📞
KINH TẾ HẬU COVID-19:

Gia tăng cơ hội phát triển, Việt Nam cần thúc đẩy chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu

Chu Văn 10:55 | 16/05/2020
TGVN. Báo Sankei ngày 15/5 dẫn nguồn từ báo cáo của Trung tâm Nhật Bản-ASEAN cho rằng, Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa giá trị gia tăng nội địa trong lĩnh vực xuất khẩu.
Đẩy mạnh việc tham gia GVC sẽ làm gia tăng cơ hội để phát triển kinh tế hơn nữa. (Nguồn: Baodauthau)

Từ một trong những nước nghèo nhất thế giới những năm 1980, hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào về việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, giá trị gia tăng có được từ hoạt động xuất khẩu của Việt Nam lại rất thấp (năm 2019 đạt 69 tỷ USD), chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng (260 tỷ USD).

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài quy mô lớn tại Việt Nam (FDI), đặc biệt là FDI trong lĩnh vực gia công xuất khẩu có ý nghĩa giúp Việt Nam trở thành một địa điểm thuận lợi để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu.

Mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng lên hàng năm nhưng đóng góp của giá trị gia tăng nội địa trong lĩnh vực xuất khẩu đối với nền kinh tế lại rất nhỏ. Nếu xét theo tỉ lệ GDP, con số này của Việt Nam chỉ là 12%, trong khi mức trung bình của các nước ASEAN là 33%.

Hiệu quả của FDI đối với xuất khẩu và kinh tế phụ thuộc vào cấu trúc giá trị gia tăng của kinh tế Việt Nam. Trong nền kinh tế Việt Nam, ngành chế tạo, sản xuất thuốc lá, thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm đang thể hiện hiệu quả tương đối lớn. Khi hiệu quả này càng lớn thì FDI ảnh hưởng càng lớn đến nền kinh tế.

Chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu (GVC) của Việt Nam thể hiện mức độ tham gia của Việt Nam vào chuỗi sản xuất toàn cầu và khu vực. Trong 30 năm, mức độ đóng góp của các nước đối với xuất khẩu giá trị gia tăng của Việt Nam biến động ở mức 23% đến 42% và đạt ổn định từ 32%-33%. Các nước ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc cùng với Nhật Bản đang dần trở thành một phần trong GVC của Việt Nam.

Tại Việt Nam, vai trò của hàng hóa trung gian nhập khẩu từ Nhật Bản và được sử dụng trong xuất khẩu tương đối quan trọng (chiếm 7% tổng xuất khẩu), trong khi tỷ lệ này tại các nước ASEAN khác lại tương đối thấp.

Sự biến động tỷ lệ tham gia GVC của Việt Nam do nguồn cung hàng hóa thứ cấp chứ không hẳn là do chuỗi cung ứng giá trị. Mặc dù Việt Nam đã tham gia nhiều hơn nhờ mạng lưới sản xuất mang tính quốc tế, tuy nhiên, mức độ tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị trong khu vực ASEAN còn thấp và chưa đạt mức trung bình của các nước thuộc khối.

FDI và GVC có mối quan hệ với nhau. Cả hai đều mang lại lợi ích cho nền kinh tế. Đẩy mạnh tham gia GVC sẽ làm gia tăng cơ hội để phát triển kinh tế hơn nữa.

Để tận dụng được cả FDI và GVC, Chính phủ Việt Nam cần cải thiện các thủ tục hành chính, các khung pháp lý để có thể hỗ trợ các ngành chuyên môn trong lĩnh vực sản xuất nội địa. Ngoài ra, cùng với thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, công nghệ kỹ thuật cao, Việt Nam cần tiến hành thúc đẩy cải cách kinh tế trên cơ sở chính sách Đổi mới để có thể thu hút hơn nữa nguồn vốn FDI.