📞

Gia Lai: Quyết tâm khai phá thị trường Halal

Xuân Hạnh 20:00 | 21/09/2024
Những năm gần đây, Gia Lai chủ động kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tích cực liên kết các hợp tác xã, hộ gia đình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững với thị trường trong nước và xuất khẩu, trong đó có cả thị trường Halal.
Hội thảo “Triển vọng và giải pháp thúc đẩy ngành Halal ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên” tổ chức tại tỉnh Gia Lai, ngày 5/4. (Nguồn: Báo Gia Lai)

Gia Lai là tỉnh miền núi, nằm ở khu vực Bắc Tây Nguyên, là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại trong tam giác phát triển ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam và là vùng kinh tế tổng hợp bao gồm kinh tế cửa khẩu, kinh tế nông nghiệp - lâm nghiệp, công nghiệp, du lịch văn hóa - lịch sử, sinh thái gắn với cảnh quan thiên nhiên.

Với lợi thế trong giao thông đi lại, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kết nối Gia Lai với các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ với nhiều địa phương trong nước và quốc tế.

Giàu tiềm năng nông nghiệp

Tiềm năng phát triển nông nghiệp của mảnh đất Tây Nguyên vô cùng lớn. Gia Lai sở hữu diện tích đất tự nhiên là 1.551.013 ha, đứng thứ hai cả nước. Tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp của tỉnh là 1.407.709 ha (trong đó có 837.643 ha đất sản xuất nông nghiệp). Tỉnh có hai cao nguyên (cao nguyên Pleiku và cao nguyên Kon Hà Nừng) đất đỏ bazan màu mỡ, được thiên nhiên ưu đãi, là điều kiện thuận lợi và nguồn lực quan trọng trong phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, Gia Lai có khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên, trong năm chia làm hai mùa. Mùa mưa bắt đầu từ tháng Năm và kết thúc vào tháng 10, mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng Tư năm sau.

Với tiềm năng để phát triển nông nghiệp như đất đai rất rộng lớn, thổ nhưỡng màu mỡ, khí hậu ôn hòa chia làm hai khu vực đối nhau về mùa vụ rất phù hợp cho Gia Lai phát triển đa dạng cây trồng và vật nuôi, nhất là phát triển cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, dược liệu và chăn nuôi đại gia súc, gia cầm để phục vụ công nghiệp chế biến nông lâm sản.

Hiện tại, các mặt hàng nông sản có thể xuất khẩu của tỉnh bao gồm: Tinh bột sắn (diện tích hiện có 80.441 ha, sản lượng 1.596.389 tấn), cà phê (106.131 ha, sản lượng 290.980 tấn), cao su (diện tích 86.870 ha, sản lượng 95.390 ngàn tấn/năm), hồ tiêu (8.798 ha, sản lượng 28.580 tấn). Cây ăn quả các loại: chanh leo, bơ, sầu riêng, chuối, mít, xoài... (32.095 ha) và vật nuôi gồm bò thịt (452.500 con), heo (783.000 con), mật ong (5.760 đàn).

Hợp tác hiệu quả với Trung Đông-châu Phi

Bên cạnh những thị trường truyền thống và trọng điểm như Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Mỹ, châu Âu… nông, lâm, thủy sản Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng đang được xúc tiến xuất khẩu sang các quốc gia khu vực Trung Đông và châu Phi.

Song song với đó, thị trường châu Phi có các mặt hàng xuất khẩu như ca cao, bông, hạt vừng, vani và nho. Đây là những mặt hàng nông sản mà châu Phi xuất khẩu nhiều nhất trong các năm qua, đã chứng minh được giá trị trên thị trường các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và châu Âu…

Đối với các nước Trung Đông, các mặt hàng có thể nhập khẩu từ đây (chủ yếu là Israel) là các thiết bị và vật tư nông nghiệp, phân bón các loại.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có hơn 30 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thường xuyên và các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm: cà phê, cao su, mì lát, hồ tiêu, sản phẩm gỗ… đã có mặt trên thị trường của gần 40 quốc gia. Một số ngành hàng của tỉnh đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng đối với thị trường khó tính như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản…

Trong tương lai, một số doanh nghiệp có năng lực xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Gia Lai có thể tham gia xuất nhập khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh vào thị trường châu Phi và Trung Đông trong thời gian tới như: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty Cổ phần nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn, Công ty Phát triển khoa học quốc tế Trường Sinh, Công ty TNHH MTV XNK rau quả Doveco Gia Lai, các Công ty cao su thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, Công ty TNHH XNK Hoa Trang, Công ty CP chè Biển Hồ...

