📞

“Gia tài” bản đồ đáng kinh ngạc của một kỹ sư Mỹ

09:56 | 04/12/2016
Trong suốt cuộc đời của mình, Robert Berlo đã sở hữu một “gia tài đồ sộ”  với hơn 12.000 tấm bản đồ về địa lý, dân cư, cũng như giao thông của nước Mỹ. Bộ sưu tập của ông trở thành nguồn tư liệu quý giá phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học.

Đam mê từ thời niên thiếu

Từ nhỏ Robert Berlo đã có niềm đam mê với những tấm bản đồ chỉ đường. Trong mỗi chuyến đi nghỉ dưỡng với gia đình, cậu bé Robert thường xuyên chọn ngồi ở vị trí ghế sau cùng trên xe để tiện nghiên cứu những tấm bản đồ mà cậu mang theo. Khi lên 10 tuổi, cậu bé Robert đã biến đam mê của mình thành hiện thực bằng cách bắt đầu sưu tầm bản đồ kể từ đó.

Ông Robert Berlo trong một chuyến đi. (Nguồn: National Geographic)

Cho đến khi qua đời vào năm 2012 và hưởng thọ 71 tuổi, Robert Berlo đã sưu tầm được hơn 12.000 tấm bản đồ, trong đó có cả bản đồ địa hình và bản đồ chỉ đường. Không chỉ vậy, Berlo dành rất nhiều thời gian để khai thác các thông tin trên bản đồ để tạo thành các dữ liệu, bảng mẫu, biểu đồ, đồ thị… và nhiều yếu tố khác như hệ thống giao thông vận tải đến lịch sử  phát triển dân số. Đến nay, bộ sưu tập bản đồ của Berlo giống như một thế giới bí ẩn, trong đó lưu trữ các thông tin mà ít người biết đến.

Một con người chăm chỉ và tài giỏi

Mark Berlo, con trai của  Robert cho biết, cha mình lúc nào cũng là người có vốn kiến ​​thức uyên bác. Cậu vẫn nhớ rất rõ, khi còn nhỏ, cha cậu luôn vạch ra lộ trình tốt nhất cho tất cả các chuyến đi dã ngoại của gia đình, bao gồm những địa điểm gần nhất để tiếp nhiên liệu hoặc mua thực phẩm ven đường. Từ đó cho đến khi Mark trưởng thành, ông Robert luôn hết sức chu đáo khi thiết kế những chiếc thẻ nhỏ, trong đó liệt kê những nơi mà họ sẽ ghé thăm trên lộ trình của gia đình trong mỗi chuyến đi chơi.

Ông Robert Berlo có thói quen sưu tập vô cùng ngăn nắp. (Nguồn: National Geographic)

Bà Juanita - vợ của Robert tự hào nói về chồng mình, rằng ông là một người tài giỏi: “Thường sau bữa ăn tối, trong khi những thành viên khác trong gia đình xem ti-vi hoặc nghỉ ngơi thì Berlo lại có thói quen nghe nhạc cổ điển, miệt mài bên bàn làm việc và nghiên cứu những tấm bản đồ cho đến tận khuya. Trong xe của ông ấy lúc nào cũng có bản đồ. Ông ấy có thể vừa đọc bản đồ vừa lái xe rồi gấp chúng lại cẩn thận khi vẫn đang lái xe”.

Kho thông tin đồ sộ

Sau khi ông Robert mất, bà Juanita vẫn sống trong ngôi nhà xây dựng hơn nữa thế kỷ của vợ chồng bà tại Livermore, bang California. Mỗi khi có khách đến thăm, bà lấy ra một phong bì lớn chứa bản đồ và ghi chú của chồng lúc sinh thời. Mọi thứ bên trong được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, ví dụ như lịch trình các chuyến bay của sân bay MUNI, hệ thống xe buýt và xe điện của thành phố San Francisco. Ngoài ra còn có chỉ dẫn đường đi đến sân bay MUNI được ông thu thập từ các cuốn danh bạ điện thoại và nhiều nguồn khác (có vẻ như Robert muốn kiểm chứng độ chính xác của những thông tin từ các tấm bản đồ mà mình thu thập được). Ngoài ra còn có rất nhiều ghi chú, cả viết tay và đánh máy, và một lá thư từ một nhân viên sân bay MUNI hồi đáp yêu cầu của Berlo về cách thức truy cập thông tin các tuyến đường và dịch vụ.

