Các doanh nghiệp hồ tiêu Campuchia đang đổ xô mua vào dự trữ, kỳ vọng giá tiêu sẽ tăng mạnh từ thời điểm này. (Nguồn: Public Goods Blog) |
Cập nhật giá tiêu thế giới
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ ở mức 39.450 Rupee/tạ (cao nhất) và 39.200 Rupee/tạ (thấp nhất), tăng nhẹ so với phiên trước.
Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng Rupee Ấn Độ (INR) ngày 30/4 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 311,53 VND/INR.
Giá tiêu trong nước
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giao dịch ở mức từ 64.000 - 69.000 đ/kg tại các địa phương.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 64.000đ/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (65.500đ/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (67.000đ/kg); Bình Phước (68.000đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 69.000đ/kg.
Ngành hồ tiêu Campuchia có kế hoạch xuất khẩu 5.000 tấn hạt tiêu đạt chứng nhận chỉ dẫn địa lý (GI) và hạt tiêu không có GI trong năm 2021 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong khu vực và Liên minh châu Âu (EU).
Cụ thể, theo bài viết mới đây trên Phnom Penh Post, trả lời phỏng vấn tờ The Post ngày 29/4, Chủ tịch Liên đoàn Hạt tiêu và Gia vị Campuchia (CPSF) Mak Ny cho biết, các công ty thành viên CPSF đang nhắm đến Việt Nam và Đức như những điểm đến xuất khẩu chính.
Theo ông Ny, công ty Olam có trụ sở tại Việt Nam có kế hoạch xuất khẩu 3.000 đến 4.000 tấn hạt tiêu sang Việt Nam và công ty Fuchs có trụ sở tại Đức đặt mục tiêu xuất khẩu 1.000 tấn.
Ngoài ra, ông Ny còn cho biết, các công ty địa phương như Seila Pepper Co Ltd và Signatures of Asia Co Ltd có kế hoạch xuất khẩu khoảng 100 tấn mỗi công ty.
Quan chức này nói, trong năm 2020, các thành viên CPSF đã xuất khẩu hơn 3.000 tấn tiêu GI và không GI.
Chủ tịch CPSF cho biết: “Các công ty thành viên của CPSF có kế hoạch xuất khẩu nhiều hơn trong năm nay do sản lượng tiêu toàn cầu giảm, các doanh nghiệp đang đổ xô mua vào dự trữ, kỳ vọng thị trường sẽ tăng mạnh từ thời điểm này”.
Ngoài ra, Tổng giám đốc khu vực châu Á Chan Pich nói với The Post rằng công ty của ông có kế hoạch mua 100 tấn hạt tiêu hữu cơ từ tỉnh Mondulkiri để chế biến và xuất khẩu sang Phần Lan.
Ông nói: “Năm nay, chúng tôi mua nhiều tiêu hơn năm 2020 (40 tấn). Chúng tôi đánh giá thị trường tiêu năm nay đã cải thiện một chút so với năm ngoái”.
Theo ông Ny, giá tiêu Campuchia không có GI đã tăng từ 20 đến 30% so với năm ngoái, có giá khoảng 14.000 Riel (3,50 USD)/kg, so với 10.000 Riel một năm trước. Campuchia sản xuất khoảng 20.000 tấn hạt tiêu mỗi năm.
Ông cho biết thêm: “Mục tiêu của chúng tôi là gắn kết những người liên quan đến ngành hồ tiêu với nhau, điều này sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy tiềm năng của sản phẩm hồ tiêu Campuchia và sẵn sàng chia sẻ thông tin về thị trường hồ tiêu”.
Liên đoàn Hạt tiêu và Gia vị Campuchia có 15 cộng đồng sản xuất hồ tiêu thành viên, trồng trọt trên khoảng 700ha, sản lượng khoảng 1.200-1.500 tấn hạt tiêu mỗi năm.
Theo Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến hạt tiêu Kampot Nguon Lay, năm 2020, 70 tấn hạt tiêu có chứng nhận GI mang thương hiệu Kampot của Campuchia đã được xuất khẩu sang hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu ở châu Âu. Trung bình, giá tiêu đen Campuchia xuất khẩu đạt 15 USD/kg, tiêu đỏ 25 USD/kg và tiêu trắng 28 USD/kg.
Hiện nay, tổng diện tích tiêu ở Campuchia đạt 6.700ha với sản lượng hơn 20.000 tấn mỗi năm.
TIN LIÊN QUAN | |
Giá tiêu hôm nay 29/4: Thế giới vẫn đi ngang, cao nhất 69.000đ/kg, giá tiêu có thể tăng |