushal Ramesh cho biết, dù các thương nhân vẫn “đang tính toán ảnh hưởng của lệnh trừng phạt lên giá khí đốt từng ngày một” và hiện đã cao gấp 10 lần thời điểm đầu năm 2021. Nhưng khí đốt vẫn chảy qua các đường ống từ Nga sang châu Âu, kể cả những tuyến đi qua Ukraine.

Về mặt lý thuyết, châu Âu có thể từ chối nguồn nguyên liệu thô của Nga, nhưng điều này sẽ không dẫn đến sự phân phối lại thị trường năng lượng, mà chỉ gây ra một sự chuyển đổi. Chẳng hạn, một số chuyên gia khẳng định, EU có thể vượt qua được mùa Đông mà không cần nhiên liệu của Nga, bằng cách giảm tiêu thụ khí đốt 15% và chuyển sang sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ. Chỉ có điều, EU sẽ phải tiêu tốn ít nhất 70 tỷ Euro để làm việc đó, cao hơn rất nhiều lần so với chỉ 10 tỷ Euro trong những năm trước.

Thực tế, Nga có sức mạnh độc quyền, nhưng với tư cách là một khách hàng lớn, EU cũng có một số quyền lực độc quyền để cân bằng lại. Tất nhiên, cái giá phải trả để thực sự chấm dứt sự phụ thuộc vào Nga sẽ rất cao, nhiều khả năng phải đối mặt với một trong những cú sốc cung năng lượng lớn nhất từ trước đến nay.

Với nền kinh tế Nga, thực chất, Moscow được cho là không có khả năng chống lại các lệnh trừng phạt về mặt kinh tế. Từ năm 2014, sau những biện pháp trừng phạt liên hoàn từ phương Tây, kinh tế Nga liên tục bị ảnh hưởng trong những năm tiếp theo, rơi vào thời kỳ suy thoái dài nhất trong 20 năm vào giai đoạn 2014-2015. Tuy nhiên, sự suy thoái này còn do sụt giảm giá dầu toàn cầu.

Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), giai đoạn 2014-2018, giá dầu có tác động tiêu cực lớn gấp ba lần so với các lệnh trừng phạt. Bởi vậy, khi giá dầu thế giới phục hồi, GDP của Nga cũng trở lại.

Mỹ “tiến thoái lưỡng nan”

Về phía Mỹ, cùng động thái mới nhất nhằm đoạn tuyệt với năng lượng Nga, Tổng thống Biden cũng thừa nhận sẽ làm tăng giá năng lượng tại Mỹ, trong khi chính quyền của ông đang phải đối mặt với những chỉ trích về tỷ lệ lạm phát đã lên đến mức cao nhất trong 40 năm, do nhu cầu tăng cao, hạn chế trong chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu lao động.

Hơn một năm qua, hướng mục tiêu chuyển đổi năng lượng truyền thống sang năng lượng sạch, Mỹ từ quốc gia xuất khẩu năng lượng trở thành nước nhập khẩu dầu lửa và khí đốt ròng. Trích số liệu từ Cơ quan năng lượng Mỹ, năm 2021, Mỹ nhập khẩu khoảng 672.000 thùng dầu và các sản phẩm hóa dầu từ Nga/ngày, chiếm khoảng 8% lượng nhập khẩu của Mỹ.

Bởi vậy, cấm vận dầu lửa và khí đốt Nga vốn được cho là một hành động Mỹ “tự bắn vào chân mình”. Cấm vận Nga thêm nữa trong khi Mỹ chưa tìm được nguồn cung cấp thay thế và các nguồn cung từ OPEC chưa thể bù vào chỗ thiếu hụt ngay lập tức sẽ làm cho thị trường dầu lửa ngày càng khó khăn.

Về trung và dài hạn, Chính quyền của Tổng thống Biden sẽ không có nhiều lựa chọn ngoài việc cân nhắc trở lại với nguồn năng lượng truyền thống. Về ngắn hạn, dự kiến, nếu không có biện pháp tháo gỡ khẩn cấp, giá dầu có lẽ không chỉ dừng lại ở 140 USD một thùng. Và khi đó giá cả vật tư, hàng hóa sẽ cùng dắt tay nhau “cất cánh”. Như vậy, mốc lạm phát 7,5% trong vòng 1 năm của nền kinh tế lớn nhất thế giới ghi nhận vào tháng 1/2022 - mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1982, có lẽ sẽ chưa thể dừng lại.

Giới phân tích bình luận, Tổng thống Mỹ Biden đang bị mắc kẹt trong những yêu cầu mâu thuẫn về việc kiềm chế giá tiêu dùng tăng cao, đồng thời cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga - một biện pháp trừng phạt có thể đe dọa làm nghiêm trọng hơn nữa tình trạng lạm phát và gây áp lực lên các đồng minh phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu dầu.