📞

Giá khí đốt tăng gần 400%, bộ trưởng năng lượng EU họp mặt, châu Âu chọn biện pháp gì?

Việt An 15:32 | 05/09/2022
Dự kiến vào ngày 9/9 tới, các bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) sẽ thảo luận về các biện pháp kiềm chế giá năng lượng tăng vọt, kể cả giới hạn giá khí đốt và hạn mức tín dụng khẩn cấp cho các bên tham gia thị trường năng lượng.
Các bộ trưởng năng lượng EU sắp thảo luận về các biện pháp kiềm chế giá khí đốt. (Nguồn: TASS)

Theo một tài liệu sơ bộ được hãng tin Reuters tiết lộ, các bộ trưởng năng lượng EU sẽ nhóm họp để thảo luận về các biện pháp khẩn cấp trong toàn khối nhằm ứng phó với sự tăng giá khí đốt và giá điện sau khi Nga hạn chế cung cấp khí đốt cho EU, vốn đang tác động mạnh đến ngành công nghiệp của châu Âu và làm tăng các hóa đơn sinh hoạt của các hộ gia đình.

Theo kế hoạch, các bộ trưởng sẽ xem xét các biện pháp bao gồm giới hạn giá khí đốt nhập khẩu, giới hạn giá khí đốt dùng để sản xuất điện, hoặc tạm thời loại bỏ các nhà máy điện chạy bằng khí đốt khỏi hệ thống ấn định giá điện hiện hành của EU.

Các bộ trưởng cũng sẽ xem xét cung cấp “gói hỗ trợ khẩn cấp hạn mức tín dụng toàn châu Âu” cho các bên tham gia thị trường năng lượng đang đối mặt với các yêu cầu ký quỹ rất cao.

Ngày 4/9, Phần Lan và Thụy Điển đã công bố kế hoạch cung cấp hàng tỷ USD bảo đảm thanh khoản cho các công ty điện lực, trong nỗ lực ngăn chặn các yêu cầu về tài sản thế chấp đang tăng cao từ các công ty chủ nợ.

Báo cáo của EU cho biết, các yêu cầu ký quỹ đối với các hợp đồng năng lượng giao kỳ hạn đã tăng lên tương ứng với biến động giá hàng ngày. Điều này khiến cho ngày càng nhiều công ty không thể giữ các vị thế bảo hiểm rủi ro của mình, khiến họ rút khỏi thị trường kỳ hạn.

Phần lớn các công ty bán điện trước một vài năm ở một mức giá nhất định, theo một thỏa thuận yêu cầu họ phải gửi một "khoản ký quỹ tối thiểu" vào tài khoản như một mạng lưới an toàn trong trường hợp họ vỡ nợ trước khi điện được sản xuất và thực sự được cung cấp cho thị trường.

Giá điện ở châu Âu tăng vọt trong những tháng gần đây đã kích hoạt các làn sóng kêu gọi ký quỹ, gây sức ép lên tính thanh khoản đối với các bên tham gia thị trường.

Những người mua điện và khí đốt ở châu Âu đang chuẩn bị cho việc tăng giá mạnh hơn nữa khi thị trường mở cửa vào ngày 5/9, sau khi Nga tuyên bố một trong những đường ống dẫn khí đốt chính của họ đến châu Âu sẽ đóng cửa vô thời hạn.

Dòng khí đốt từ Nga sụt giảm trước và sau cuộc xung đột với Ukraine vào tháng 2/2022 đã đẩy giá khí đốt của châu Âu tăng gần 400% trong năm qua. Phía Nga cho hay sự gián đoạn này là do các vấn đề kỹ thuật.

Bất kỳ chính sách khẩn cấp nào của EU nhằm đối phó với khủng hoảng năng lượng cần được Ủy ban châu Âu đề xuất. Cơ quan này hiện đang soạn thảo các đề xuất, bao gồm việc cắt giảm tiêu thụ điện trên toàn EU và giới hạn giá điện cho các máy phát điện không chạy bằng khí đốt.

Các bộ trưởng năng lượng của EU cũng sẽ thảo luận về các giới hạn ký quỹ mà các sàn giao dịch năng lượng có thể yêu cầu và việc tạm ngừng hoạt động của các thị trường phái sinh lớn tại châu Âu.

(theo Reuters)