Robert Berlo hình dung ra một thành phố rìa dãy Grand Canyon.(Nguồn: National Geographic)

Juanita cũng thường cho khách xem một số bản đồ của những địa điểm mà Berlo hình dung để vẽ ra. Một tấm mô tả một thành phố dọc theo bờ hồ Mono ở phía Đông California, một tấm khác mô tả một thành phố dọc bờ rìa phía Bắc dãy núi Grand Canyon. Mạng lưới đường phố phức tạp bao gồm tên các con đường do chính tay Robert cẩn thận vẽ lại (trong đó có số mượn từ tên một số dân địa phương ở San Francisco ) và chuỗi  ký hiệu giao thông. Các tuyến đường sắt, công viên, kênh rạch và nhiều chi tiết khác được Robert mô tả trong các tấm bản đồ.

Mark Berlo nghĩ, cha mình đã vẽ các bản đồ này chủ yếu là để cho vui, giống như chơi một phiên bản giấy với bút chì của trò chơi xây dựng thành phố Sim City. Khi ông vẽ một thành phố, ông sẽ thể hiện mọi đặc điểm của thành phố đó như thật trên bản đồ.

Bản đồ "thị trấn tưởng tượng" Millsburg, California. (Nguồn: National Geographic)

Nguồn tư liệu hữu ích

Năm 2011, trước khi qua đời, Berlo đã tặng bộ sưu tập đồ sộ của mình cho Đại học Stanford. Ngôi trường này cũng lưu giữ một số cuốn sách của Berlo do chính tay ông viết và xuất bản. Một trong số đó tập hồ sơ dày có chứa tập bản đồ được bọc vải cẩn thận nằm ở thư viện chính của trường. Bên ngoài tập hồ sơ với ghi tiêu đề: Lịch sử Dân số Bang California. Bên trong là hàng trăm biểu mẫu, biểu đồ, bảng thống kê chi tiết dân số các thành phố và thị trấn ở California có niên đại từ năm 1769, thời điểm mà những người Tây Ban Nha đầu tiên được đặt chất đến San Diego. Robert viết những cuốn sách trên nhằm nỗ lực “tái hiện” lịch sử dân số của các thành phố từng tồn tại ở bang California.

Ngoài ra, Berlo hy vọng việc viết sách sẽ bổ sung những thông tin thiếu sót về dân cư từ Cục Điều tra dân số Mỹ. Trong những quyển sách của mình, ông cho biết, trước năm 2000, Cục trên đã không tính đến những người sống ở những nơi không có ranh giới được xác định một cách hợp pháp.

Berlo theo dõi và thu thập những ước lượng dân số được liệt kê từ các nguồn không chính thức, bao gồm cả bộ sưu tập lộ trình và tập bản đồ khổng lồ. Tổng cộng, cuốn sách có chứa dữ liệu dân số của trên 5.500 thành phố, thị trấn và các khu định cư khác, tại California.

Tấm bản đồ xuất bản năm 1929 từ bộ sưu tập của Berlo, mô tả Portland, bang Oregon. (Nguồn: National Geographic)

Ông Jon Christensen, nhà sử học tại Đại học California (Los Angeles) nhận định: Thoạt đầu, mọi người nghĩ đây là một cuộc nghiên cứu lịch sử mang tính nghiệp dư, thế nhưng lại được Berlo thực hiện một cách rất chuyên nghiệp. Độ chính xác của những con số ước tính phần lớn phụ thuộc vào tính chính xác các nguồn dữ liệu mà ông thu thập được.

Christensen cho rằng, công việc nghiên cứu của Robert Berlo mở ra hướng đi mới cho các nhà sử học chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư ngày nay.

Tấm bản đồ này được Robert Berlo treo trên tường nhà để ông theo dõi số lần bản thân tới các quận nào của Mỹ. (Nguồn: National Geographic)

Trong khi đó, nhà khoa học chính trị Clayton Nall (Đại học Standfort) đã sử dụng bộ sưu tập bản đồ của Berlo để nghiên cứu những vấn đề chính trị đằng sau sự phát triển của hệ thống đường cao tốc Mỹ, cũng như nghiên cứu biện pháp mở rộng những con đường cao tốc mà đã góp phần xây dựng  sự phát triển các thành thị - nông thôn ở Mỹ.

Cho đến nay, nhóm nghiên cứu của Nall đã dành hơn khoảng 3.000 giờ làm việc để số hóa bản đồ con đường Rand McNally được xây dựng từ năm 1926. Một khi các bản đồ được số hóa và xử lý, chúng có thể được ứng dụng cho công tác thống kê và phân tích dữ liệu ở địa phượng  hoặc hỗ trợ cho việc xây dựng mạng lưới giao thông tại đây thuận tiện hơn.

(theo National Geographic)