Tăng vọt chưa có điểm dừng, cao nhất 79.500đ/kg. (Nguồn: reNature) |
Cập nhật giá tiêu thế giới
Giá tiêu thế giới hôm nay tiếp tục tăng mạnh so với một ngày trước đó. Ghi nhận lúc 0h15 ngày 20/3 (giờ Việt Nam), giá hồ tiêu thế giới giao ngay trên sàn trực tuyến NCDEX Kochi (Ấn Độ) giao dịch ở 37.983,35 Rupee/tạ (thấp nhất) và 38.325 Rupee/tạ (cao nhất).
Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR ngày 19/3 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng là 318,46 VND/INR.
Giá tiêu trong nước
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giảm nhẹ tại các địa phương, giao dịch ở mức từ 74.500 - 78.500 đồng/kg,.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 74.500đ/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Gia Lai (76.000đ/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (77.000đ/kg); Bình Phước (77.500đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 78.500 đ/kg.
Theo bài viết mới nhất trên trang Peppertrade, trong tháng 2, Việt Nam đã xuất khẩu 13.428 tấn hạt tiêu, với giá trị xuất khẩu đạt 38,92 triệu USD. So với tháng trước, lượng xuất khẩu giảm 20,5%, kim ngạch giảm 20,1%. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu được 30.291 tấn, trị giá 87,56 triệu USD.
Mặc dù giá tiêu tăng nhanh nhưng lượng xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này lại giảm mạnh lần lượt 21,4% (về lượng) và 25,3% (về kim ngạch xuất khẩu) so cùng kỳ năm trước.
Cũng theo ghi nhận của Peppertrade, từ giữa tháng 2 đến nay, giá hồ tiêu Việt Nam liên tục tăng, thậm chí tăng ‘nóng’ khi gần chạm mốc 80.000 đồng/kg trong ngày hôm qua (19/3). Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia, trước biến động khó lường của thị trường, nông dân trồng hồ tiêu và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cần thận trọng, tỉnh táo để tránh rủi ro.
Peppertrade thống kê, trong vòng hơn 1 tháng (từ 17/2 đến 19/3), giá tiêu Việt Nam đã tăng tới hơn 45%. Thị trường tăng nóng đến mức các nhà sản xuất, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam đã phải tổ chức một phiên họp khẩn cấp để phân tích những nguyên nhân chính đã tác động mạnh đến thị trường trong suốt thời gian qua.
Theo đó, có những nguyên nhân chính sau đây dẫn tới tình trạng giá hồ tiêu tăng sốc:
Một là, dù tiêu được giá nhưng nhiều hộ nông dân vẫn không có lợi nhuận nên tính đến chuyện tích trữ hàng, đợi giá tăng hơn nữa. Để trang trải chi phí sản xuất, nhiều hộ nông dân đã phải bán những sản phẩm khác nhưng không bán hồ tiêu, bởi theo họ, hạt tiêu vẫn là mặt hàng đầu tư hấp dẫn hơn so với các sản phẩm nông nghiệp khác. Hiện tượng thu gom, găm hàng đã xảy ra ở một số địa phương.
Hai là, giá tiêu hiện đang ở mức cao đã kích thích nhiều nhà xuất khẩu và các đại lý trong nước thu mua để dự trữ. Đặc biệt, có những doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng tích cực tham gia và thúc đẩy thị trường tăng mạnh trong thời gian qua.
Ba là, thương nhân nước ngoài và trong nước tăng cường mua hàng ở thời điểm ngay sau Tết Nguyên đán. Thêm vào đó, nhu cầu từ thị trường Trung Đông, Ấn Độ đối với hàng hóa giao vào háng 3 và tháng 4 cũng tăng cao. Ngoài ra, các nhà nhập khẩu Trung Quốc cũng quan tâm hơn đến việc nhập thêm hồ tiêu Việt Nam.
Bốn là, một số doanh nghiệp xuất khẩu thiếu hụt số lượng hàng lớn và buộc phải thu mua nguyên liệu để đảm bảo giao hàng đúng hạn theo hợp đồng, dẫn tới hiện tượng khan hàng, đẩy giá tăng cao.