Giá tiêu hôm nay 19/7: Đi ngang, cao nhất 75.500đ/kg. (Nguồn: Vinapro) |
Cập nhật giá tiêu thế giới
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, tính đến 0h15 ngày 19/7, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ ở mức 42.000 Rupee/tạ (cao nhất), 41.950 Rupee/tạ (thấp nhất), giảm nhẹ so với phiên trước đó.
Tỷ giá tính chéo của Đồng Việt Nam so với Rupee Ấn Độ được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu có hiệu lực kể từ ngày 15-21/7/2021 là 311,13 VND/IRN.
Giá tiêu trong nước
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giao dịch ở mức từ 72.000 – 75.500 đ/kg tại các địa phương.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 72.000 đ/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (72.500 đ/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (73.500 đ/kg); Bình Phước (74.500 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 75.500 đ/kg.
Trên thị trường thế giới, theo trang Commodity 3, kể từ tháng 4/2021, giá tiêu của Ấn Độ xuất khẩu sang thị trường châu Âu ổn định ở mức 5.500 USD/tấn xuất xưởng NW đối với loại MG1, cao hơn 19% so với tháng 1/2021.
Tại Nigeria, giá của một giỏ tiêu đã tăng từ 1.000 Naira vào tháng 4 lên 2.500 Naira vào tháng 7, khiến hoạt động kinh doanh của các thương nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo Báo cáo Phân tích Quy mô Thị trường, Thị phần và Xu hướng Toàn cầu 2020 - 2027, quy mô thị trường gia vị dự kiến sẽ đạt 9,7 tỷ USD vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng hằng năm kép (CAGR) là 6,5%.
Business Wire nhận định, nhu cầu ngày càng tăng đối với thực phẩm có hương vị tự nhiên ở cấp độ toàn cầu dự kiến sẽ vẫn là một yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng ngành.
Tại thị trường trong nước, tuy cây hồ tiêu đang vào giai đoạn cuối kỳ ra hoa, đậu trái nhưng nhiều diện tích hồ tiêu đang bị rụng hoa hàng loạt do thời tiết bất lợi.
Ghi nhận tại tỉnh Bình Phước, 5 năm trở lại đây đã có hàng ngàn héc ta hồ tiêu bị chết nhanh, chết chậm, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Nguyên nhân được xác định là do biến đổi khí hậu, giá tiêu sụt giảm, thu không đủ tái đầu tư nên nông dân đã bỏ bê, không chăm sóc khiến cây kém phát triển, sâu bệnh tấn công, tiêu chết hàng loạt...
Để phòng trừ và ngăn ngừa dịch bệnh, rất nhiều nông dân đã tự ý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học dẫn đến làm suy thoái, ô nhiễm nguồn đất, nước nhưng hiệu quả quản lý dịch hại và kinh tế không cao.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sản lượng vụ mùa hạt tiêu vừa qua giảm gần 30%, trong khi tình trạng thiếu container rỗng xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu khiến hàng đến chậm, gây nên tình trạng thiếu hụt cục bộ.