Số ca nhiễm mới tại Singapore gia tăng nhanh chóng những ngày vừa qua khi quốc gia này đang triển khai kế hoạc 'sống chung' với Covid-19. (Nguồn: Straits Times) |
Trong một tháng qua, Singapore đã chứng kiến sự gia tăng đột biến về các ca nhiễm mới, chủ yếu từ các địa điểm tập trung đông người như bến xe bus, ký túc xá của công nhân nhập cư, các trung tâm mua sắm…
Theo Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quốc gia (NCID), từ tháng 2 đến tháng 12/2020, Singapore chỉ có khoảng 200 ca nhiễm trong cộng đồng mỗi tháng, thì 8 tháng đầu năm nay, số ca nhiễm đã tăng lên 590 người, chủ yếu do diễn biến phức tạp của biến chủng Delta. Số trường hợp mắc mới trong cộng đồng đã tăng lên 1.325 trong tuần qua, so với 723 trường hợp của tuần trước đó.
Trong buổi họp báo hôm 6/9, Bộ trưởng Tài chính, kiêm Chủ tịch lực lượng liên bộ điều phối Covid-19 Singapore Lawrence Wong đã công bố các biện pháp mới nhằm ngăn chặn sự lây lan và kéo dài thời gian để tạo thuận lợi cho công tác tiêm chủng. Một phần là do các loại vaccine hiện chỉ giúp bảo vệ người bệnh tránh bị chuyển biến nặng nhưng không ngăn ngừa được khả năng nhiễm bệnh, đặc biệt đối với khả năng lây lan của biến chủng Delta.
Tin liên quan |
Vì sao Singapore tự tin 'sống chung' với Covid-19? |
"Chúng ta phải làm chậm tốc độ lây nhiễm", ông Lawrence Wong nhấn mạnh. "Đây là những biện pháp cuối cùng. Chúng ta sẽ cố hết sức để hạn chế tái áp dụng các biện pháp phòng dịch cao hơn, nhưng chúng ta cũng không nên loại trừ hoàn toàn khả năng này", ông Wong nói thêm.
Bộ trưởng Y tế nước này Ong Ye Kung cũng cho biết, thực tế vaccine chỉ có hiệu quả khoảng 40% trong việc ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm và khả năng bảo vệ có thể bị suy yếu vài tháng sau khi tiêm.
Thông tin này được đưa ra chỉ 3 ngày sau khi Bộ trưởng Lawrence Wong tuyên bố đảo quốc sư tử đang trong giai đoạn mở cửa trở lại và sẽ dựa vào chiến dịch tiêm chủng và xét nghiệm để kiểm soát tình hình Covid-19 (vào 3/9). Và sẽ không có kế hoạch thắt chặt các hạn chế trong giai đoạn này khi đất nước chuyển sang sống chung với dịch bệnh.
Giáo sư Leo Yee Sin, Giám đốc điều hành của NCID cho biết, Singapore sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc chiến chống lại biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 nếu chỉ dựa vào vaccine.
“Nếu năm 2020, chúng tôi chỉ cần nỗ lực 100% thì đến năm nay, chúng tôi sẽ phải nỗ lực đến 200%”, bà nói trong một cuộc phỏng vấn nhân kỷ niệm năm thứ 2 hoạt động của Trung tâm.
Điều này cũng đồng nghĩa, kể cả khi đã được tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19, người dân vẫn nên thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ và chủ động giữ gìn sức khỏe.
Giáo sư Leo Yee Sin đã chỉ ra 3 đặc điểm khiến biến thể Delta - chiếm 99,6% các ca nhiễm mới tại Singapore được NCID thống kê từ cuối tháng Tư đến cuối tháng Tám năm nay - dễ lây lan hơn so với phiên bản gốc ban đầu.
Thứ nhất, những người bị nhiễm biến thể này thường sẽ có hàm lượng virus lớn hơn. Thứ hai, chủng này có khả năng bám vào đường hô hấp trên của người bệnh lâu hơn. Cuối cùng, với thời gian ủ bệnh rút ngắn chỉ từ 3-5 ngày, chủng Delta vì thế cũng có khả năng truyền sang người khác nhanh hơn.
Giáo sư Leo Yee Sin cho biết thêm, nếu việc bùng phát không được kiểm soát đúng cách, Singapore có thể sẽ phải chứng kiến sự gia tăng số ca nhiễm theo cấp số nhân: “Có một điều mà chúng ta phải nhớ rằng chủng virus này có thể gây ra sự gia tăng rất nhanh các ca bệnh trong cộng đồng”.
Các nghiên cứu quốc tế cho thấy, một F0 nhiễm biến thể Delta có thể lây truyền cho từ 5-8 người, tương tự như bệnh thủy đậu. So với phiên bản gốc, biến thể này dễ lây lan hơn gấp 2 lần và số ca nhiễm sẽ tiếp tục gia tăng không ngừng nếu các biện pháp về giữ khoảng cách an toàn bị loại bỏ.
Những người chưa được tiêm chủng nếu nhiễm biến thể Delta sẽ phát triển các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với phiên bản ban đầu. Số ca nặng ở người trong độ tuổi 40, 50 cũng gia tăng hơn.
“Rất nhiều người mang tâm lý chủ quan sau khi tiêm phòng đầy đủ. Vì vậy, thông điệp của chúng tôi muốn gửi đến họ là không có thời gian cho sự tự mãn, ngay cả khi đã được tiêm phòng”, Giáo sư Leo Yee Sin nhấn mạnh.
| Người dị ứng với kháng sinh và thực phẩm có nên tiêm vaccine Covid-19? Người có cơ địa mẫn cảm, người bị dị ứng kháng sinh thường thận trọng với việc sử dụng thuốc và tiêm chủng. Những đối ... |
| Loại vaccine nào chống lại biến thể Delta hiệu quả nhất? Một nghiên cứu mới đánh giá vaccine Moderna đạt hiệu quả cao nhất trong việc chống lại biến thể Delta đang lan tràn khắp các ... |