📞

Giá tiêu hôm nay 12/7/2023, tiêu Việt sang thị trường Trung Quốc nhiều nhưng giá thấp nhất, đối mặt rủi ro hủy kèo

Hải An 06:06 | 12/07/2023
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 67.500 – 70.500 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay 12/7/2023, tiêu Việt sang thị trường Trung Quốc nhiều nhưng giá thấp nhất, đối mặt rủi ro hủy kèo, đột ngột dừng mua. (Nguồn: Public Goods Blog)

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 67.500 – 70.500 đồng/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 67.500 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (68.000 đồng/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (68.500 đồng/kg); Bình Phước (69.500 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 70.500 đồng/kg.

6 tháng đầu năm 2023, theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam vừa công bố, giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3.484 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.011 USD/tấn, giảm lần lượt 879 USD đối với tiêu đen và 1.070 USD đối với tiêu trắng.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 đạt 50.369 tấn, chiếm 32,9% thị phần. Tuy nhiên, đối với thị trường hơn tỷ dân này, thực tế nhiều năm qua, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Điều này đối mặt với những rủi ro, nhất là tình trạng tắc nghẽn cửa khẩu do phía Trung Quốc đột ngột dừng mua, huỷ kèo…

Mới đây, trong dự thảo Nghị định 14/2018/NĐ-CP về thương mại biên giới, Bộ Công Thương đề xuất đến 1/1/2028, tất cả cửa khẩu, lối mở chỉ cho phép làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng đã vào được Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.

Khi nghị định này được thực thi sẽ tốt cho ngành hồ tiêu, vì thương lái Trung Quốc sẽ không chia nhỏ lô hàng như hiện nay mà phải mua chính ngạch, cạnh tranh với các doanh nghiệp chính thống Việt Nam. Lúc đó, các doanh nghiệp hiện đang xuất khẩu chính ngạch sẽ được hưởng lợi.

Song, doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng yêu cầu khắt khe hơn từ phía Trung Quốc như phải có mã số vùng trồng được đăng ký với sở nông nghiệp các địa phương cấp; vùng trồng đạt được chứng nhận GAP (VietGAP, GlobalGAP, ASEANGAP) hoặc chứng nhận tương đương được Việt Nam và quốc tế công nhận.

Theo dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc, 6 tháng đầu năm 2023, dù lượng tiêu Việt Nam xuất khẩu sang đây phục hồi mạnh so với cùng kỳ nhờ động thái mở cửa nền kinh tế sau nhiều năm thực hiện chính sách Zero Coivd nhưng giá tiêu xuất khẩu trung bình trong nửa đầu năm nay vẫn thấp hơn hơn khoảng 18% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 3.584 USD/tấn.

Trong top 5 thị trường xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc, Việt Nam đứng thứ hai về thị phần (sau Indonesia) nhưng giá bán lại thấp nhất so với các đối thủ.

Trước đó, Trung Quốc là động lực chính giúp giá tiêu nội địa liên tục tăng mạnh trong những tháng đầu năm khi nhu cầu nhập khẩu tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong nửa đầu năm nay, lượng tiêu xuất khẩu sang Trung Quốc tăng gấp gần 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên 50.369 tấn.

Ngoài Trung Quốc, việc xuất khẩu tiêu sang một số thị trường truyền thống khác vẫn còn trầm lắng. Theo đó, lượng tiêu xuất khẩu sang Mỹ giảm 12,6% so với tháng 5 xuống 4.801 tấn; sang Châu Âu giảm 2,3% xuống 3.808 tấn.

Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), thị trường đang trong giai đoạn giằng co giữa bên bán và bên mua. Sau nhiều lần va vấp trên thương trường, doanh nghiệp cũng đã có kinh nghiệm mua hàng. Còn với người nông dân, họ cũng có những mức giá mục tiêu riêng nhằm đảm bảo chi phí đầu vào và trang trải cuộc sống gia đình.

Chi phí trồng tiêu hiện tại của người dân khoảng 63.000 đồng/kg. Đây là lý do tại sao mức giá này được xem là ngưỡng kháng cự vững chắc bởi nó đảm bảo cho người dân hoà vốn, họ chỉ bán ra khi giá ít nhất đạt ngưỡng này.

(tổng hợp)