Theo báo cáo trên, dù tỷ lệ nam giới và nữ giới sử dụng thuốc lá mỗi ngày đã giảm ở hầu hết các quốc gia kể từ năm 1990, song tỷ lệ tử vong đối với những người hút thuốc lá và mắc các các bệnh liên quan đến thuốc lá lại tăng.
Theo báo cáo trên, hơn 930 triệu người hút thuốc mỗi ngày trong năm 2015, tăng 60 triệu người (tức 7%) so với năm 1990, theo đó, cứ 4 người đàn ông thì có 1 người hút thuốc, và cứ 20 người phụ nữ thì có 1 người hút thuốc mỗi ngày. Tỷ lệ này giảm đáng kể so với 25 năm trước, khi cứ 3 người đàn ông có 1 người hút thuốc và 12 phụ nữ có 1 người hút thuốc mỗi ngày. Tuy nhiên, số người tử vong do thuốc lá lại lên tới 6,4 triệu người trong năm 2015, tăng 4,7%. Theo đó, cứ 10 người lại có 1 người tử vong do hút thuốc trên thế giới, và một nửa trong số này đến từ 4 quốc gia gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga.
Những người nghiện thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi cao. Các nghiên cứu cho thấy bỏ hút thuốc ở mọi lứa tuổi có thể làm giảm cơ hội phát triển của bệnh. (Nguồn: PA) |
Trên thực tế, một số nước có số người hút thuốc lá giảm mạnh do chính quyền đánh thuế thuốc lá cao hơn, thực hiện các chiến dịch tuyên truyền, cảnh báo và các chương trình giúp người dân từ bỏ thói quen hút thuốc. Brazil là một trong những nước đi đầu trong hơn 25 năm qua, với số người hút thuốc lá mỗi ngày giảm từ 29 xuống còn 12% đối với nam và từ 19 xuống còn 8% đối với nữ.
Tuy nhiên, số người hút thuốc lá tại Indonesia, Bangladesh và Philippines lại không thay đổi trong suốt giai đoạn từ năm 1990-2015. Ở Nga, nơi chính sách kiểm soát thuốc lá chỉ bắt đầu được tiến hành vào năm 2014, tỷ lệ phụ nữ hút thuốc đã tăng hơn 4%. Xu hướng này cũng đang tăng ở phần lớn các nước châu Phi. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo số người hút thuốc ở khu vực Nam Sahara sẽ tăng lên tới 50% vào năm 2025, so với mức của năm 2010.
Các nhà khoa học cho rằng, hút thuốc lá vẫn là nguy cơ cao thứ 2 dẫn đến chết sớm và tàn tật sau huyết áp cao, và tỷ lệ tử vong do thuốc lá có thể sẽ tăng cao khi các công ty thuốc lá tiếp cận các thị trường mới, đặc biệt là các nước đang phát triển. Theo nhà nghiên cứu John Britton, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Rượu và Thuốc lá, Đại học Nottingham (Anh), lợi nhuận mà ngành công nghiệp thuốc lá thu được chủ yếu là do biến trẻ em và những người trẻ tuổi ở các nước nghèo thành những con nghiện thuốc lá. Trong khi đó, các chiến dịch chống thuốc lá của thế giới, trong đó có hiệp ước kiểm soát thuốc lá ở 180 quốc gia ký năm 2005, chủ yếu chỉ tập trung vào người dùng mà không phải nhà sản xuất.
Trong khi đó, WHO cũng nhấn mạnh thuốc lá là loại thuốc hợp pháp duy nhất cướp đi sinh mạng của nhiều người khi sử dụng. Theo WHO, 1/2 số người hút thuốc lá mỗi ngày sẽ bị chết sớm nếu không thay đổi thói quen hút thuốc.