Để tăng cường hợp tác hiệu quả với các nước Trung Đông-châu Phi, sáng kiến của Gia Lai là:

Thứ nhất, chia sẻ kỹ thuật và công nghệ: Tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị và tham quan học hỏi lẫn nhau để chia sẻ kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp Gia Lai và các quốc gia tận dụng tối đa tiềm năng của mình và tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Thứ hai, tổ chức xúc tiến đầu tư: Tạo ra môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp từ các quốc gia Trung Đông-châu Phi.

Thứ ba, hợp tác nghiên cứu và phát triển: Thúc đẩy các dự án nghiên cứu và phát triển chung trong lĩnh vực nông nghiệp. Cùng nhau nghiên cứu về các loại cây trồng thích nghi với khí hậu và điều kiện địa phương, phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp.

Thứ tư, xây dựng liên kết thương mại: Thúc đẩy việc thương mại hóa sản phẩm nông nghiệp thông qua việc tìm kiếm các thị trường mới và mở rộng quy mô xuất nhập khẩu.

Thứ năm, việc tăng cường hợp tác hiệu quả với các nước Trung Đông - châu Phi trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ mang lại nhiều lợi ích, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực và phát triển kinh tế của Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung.

Vườn chè của Công ty CP chè Biển Hồ. (Nguồn: Công ty CP chè Biển Hồ)

Halal - Không gian mới, hướng đi mới

Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” được xem là hướng đi mới trong công tác ngoại giao kinh tế, nhằm khai mở thị trường Halal toàn cầu rất giàu tiềm năng với quy mô khoảng 10.000 tỷ USD vào năm 2028.

Với Gia Lai, Halal là thị trường mới mẻ, đầy tiềm năng, với dân số trên hai tỷ người. Khai thác hiệu quả thị trường này sẽ hình thành không gian mới, rộng mở cho sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có bảy doanh nghiệp được chứng nhận Halal. Các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này gồm: Tiêu hạt, chè, hạt điều, đường, cà phê rang xay, cà phê hòa tan, cà phê nhân xô. Đây là tiền đề quan trọng để khuyến khích nhiều tổ chức, doanh nghiệp của tỉnh tiếp tục sản xuất và chứng nhận Halal, tham gia ngày càng hiệu quả hơn vào thị trường này.

Dù là thị trường tiềm năng, nhưng các sản phẩm của tỉnh tham gia vào thị trường Halal còn rất hạn chế. Halal là khái niệm còn ít được biết đến, khó khăn đối với sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm Halal là sự thiếu thông tin về thị trường, tiêu chuẩn Halal; đồng thời, chi phí trong đầu tư dây chuyền sản xuất, trang thiết bị để sản xuất sản phẩm Halal hiện tương đối cao.

Không chỉ thế, tiêu chuẩn Halal không chỉ áp dụng cho sản phẩm đầu ra, mà là cả một quá trình từ dây chuyền sản xuất, trang thiết bị riêng biệt, nguồn nguyên liệu an toàn cho đến khâu đóng gói, vận chuyển, bảo quản… đều phải theo tiêu chuẩn Halal, nên chi phí ban đầu doanh nghiệp đầu tư để đạt được chứng nhận Halal lớn hơn nhiều so với chi phí sản xuất sản phẩm xuất khẩu thông thường.

Tuy nhiên, với quyết tâm khai mở không gian phát triển mới, ngày 25/5/2023, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND về việc Thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”. Theo đó, Gia Lai đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tận dụng tối đa các nguồn lực bên ngoài về vốn, tài chính, công nghệ, tri thức, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm với các nước Hồi giáo để phát triển ngành Halal bền vững, toàn diện, thúc đẩy sản phẩm Halal của Gia Lai tham gia sâu, hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.

Tỉnh phấn đấu, đến năm 2030 tăng gấp rưỡi số lượng doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ đạt chứng nhận Halal và cùng các địa phương khác tiến sâu vào thị trường tiềm năng này.