📞

Giá thuê văn phòng tại Hà Nội và TP. HCM: Yếu tố tạo nên sự khác biệt

Bảo Lan 16:05 | 11/06/2021
Theo báo cáo mới nhất của tập đoàn nghiên cứu bất động sản (BĐS) toàn cầu Savills, giá thuê văn phòng tại TP. HCM và Hà Nội có sự khác biệt rõ rệt.
Thị trường văn phòng TP.HCM hiện mới chỉ tập trung chủ yếu tại khu vực trung tâm quận 1. (Ảnh: Bảo Lan)

Nhu cầu dẫn đến sự dịch chuyển

Theo Savills, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng cho sự dịch chuyển các doanh nghiệp trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một phần từ tác động của dịch Covid-19 tại Trung Quốc, mà quan trọng hơn là Việt Nam có nhiều lợi thế từ các chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, an ninh được đảm bảo, chỉ số phát triển kinh tế được kiểm soát. Cùng với đó là lực lượng lao động trẻ dồi dào chiếm hơn 60% dân số có độ tuổi trung bình từ 18- 45 tuổi.

“Đó là những dấu hiệu tích cực và thúc đẩy Việt Nam trở thành thị trường tìm kiếm dịch chuyển văn phòng của các nhà đầu tư, nhất các doanh nghiệp đầu tư trong khu vực. Trong đó, phải kể đến sự quan tâm của các doanh nghiệp từ Nhật Bản và Hàn Quốc”, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội cho hay.

Các văn phòng cao cấp hướng đến đối tượng khách thuê doanh nghiệp thường được ưu tiên phát triển tại các khu vực kinh tế trọng điểm của một thành phố lớn như khu vực Hoàn Kiếm (Hà Nội) và khu vực quận 1 (TP. HCM).

Tuy nhiên, đại diện Savills cũng cho rằng, do quỹ đất bị giới hạn và chi phí phát triển BĐS tại các khu vực trung tâm các thành phố lớn không hề thấp, mặc dù nhu cầu lớn, các nhà phát triển BĐS văn phòng tại Hà Nội và TP. HCM cũng tìm kiếm cơ hội dịch chuyển/ mở rộng các dự án ra khu vực ngoài trung tâm.

Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thị trường văn phòng năm 2021 và những năm sau đó sẽ tiếp tục gia tăng, không chỉ từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư (NĐT) trong khu vực, mà còn từ các NĐT đa quốc gia đến từ châu Âu, Mỹ, và chủ yếu là doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ - tài chính, viễn thông, bảo hiểm nhân thọ và BĐS…

Trong tương lai, thị trường văn phòng cho thuê ở Việt Nam vẫn ghi nhận những tín hiệu hồi phục tích cực.

Vị trí tạo nên khác biệt lớn

Báo cáo của Savills chỉ ra, TP. HCM và Hà Nội là hai thị trường tiềm năng trong lĩnh vực văn phòng đối với các doanh nghiệp FDI có nhu cầu dịch chuyển. Đây cũng là những yếu tố tiếp tục thúc đẩy các NĐT phát triển thị trường văn phòng.

Tuy nhiên, cũng có sự khác biệt lớn khi chi phí vẫn là yếu tố ảnh hưởng đến quyết định dịch chuyển, lựa chọn văn phòng của NĐT.

Theo Savills, các dự án tòa nhà văn phòng tại Hà Nội bắt đầu từ 10 năm trước, và hiện các dự án hạng A phân bổ ở ba khu vực khác nhau. Trong khi đó, sự dịch chuyển văn phòng tại TP. HCM mới chỉ diễn ra trong hai năm trở lại đây, còn trước đó phần lớn tập trung tại một khu vực trung tâm. Đây là một trong những yếu tố dẫn đến sự chênh lệch rõ rệt về giá thuê của hai thị trường và xu hướng dịch chuyển từ các NĐT.

“Việc chuyển dịch từ rất sớm ở thị trường Hà Nội đã tác động tích cực, mang đến cho khách thuê những lợi ích nhất định và chất lượng tòa nhà rất tốt và đến nay, sau gần 10 năm “sắp xếp”, thị trường Hà Nội đã ổn định. Trong khi đó, TP. HCM phải cần thêm 3-5 năm nữa mới có thể hình thành rõ rệt các khu vực mới tập trung văn phòng hạng A như thị trường Hà Nội”, bà Từ Thị Hồng An - Giám đốc Cho thuê Thương mại của Savills TP. HCM chia sẻ.

Tuy nhiên, các tập đoàn đa quốc gia vẫn luôn đánh giá TP. HCM là trung tâm kinh tế lớn nên thành phố này luôn là lựa chọn hàng đầu để đặt trụ sở chính. Song, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn ưu tiên mở văn phòng tại Hà Nội với 46%, trong khi TP. HCM chỉ là 35%.

Bà Hồng An cũng dự báo, tại TP. HCM, đang có các quận tiềm năng để phát triển các tòa nhà văn phòng với nhu cầu khách thuê cao như khu vực quận 2, quận 7 và quận Thủ Đức. Tuy vậy, các khu vực này chưa hình thành rõ ràng là trung tâm mới tại TP. HCM, khi khách thuê tìm kiếm văn phòng hạng A thì lựa chọn đầu tiên vẫn là quận 1.

Nghiên cứu của Savills còn cho thấy, sự khác biệt cũng được tạo ra từ văn hóa quốc gia của họ, khi phụ thuộc vào cộng đồng các nhóm doanh nghiệp. Chẳng hạn tập đoàn Samsung - doanh nghiệp Hàn Quốc đang có mức đầu tư lớn nhất vào thị trường Việt Nam, tập trung hai trung tâm công nghệ sản xuất và phát triển lớn nhất tại Bắc Ninh và Thái Nguyên. Điều này cũng góp phần thu hút các doanh nghiệp Hàn Quốc vào thị trường Hà Nội. Trong khi đó, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào thị trường Việt Nam thường nhắm vào mảng sản xuất (Manufacturing) và cũng có xu hướng xây dựng cộng đồng.

Cuối cùng, đại diện của Savills cho rằng, sự khác biệt được tạo ra bởi xu hướng hình thành cộng đồng doanh nghiệp, dẫn đến sự khác biệt cung – cầu của thị trường và tất nhiên, giá thuê cũng theo đó mà có sự khác nhau.

Trong tương lai, báo cáo của Savills Việt Nam kết luận: Thị trường văn phòng Việt Nam vẫn ghi nhận những tín hiệu hồi phục tích cực. Dự báo đến năm 2023, Hà Nội vẫn có thêm các dự án hạng A mới tập trung tại quận Ba Đình (khu Nội thành) và quận Cầu Giấy (khu phía Tây), giá thuê trung bình hạng A tại Hà Nội được kỳ vọng tăng đến 35 - 37USD/m2/tháng. Tại TP. HCM, nhu cầu từ các doanh nghiệp được ghi nhận vẫn tiếp tục gia tăng và sẽ vượt cả nguồn cung, giá thuê văn phòng hạng A được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng ở mức 3%/năm.